Đôi điều cảm nhận về cuốn sách 'Tản mạn về mảnh đất và con người xã Phượng Lâu'

Phượng Lâu là tên cũ của xã Ngọc Thanh (Kim Động) bây giờ. Địa danh này có từ xa xưa. Thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), Phượng Lâu là một xã thuộc tổng Thanh Cù, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu. Nằm ở bờ tả ngạn sông Hồng, Phượng Lâu được bồi đắp bởi các lớp phù sa của dòng sông mẹ - sông Hồng.

Cuốn sách “Tản mạn đất và con người xã Phượng Lâu”

Cuốn sách “Tản mạn đất và con người xã Phượng Lâu”

Tên Phượng Lâu bắt nguồn từ sự tích 99 con chim phượng hoàng từ nơi khác đến đậu ở mảnh đất này, được lưu truyền qua nhiều đời. Sự tích vừa thực vừa hư, đến nay vẫn còn ẩn hiện trong phong tục tập quán, đời sống văn hóa – xã hội và kinh tế của người dân nơi đây. Chuyện kể rằng, đã lâu lắm rồi, có một đàn chim phượng hoàng bay qua vùng đất này, thấy có sông, đất bãi, cây cối xanh tươi, trù phú, có đường bộ nối với nhiều nơi trong vùng, cảnh vật quyến rũ, 99 con sà xuống đỗ, nhưng con đầu đàn vẫn lượn quanh mấy vòng rồi bay tiếp về phía Bắc. 99 con kia nhảy lên bay theo. Nơi đỗ của 99 con chim phượng hoàng là những gò đống cao, cây cối mọc um tùm, linh thiêng, dân không dám ở, trở thành nơi chôn cất người đã khuất. Nhiều gò đống, người xưa xây đền làm nơi thờ tự. Tên gọi Phượng Lâu cũng bắt nguồn đó. Phượng Lâu đọc lái là lầu con Phượng – nơi đậu của chim phượng hoàng. Nhiều tên gắn với Phượng Lâu như: Chùa Phượng, chợ Phượng, bến đò Phượng, bến cảng Phượng.

Sinh ra trên mảnh đất Phượng Lâu nhiều lớp trầm tích văn hóa, tác giả Đoàn Văn Thường luôn đau đáu với lịch sử, truyền thống, giá trị văn hóa quê nhà. Điều đó đã hối thúc ông biên soạn cuốn sách “Tản mạn về mảnh đất và con người xã Phượng Lâu”. Cuốn sách gồm 2 phần, 6 chương, dày hơn 400 trang do Nhà xuất bản (NXB) Khoa học xã hội xuất bản năm 2024. Với lối thể hiện “biết gì ghi nấy, thấy gì viết nấy, hiểu gì biên nấy”, cuốn sách đưa người đọc trở về lịch sử hình thành của vùng đất Phượng Lâu, những biến đổi của làng do thời gian, dòng chảy tự nhiên, dòng chảy lịch sử. Đặc biệt, cuốn sách là nguồn tư liệu quý giúp người đọc đi sâu tìm hiểu giá trị văn hóa cộng đồng của đất và người Phượng Lâu như tri thức dân gian, văn hóa dân gian... Có những giá trị đã bị mai một được tác giả dày công tìm kiếm, khai thác để làm sáng tỏ giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất. Bằng những cứ liệu tin cậy, tác giả đã xác định không gian, thời gian, nguyên nhân và quá trình phát triển của mảnh đất, con người nơi đây, quá trình hình thành phong cách, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa người Phượng Lâu; những luận cứ làm rõ nguồn gốc tên làng/xã; sự biến đổi của sông Hồng và quá trình hình thành bãi Bồng Cời (bãi Giữa), bãi bồi trên dòng sông Hồng đã tác động trực tiếp đến mảnh đất và con người Phượng Lâu.

Để biên soạn cuốn sách này, ngoài đọc các tài liệu tham khảo, tác giả đã đi điền dã, gặp gỡ tìm hiểu, thu thập thông tin qua những người cao tuổi ở quê và một số tỉnh, thành phố trong cả nước; thu thập thông tin về gia đình, dòng họ, những mẩu chuyện lưu truyền trong dân gian tại địa phương. Tác giả đã có ý tưởng từ nhiều năm trước và bắt tay vào viết cuốn sách này từ vài năm nay. Với mong muốn, thông qua cuốn sách, những người con của quê hương Phượng Lâu ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài đọc, hiểu, tự hào về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, luôn giữ gìn, phát huy truyền thống và hướng về quê hương.

Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội I chuyên ngành Lịch sử, tác giả Đoàn Văn Thường từng công tác tại Trường Văn hóa Quân đội (Bộ Quốc phòng), Hiệu trưởng Trường trung cấp văn hóa, nghệ thuật và du lịch tỉnh Hưng Yên, nay đã nghỉ hưu. Ông đã tham gia biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Động tập 1 (1930 – 1954) – NXB Văn hóa dân tộc, năm 1998; đã xuất bản tiểu thuyết Một gia đình – NXB Hội Nhà văn, năm 2016 – tác phẩm đoạt giải Nhì văn xuôi giải thưởng Phố Hiến giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Hưng Yên; thơ “Cây bàng thời gian” – NXB Hội Nhà văn, năm 2018.

Với mỗi bạn đọc, nhất là người dân sinh ra ở vùng quê nông thôn, đọc cuốn sách sẽ thấy hình dáng ngôi làng, ngôi nhà thân thuộc với không gian làng quê Bắc Bộ, bóng dáng của bà, của mẹ, của người nông dân chất phác hay lam hay làm, cảm nhận được giá trị văn hóa, đời sống rất đỗi thân quen của mình hiển hiện.

Đào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/doi-dieu-cam-nhan-ve-cuon-sach-tan-man-ve-manh-dat-va-con-nguoi-xa-phuong-lau-3178348.html