Đòi bồi thường vì bị xâm phạm bằng độc quyền sáng chế
VKS cho rằng kháng cáo của bị đơn không có tình tiết mới nên đề nghị bác nhưng HĐXX chấp nhận, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty Novartis (Thụy Sĩ) và bị đơn là Công ty cổ phần Dược phẩm Đạt Vi Phú (trụ sở tại thị xã Bến Cát, Bình Dương).
Phiên tòa phúc thẩm được mở do bị đơn có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX quyết định hủy bản án, trả hồ sơ để xét xử lại từ đầu theo thủ tục sơ thẩm.
Theo hồ sơ, nguyên đơn là chủ sở hữu của bằng độc quyền sáng chế bảo hộ cho hoạt chất Vildagliptin. Đầu năm 2015, nguyên đơn phát hiện bị đơn đang sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc Vigorito chứa hoạt chất Vildagliptin thuộc phạm vi bảo hộ của nguyên đơn. Từ đó, nguyên đơn khởi kiện bị đơn ra tòa.
Ngày 22-11-2019, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa sơ thẩm. Tại tòa, đại diện bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Lý do, kết quả tra cứu không tìm thấy thông tin nào liên quan đến hợp chất Vildagliptin dạng tinh thể được bảo hộ dưới hình thức sáng chế.
Đáp lại, đại diện nguyên đơn cho rằng phạm vi bảo hộ của bằng độc quyền sáng chế bao gồm các dạng, trong đó có dạng tinh thể. Theo vị đại diện này, hành vi của bị đơn là xâm phạm độc quyền sáng chế của nguyên đơn.
Đại diện VKS cho rằng các chứng cứ là các kết luận giám định, kết luận thanh tra có kết quả trùng khớp xác định bị đơn có yếu tố xâm phạm bằng độc quyền sáng chế của nguyên đơn. Do đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Cuối cùng, HĐXX tuyên chấp nhận ba yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Thứ nhất, buộc bị đơn phải chấm dứt các hành vi nhập khẩu, sản xuất, buôn bán các sản phẩm xâm phạm bằng độc quyền sáng chế của nguyên đơn. Thứ hai, xin lỗi công khai trên báo trong ba kỳ liên tiếp. Thứ ba, bồi thường thiệt hại 800 triệu đồng. Bị đơn kháng cáo.
Trong kháng cáo, phía bị đơn cho rằng bản án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ không đầy đủ và thời gian bảo hộ của nguyên đơn đã hết.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên kháng cáo.
Đại diện VKSND Cấp cao tại tòa cho rằng đối với kháng cáo của bị đơn không đưa ra được tình tiết nào mới. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ, VKS đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm nhận định nguyên đơn đã căn cứ vào kết luận giám định hoạt chất Vildagliptin có trong sản phẩm thuốc Vigorito do bị đơn sản xuất để khởi kiện. Bị đơn không đồng ý với kết luận giám định này và sau đó được cơ quan tố tụng cho giám định lại. Tuy nhiên, bản giám định này không xác định là giám định bổ sung hay giám định lại. Vì thế cần phải hủy bản án sơ thẩm để làm rõ.