Đối diện một bức tường
Bóng đá, lại còn là bóng đá World Cup, chính là xúc tác mạnh mẽ nhất để bạn bè tụ bạ nâng ly. Những đòi hỏi về màn hình lớn đã không còn được xem là ưu tiên số 1 như bao mùa World Cup trước nữa rồi. Càng có tuổi, càng phiên phiến. Miễn là mồi bén, bạn hiền, chỗ ngồi thoải mái là đủ.
Thế nên mùa World Cup này, tôi cùng mấy người bạn tâm giao thường hay tề tựu ở một quán ven đường. Xem bóng đá thì dùng iPad kết nối ra loa bluetooth. Mấy trận lượt cuối vòng bảng, thậm chí dùng hẳn 2 cái iPad để hai đầu bàn để theo dõi 2 trận cùng giờ. Cứ thế, 4 ông tóc hoa râm chụm đầu vừa xem vừa tán chuyện vừa uống rượu. Vui đáo để.
Mấy bữa rượu đêm thức xem World Cup liên tục khiến cho sáng đầu tuần mệt mỏi kinh khủng. Cái bụng chộn rộn, cái cổ khô rát, cái ngực nóng ran vì uống nhiều thúc đẩy một cơn thèm thanh tao. Giờ mà có được cái gì nhẹ nhàng như tô bún ốc hay bún riêu thì chắc mọi cái mệt mỏi kia tiêu tan hết. Nghĩ là làm tới. Tôi thúc xe hướng thẳng về một nhà hàng ở trung tâm quận 1. Nhà hàng này xưa nằm ở điểm khác, sau dịch chuyển ra phố "lớn". Thực đơn ở đây đa dạng, quà ăn sáng cũng ngon miệng. Lâu rồi chưa ghé nên ghé một buổi thử xem địa điểm mới có gì hay ho hơn không.
Tô bún ốc dậy mùi quả thực là phương thuốc hữu hiệu xóa tan cái bạc nhược thằng người sau những trận rượu kéo dài. Phải thừa nhận, nhà hàng này vẫn giữ được sự ổn định của bếp thuần Bắc. Địa điểm mới cũng sang trọng hơn. Cái thực đơn mới nhìn cũng "tình cảm" hơn khi có cả trang tâm thư tâm sự của cô chủ, vốn dĩ là một người nổi tiếng. Cô kể về những bữa ăn thời bao cấp khốn khó, về ký ức với gia đình và thổ lộ ý muốn phục dựng cái không khí gia đình ấy ở chính nhà hàng của mình. Và cô đã thành công, chí ít là đến lúc này. Nhìn vào lượng thực khách cùng những đánh giá tích cực mà họ dành cho nhà hàng, rõ ràng cô chủ đã đạt được mục tiêu của mình rồi.
Tô bún ốc buổi sáng cũng gợi tôi nhớ quá nhiều những ngày tháng xa xưa ở Hà Nội. Lạ thật, các cụ vẫn nói ăn ốc lạnh bụng mà bún ốc lại là món quà sáng khoái khẩu của nhiều người. Tôi nhớ ngày xưa, thời thập niên 80s, trên đường từ nhà tới trường có một hàng bún ốc, bún riêu với cái bếp than đá to đùng được đặt ở ngay trên vỉa hè, sát cửa quán. Cứ sáng đi học qua, trưa đi học về, cái mùi nước dùng thơm lừng dấm bỗng nó cứ khiến dịch vị tứa ra trong miệng. Thi thoảng tôi cũng được cha mẹ cho ăn bún riêu, bún ốc, nhưng chưa bao giờ được ăn ở cái quán trên đường đi học của mình cả.
Không biết là do nó không ngon nên cha mẹ không lựa chọn hay vì lý do nào khác. Nhưng có một sự thật là cả cuộc đời này, tôi vĩnh viễn không được ăn bún ốc ở quán ấy rồi. Đơn giản, nó đã không còn tồn tại nữa, kể từ hồi đầu thập niên 90 thì phải. Nhưng mỗi lần về lại Hà Nội, đi ngang qua đó, tôi vẫn ngoái lại nhìn, và hình dung ra nồi nước dùng vĩ đại sôi lăn tăn với mùi dấm bỗng thơm phức.
Ăn xong tô bún ốc, thoát ra ngoài cái hoài niệm hàng bún chưa-bao-giờ-đặt-chân ở Hà Nội, tôi ngồi xuống bàn trà của quán, nhẩn nha uống ly trà mạn, rít hơi thuốc lào. Bộ bàn ghế gỗ đúng kiểu thời bao cấp càng gợi nhắc hơn không khí miền Bắc. Và đập vào mắt tôi là bức tranh tường. Nãy cắm cúi với tô bún ốc, tôi không để ý tới bức tranh tường. Giờ thì thấy nó, rõ mồn một và lập tức bị cuốn vào nó dù thực chất, nó không phải là một bức tranh đẹp.
Đó là một bức tranh mô tả sinh hoạt chợ quê với trung tâm là một con kênh chia đôi bức tranh thành hai phần. Bên trái là làng, với mái ngói thâm nâu, vài người đang buôn bán vặt đầu làng, vài người đang giặt đồ hoặc tắm cho con trẻ. Bên phải là chợ phiên, sầm uất hơn. Thậm chí còn có cả khách đi chợ mặc tà áo dài màu hồng phấn, sến hết đường sến. Cái bức tranh tường có thể nói là xấu xí ấy hút tôi vì sự xấu xí của chính nó. Nó tồn tại ở đó với một mục đích duy nhất: để trang trí cho nhà hàng. Nhưng nó cũng đã thực thi một nhiệm vụ duy nhất đầy xuất sắc: phá hỏng mĩ quan của chính nhà hàng.
Tại sao người ta có thể cẩu thả vẽ một bức tranh tường như thế mà thản nhiên nhận thù lao của nhà chủ được nhỉ? Một cái quán đậm chất Bắc bộ, bán các món ăn Bắc bộ, lấy chủ đề Bắc bộ làm trung tâm, sẽ rất cần một bức tranh tường có được cái hồn Bắc bộ trong mình. Nhưng những sự vật, những con người xuất hiện trong bức tranh kia thì tạp pí lù rõ rệt. Những mái nhà rơm rạ bên phải nửa như nhà rông Tây Nguyên, nửa như nhà lá vùng cao phía Bắc, chút chút lại có gì đó phảng phất nhà tranh ở Trung bộ.
Tóm lại là nó không ra dáng một cái nhà cụ thể của vùng miền nào. Còn những con người ở trong tranh thì cũng không khác những cái nhà kia mấy. Họ cũng một tí Bắc, một tí Trung, một tí miền Tây Nam bộ và cả một tí vùng Tây Nguyên. Nói chung, họ oẳn tà rà vằn dưới nét bút của một anh thợ vẽ chắc cũng oẳn tà rà vằn nào đó.
Xã hội bây giờ điều kiện đi lại dễ dàng hơn nhiều nên con người ta cũng lịch duyệt hơn nhiều. Chắc người thợ vẽ kia không có điều kiện để đi một dọc đất nước đủ để biết cái phong cách Bắc, Trung, Nam khác nhau ra sao nên anh ta mới có một sản phẩm kinh dị đến vậy. Nhưng thực tế, cũng đâu cần đi nhiều mới có thể quan sát được, khi mà các dữ liệu hình ảnh đầy rẫy trên chỗ của chị Gu Gồ. Vậy thì có khi nào anh thợ vẽ cố tình muốn tạo ra một bức tranh tường theo kiểu "bách hóa tổng hợp" chăng? Khó hiểu thật và nhìn bức tranh ấy khó chịu thật.
Nhưng nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại. Cô chủ nhà hàng chẳng lẽ không nhận ra cái kỳ dị của bức tranh tường trang trí cho nhà hàng của chính mình hay sao? Hay là bản thân cô cũng chỉ có cảm thụ ở tầm của anh thợ vẽ kia và cho rằng cứ giông giống, cứ nhiều màu để bức tường không còn là bức tường đơn giản nữa là đẹp rồi?
Rồi tôi nhìn vào cái hóa đơn mình nhận được. Gần "một trăm năm mươi cành" (nói theo ngôn ngữ mạng) cho tô bún và ly cafe không phải là rẻ chút nào. Trong số tiền ấy, chắc cũng có chút chút được tính cho khấu hao cơ sở vật chất mà bức tranh tường "man rợ" kia cũng chiếm một phần.
Ơ kìa, nhẽ ra thực khách phải được đền bù khi bị nhìn một thứ kinh khủng thế chứ nhỉ? Nhưng cô chủ chắc không nghĩ vậy. Cô ấy ngắm nó mỗi ngày nên có lẽ, cô cũng tin thực khách đang có diễm phúc được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật như mình…
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/doi-dien-mot-buc-tuong-i678281/