Đối đầu Mỹ, Trung Quốc quay sang 've vãn' Nhật
Trung Quốc đề xuất với Nhật Bản rằng hai nước nên xây dựng một mối quan hệ an ninh mới, trong bối cảnh quan hệ của Bắc Kinh với Washington ngày càng xấu đi, một nhà cựu ngoại giao Nhật Bản tiết lộ.
Ông Tomoki Kamo, giáo sư chuyên về các vấn đề Trung Quốc tại ĐH Keio ở Tokyo, cho biết Bắc Kinh lần đầu đưa ra đề xuất này khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái.
Chuyến thăm đó được cho là một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ sau giai đoạn hai nước rất căng thẳng vì tranh chấp trên biển Hoa Đông.
“Phía Trung Quốc đưa ra cụm từ ‘quan hệ an ninh mới’ trước khi ông Abe thăm Trung Quốc năm ngoái”, ông Kamo nói. “Rõ ràng quan hệ ngày càng xấu đi của Bắc Kinh với Wshington là một nhân tố kích thích quan trọng”, ông nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc không nói cụ thể quan hệ mới đó như thế nào, khiến Nhật Bản không hiểu rõ họ đang nhận được đề xuất gì, ông Kamo cho biết.
Trung Quốc từ lâu vẫn coi Nhật Bản là một đối thủ chiến lược và tranh chấp giữa hai nước đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông vẫn là một điểm nóng tiềm tàng.
Bắc Kinh lâu nay cũng miễn cưỡng chuyện bàn bạc về quan hệ an ninh với Tokyo, vì thực tế là Nhật Bản trong Thế chiến 2 đã chiếm đóng một số khu vực của Trung Quốc, dẫn đến cái chết của hàng triệu người. Lịch sử vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, quan hệ xấu đi với Mỹ khiến Trung Quốc cảm thấy ngày càng bị bao vây, nên đang cố gắng tìm thêm bạn bè trên khắp thế giới.
Trong bối cảnh đó, ông Abe sang thăm Trung Quốc vào năm 2018. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản kể từ cuối năm 2011. Chuyến thăm đó đã chứng kiến các thỏa thuận trị giá 18 tỷ USD được ký kết. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gọi đây là một dấu hiệu cho thấy “triển vọng tươi sáng” cho quan hệ kinh tế song phương trong tương lai. Và chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản vào cuối tuần này có thể mang đến tiến triển nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này.
Hai bên có thể dùng cơ hội này để thảo luận việc nới lỏng kiểm soát hàng thực phẩm xuất khẩu của Nhật Bản và việc Nhật Bản tham gia vào Sáng kiến Vành đai Con đường do ông Tập khởi xướng.
Quan hệ hai nước trở nên gần gũi hơn kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ năm 2017. Cả Bắc Kinh và Tokyo đều cảm thấy bất định về tương lai quan hệ của họ với Mỹ - điều Bắc Kinh hy vọng sẽ khiến Nhật Bản không ủng hộ những nỗ lực của ông Trump nhằm cô lập Trung Quốc hơn nữa trên trường quốc tế.
Về phần mình, Nhật Bản sợ rằng họ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của các biện pháp bảo hộ của ông Trump, sau khi Tổng thống Mỹ dọa tăng thuế lên ô-tô Nhật.
Những bất chấp những dấu hiệu đó, các nhà quan sát Nhật Bản vẫn rất hoài nghi về mức độ Nhật Bản và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực an ninh.
Ông Masatoshi Murakami, một chuyên gia về quan hệ Nhật – Trung ở ĐH Doshisha ở Kyodo, nói rằng hai bên có thể xây dựng quan hệ tốt hơn, nhưng đây sẽ chỉ là “chiến thuật chứ không phải chiến lược”.
“Trung Quốc và Nhật Bản cần nhau ngay lúc này, đặc biệt trên mặt trận kinh tế, nhưng kiểu hợp tác này khó giữ lâu dài”, báo SCMP dẫn lời ông Murakami.
Từng là một nhà ngoại giao, ông Murakami nói rằng Nhật Bản vẫn rất lo ngại về những tham vọng chiến lược của Bắc Kinh.
Ông nói Tokyo quan ngại những hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông, nơi Bắc Kinh xây các cơ sở hạ tầng quân sự và tăng cường hiện diện trên vùng biển mà những nước Đông Nam Á khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Ông cho rằng Trung Quốc thường có kiểu đột ngột thay đổi quan điểm trong các cuộc đàm phán, khiến các bên khó xây dựng lòng tin.
“Trung Quốc có thể đột ngột hủy ký một thỏa thuận ngay trong buổi sáng diễn ra lễ ký kết, khiến các nhà ngoại giao Nhật Bản chúng tôi mất mặt”, ông nói.
Ông Akio Takahara, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Tokyo, nói rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng sức mạnh quân sự khiến nước này khó có thể xây dựng quan hệ an ninh với Nhật.
“Chiến thuật quân sự của Trung Quốc hiện nay là lấn át đối thủ và chiến thắng mà không cần chiến đấu thực sự. Nhưng điều đó sẽ không có tác dụng, vì nó làm xói mòn cơ sở của quan hệ song phương”, ông Takahara nói.