Đói cùng cực, người dân Gaza phải moi đào nhà cửa đổ nát tìm thức ăn
Nhiều người dân Dải Gaza phải moi đào nhà cửa đổ nát tìm thức ăn, trong bối cảnh tình trạng thiếu thực phẩm ngày càng nghiêm trọng khiến họ lâm vào cảnh đói cùng cực.
Ngày 4-12, phía Israel không kích TP Deir al-Balah (miền trung Dải Gaza, Palestine), khiến nhiều con đường, nhà cửa bị phá hủy. Trận không kích cũng khiến tiệm bánh Al-Baraka – một trong số ít tiệm vẫn còn hoạt động ở Dải Gaza – bị sụp đổ.
Sau trận không kích trên, nhiều người dân Gazađến moi đào các đống đổ nát nhà cửa, tiệm bánh. Lần này, họ không đào bới để tìm người thân mà để tìm kiếm thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác một cách tuyệt vọng.
Phóng viên của đài CNN cho biết họ ghi nhận những cảnh tượng hết sức thương tâm.
Một người đàn ông vác một lúc 6 bình dầu ăn lấy được từ đống đổ nát và cố gắng bước qua khung cảnh hỗn loạn tại đây. Nhiều người dân tranh cãi, thúc cùi chỏ vào nhau khi họ tranh giành túi bột mì, một ít trà và một chiếc chăn bị vứt bỏ.
Đói mới phải làm vậy
Vào cuối tháng 10, Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo an ninh trật tự tại Gaza có thể bị phá vỡ khi hàng nghìn người dân Gaza tràn vào các kho hàng viện trợ lấy đi các mặt hàng cơ bản như bột mì và vật tư vệ sinh.
Vào thời điểm đó, ông Thomas White – Giám đốc Phụ trách các vấn đề tại Gaza thuộc Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) – cho hay "mọi người đều sợ hãi, thất vọng và tuyệt vọng”.
Trao đổi với CNN, ông Kamil Al-Raie – một người dân có nhà bị phá hủy sau cuộc không kích hôm 4-12 – cho biết tình trạng đói kém khiến người dân Gaza phải làm những hành động tuyệt vọng như vậy.
“Hãy nhìn mọi người đi. Tất cả đều là do họ đói mới làm vậy” – ông Al-Raie nói, ám chỉ đám đông đào bới đống đổ nát sau cuộc không kích.
Trên thực tế, tình trạng đào các đống đổ nát để tìm thức ăn đã xuất hiện từ lâu tại khu vực bắc Gaza – nơi nguồn viện trợ khó tiếp cận nhất. Tại đây, người dân Gaza đào bới giữa đống đổ nát của xung đột để tìm bất cứ thứ gì họ có thể ăn, từ rau, trái cây, thịt hộp đến cả những phần đậu còn sót lại.
Ông Saed Abu Dan – cha của cặp song sinh 5 tuổi trú ẩn tại bệnh viện Al-Aqsa (miền trung Gaza) – cho biết: “Trong nhiều ngày xung đột, tất cả chúng tôi sống sót chỉ với 1 bữa ăn trong ngày, thường chỉ gồm vài miếng bánh mì nhỏ hoặc một ít gạo, nếu có ai đó tặng cho chúng tôi”.
Ông Dan cho biết ông đun sôi nước tắm trên túi nhựa để nấu mì ống. Ông biết dùng nước như vậy để chế biến thực phẩm là rất nguy hiểm “nhưng các con tôi không thể chịu được cơn đói”.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), trước khi xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) xảy ra, hơn 2/3 người Palestine ở Gaza đã phải vật lộn hàng ngày để tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra, khoảng 3/4 người dân Gaza khi ấy sống dựa vào viện trợ lương thực do UNRWA cung cấp.
Theo WFP, toàn bộ người dân Gaza đang rất cần sự hỗ trợ lương thực. Tổ chức này cũng cho biết kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, họ đã cho vận hành 23 tiệm bánh trên khắp Gaza.
“Hệ thống thực phẩm đang sụp đổ. Tiệm bánh cuối cùng mà WFP hợp tác đã đóng cửa vì không có nhiên liệu, khí đốt” - theo thông báo của WFP.
Ông Ibrahim Dabbour – một cư dân ở TP Deir al-Bala – cho biết tiệm bánh Al-Baraka rất quan trọng, vì đây từng là nơi xoa dịu cơn đói cho rất nhiều người dân trong vùng. Ông Dabbour cảm thấy bàng hoàng khi hay tin tiệm bánh này bị không kích.
“Tiệm bánh nên nằm ngoài phạm vi hoạt động quân sự. Thành thật mà nói, việc tấn công tiệm bánh nên được coi là khủng bố” – ông Dabbour nói.
Viện trợ vẫn chưa đủ
Vào tháng trước, khi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas được thực thi, những chiếc xe tải chở đầy bột mì, chà là, rau và đậu đóng hộp đã đi qua cửa khẩu Rafah (biên giới giữa Ai Cập và Gaza) để vào Dải Gaza. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, WFP cảnh báo lượng thực phẩm này không đủ cho toàn bộ người dân Gaza.
Hôm 29-11, bà Alia Zaki – phát ngôn viên của WFP ở Jerusalem – cho biết: “Những gì đang vào Gaza hiện không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân và ngăn chặn nguy cơ người dân tại đây chết đói. Nếu không tiếp tục cung cấp thực phẩm, không có nhiên liệu và kết nối, tất cả hoạt động nhân đạo sẽ gặp rủi ro”.
Theo tờ The Washington Post, xung đột phá hủy phần lớn đất nông nghiệp của Gaza, làm tăng thêm tình trạng thiếu hụt thực phẩm và khiến 2,3 triệu người dân Gaza khó có thể tự nuôi sống mình trong những tháng tới.
Với những người nông dân Gaza như ông Akram Abu Khousa, xung đột buộc ông từ bỏ công việc của mình.
Ông Khousa từng là chủ của một cánh đồng lớn ở bắc Gaza. Ông cung cấp một lượng lớn thực phẩm cho người dân tại dải đất này trước khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, hồi tháng 10, ông Khousa đã phải sơ tán xuống nam Gaza theo cảnh báo từ phía Israel.
Cuối tháng 10, các con trai của ông Khousa lẻn về nhà và thấy ngôi nhà cùng với cánh đồng của gia đình mình bị tàn phá. Ông ước tính gia đình ông cần đến 3 tháng để có thể dọn dẹp đất đai và bắt đầu canh tác trở lại.
Ông Hani Abu Musa là tình nguyện viên ở miền trung Gaza. Ông đã nấu hàng nghìn bữa ăn gồm cơm, thịt, đậu cho những người phải sơ tán vì giao tranh. Trong những tuần xung đột leo thang, các thành viên trong nhóm của ông lẻn đến khu vực biên giới vào ban đêm để lấy gia súc từ các trang trại bị bỏ hoang.
Ông Musa cho biết dòng viện trợ lương thực trong thời gian ngừng bắn đã giúp ích cho người dân Gaza nhưng nó “không đủ cho số lượng lớn người dân”.
“Việc Israel nhắm vào các vùng đất nông nghiệp dọc theo biên giới của Dải Gaza, từ Beit Hanoun ở phía bắc đến Rafah ở phía nam, khiến chúng tôi thiếu các loại rau cần thiết để chuẩn bị bữa ăn” – ông Musa nói.