Đôi điều cảm nhận khi đọc: 'Kỷ yếu chiến sĩ cách mạng hoạt động ở Bình Thuận bị địch bắt tù đày'

Tháng 1/2020, Hội Cựu tù chính trị tỉnh Bình Thuận đã cho phát hành 'Kỷ yếu chiến sĩ cách mạng hoạt động ở Bình Thuận bị địch bắt tù đày'.

Đôi điều cảm nhận khi đọc

Quá trình biên soạn kỷ yếu

Tập kỷ yếu với 436 trang, in khổ rộng (16,5 x 24,5cm) trên giấy láng đẹp, với hình ảnh và tóm tắt thông tin về 1.079 cựu tù chính trị. Những người có tên trong kỷ yếu là những chiến sĩ cách mạng, quê quán phần lớn ở Bình Thuận, cùng các miền khác nhau của đất nước, có quá trình hoạt động cách mạng ở Bình Thuận, bị địch bắt tù đày, tính từ năm 1885 đến năm 1975. Mốc năm 1885 là năm vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân cả nước ra sức chống giặc Pháp. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, dân chúng và sĩ phu Bình Thuận đã cùng đồng bào cả nước đứng lên chống giặc.

Tập kỷ yếu được hình thành là kết quả của một quá trình làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, công phu từ 3 cấp Hội Cựu tù chính trị của tỉnh (tỉnh, huyện, xã) trong một thời gian khá dài. Tập kỷ yếu được Tỉnh hội xây dựng kế hoạch, xin chủ trương của lãnh đạo tỉnh, tổ chức thu thập thông tin, tư liệu, biên soạn, xuất bản, phát hành, nhằm đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của những cựu tù chính trị và người thân; cùng tấm lòng tri ân, tôn vinh những chiến sĩ cách mạng đã vững chí bền gan trong nhà tù của giặc – một dạng chiến trường đặc biệt. Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh hội cùng các thành viên Tổ Tư vấn (ở 3 nhóm nhà tù: đất liền, Côn Đảo, Phú Quốc) đã cân nhắc nhiều lần, thống nhất tiêu chí để chọn cựu tù chính trị đưa vào kỷ yếu. Theo đó, đối tượng được chọn đưa vào tập kỷ yếu là: Những người yêu nước, hoạt động cách mạng ở Bình Thuận trước ngày 30/4/1975 bị địch bắt tù đày; bảo đảm các tiêu chí quy định. Đó là những cựu tù chính trị có thành tích cống hiến và quá trình phấn đấu xuyên suốt cả 3 giai đoạn: trước, trong và sau khi ra tù…

Tỉnh hội tổ chức chọn điểm để chỉ đạo triển khai: phường Phú Thủy (Phan Thiết), xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc); sơ kết rút kinh nghiệm, sau đó tiến hành triển khai đại trà trong toàn tỉnh. Tỉnh hội tổ chức hội nghị tập huấn riêng cho huyện Hàm Thuận Bắc, bởi Hàm Thuận Bắc được xem là cái nôi cách mạng của tỉnh, có rất đông chiến sĩ cách mạng là những cựu tù. Việc triển khai tại các xã ở Hàm Thuận Bắc được Thường trực Tỉnh hội trực tiếp phối hợp cùng lãnh đạo và các đoàn thể của từng xã tiến hành.

Phải nói rằng, việc triển khai các bước đã được Tỉnh hội triển khai rất công phu. Bắt đầu từ việc tổ chức quán triệt tư tưởng trong các cựu tù, các cấp hội, cùng các đồng chí lãnh đạo của hệ thống chính trị 3 cấp trong tỉnh. Đạt được sự đồng thuận về tư tưởng, việc triển khai được tiến hành thông suốt, thuận lợi từ tỉnh đến các huyện, xã. Từ nguồn thông tin được cơ sở cung cấp, Tỉnh hội đã đọc lại lịch sử truyền thống cách mạng các địa phương trong tỉnh, tìm về tên những nhân vật tiêu biểu đã từng là cựu tù, sau đó, tiếp tục thẩm định, giới thiệu lại về các địa phương. Việc xét chọn, đã đi từ xã lên đến tỉnh; sau đó, phản hồi, từ tỉnh xuống lại các xã, để được sự thống nhất cao khi đưa vào kỷ yếu.

Đôi điều cảm nhận

Lần mở những trang kỷ yếu, đọc những trang viết “Những con người trung hiếu”, nhìn hình ảnh của những cựu tù chính trị cùng những thông tin vắn tắt về mỗi người, mà qua đó, phần nào cảm nhận về mỗi cuộc đời, người viết bài vô cùng cảm kích. Cảm kích bởi: đã từng gặp những cô chú, anh chị trong những lần tiếp xúc trước đây, nay đọc được thời gian, những nhà lao mà các cô chú, anh chị đã từng trải qua: Nhà lao Phan Thiết, Pagode, Trung tâm Cải huấn Bình Thuận, Trung tâm Cải huấn Bình Tuy, các nhà tù ở Nha Trang, Tuy Hòa, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Cần Thơ, Côn Đảo, Phú Quốc, Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn, Tân Hiệp, cùng những nhà tù khác. Có những cựu tù chính trị bị giam nhiều năm ở các nhà tù, như các ông Trần Nhự (sinh năm 1923) ở Tánh Linh, từng bị giam ở 8 nhà tù, liên tục trong 20 năm; ông Trần Năm (sinh năm 1918) ở Phan Thiết, trải qua 4 nhà tù trong 20 năm; ông Bố Xuân Đồng (sinh năm 1923) ở Bắc Bình, trải qua 4 nhà tù trong 19 năm; ông Trần Thanh Chí (sinh năm 1930) trước sống ở La Gi, nay đã từ trần, từng bị giam ở 4 nhà tù các thời điểm khác nhau trong 21 năm…

90 năm, gần 1 thế kỷ, với những sự anh dũng, kiên trung cùng những đau thương, mất mát mà những cựu tù chính trị đã nếm trải - khi những chiến sĩ cách mạng ấy phải đấu tranh căng thẳng, chiến đấu với chính mình trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, dưới những song sắt và những thủ đoạn tra tấn, đối xử dã man của địch - đã góp phần vào công sức chung của toàn dân tộc, để đất nước chúng ta có ngày độc lập trọn vẹn, thống nhất Nam - Bắc sum họp một nhà.

Tôi rất xúc động khi đọc được những dòng trong kỷ yếu: “Sang giai đoạn bị giam cầm đày ải, người tù yêu nước phải vững chí, bền gan, chịu đựng, gắn mình cùng tập thể để đấu tranh. Trong chiến trường khốc liệt này, vai trò cá nhân có ý nghĩa quyết định, nhất là khi độc lập chiến đấu, phải liên tục tự dặn lòng mình; bên cạnh đó, sự động viên chia sẻ của đồng đội không kém phần quan trọng”.

Tôi cũng rất trân trọng những ý kiến được nêu trong tiểu luận “Những người con trung hiếu”: “Trước nanh vuốt của quân thù, những người con trung hiếu của Bình Thuận vẫn vững vàng chiến đấu là nhờ tình yêu quê hương đất nước, truyền thống cách mạng, phát huy khí phách của cha anh, lòng căm thù giặc sâu sắc, noi theo những tấm gương trung liệt, tiếp tục được bồi đắp và nâng cao giác ngộ…”.

Qua tập hợp từ cơ sở lên, đã có trên 4.000 hồ sơ. Căn cứ tiêu chí quy định, Tỉnh hội đã chọn được 1.079 người đưa vào kỷ yếu. Trong đó, tù ở đất liền 851 người; tù ở Côn Đảo 133 người; tù ở Phú Quốc 92 người; ở cả 2 nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc 3 người. Đặc biệt có 62 liệt sĩ (có 26 chiến sĩ hy sinh tại nhà tù), 4 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1 anh hùng lao động, 28 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 14 cán bộ hoạt động trước ngày 25/8/1945.

Minh Trí

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa1/doi-dieu-cam-nhan-khi-doc-ky-yeu-chien-si-cach-mang-hoat-dong-o-binh-thuan-bi-dich-bat-tu-day-126041.html