Đổi đời nhờ cây cao su (*): Công nhân Campuchia làm giàu nhờ cao su Việt

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) hiện có 16 công ty thành viên đầu tư tại Campuchia, với diện tích gần 87.600 ha, tạo việc làm cho 20.000 lao động

Từ cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tây Ninh) đến tỉnh Kampong Thom và tỉnh Preah Vihear (Campuchia) - nơi có 4 công ty cao su thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) gồm: Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom, Công ty CP Cao su Bà Rịa Kampong Thom, Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom và Công ty TNHH Cao su Mekong - Kampong Thom - mất 3-4 giờ đi xe.

Làm nhà, sắm cả xe hơi

Các công ty này triển khai trồng cao su từ giai đoạn 2007 - 2011, đến nay đã đạt tổng diện tích khoảng 26.000 ha, lao động bản xứ khoảng 5.330 người với mức lương cao hơn thu nhập người dân xung quanh vùng dự án.

Gia đình anh Chay Vy Chey (37 tuổi), đang làm việc tại Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom, cùng vợ là chị Vau Srey Da (38 tuổi), là một trong những gia đình người Campuchia đổi đời nhờ gắn bó với dự án cao su Việt. Anh Chey cho biết trước đây cuộc sống rất khó khăn, lo bữa ăn hằng ngày còn không đủ khi nghề chính là làm ruộng và vào rừng lấy củi.

Khi vợ chồng anh lấy nhau, đến những vật dụng đơn giản như chén bát, nồi, chảo nấu ăn cũng không có. Anh Chey vào công ty từ năm 2010, hiện tại là tài xế chở mủ cao su còn vợ kinh doanh một tiệm tạp hóa rất lớn trong vùng dự án.

Khi chúng tôi đến thăm, anh chị bận luôn tay luôn chân vì công nhân cao su ghé mua hàng. "Họ thường mua nợ nhưng khi đến kỳ lãnh lương đều trả đủ. Nói chung tình hình buôn bán rất thuận lợi" - anh Chey khoe.

Gia đình anh Chay Vy Chey, làm việc tại Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom, sở hữu xe hơi cùng một cửa hàng tạp hóa lớn

Gia đình anh Chay Vy Chey, làm việc tại Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom, sở hữu xe hơi cùng một cửa hàng tạp hóa lớn

Sau thời gian tích lũy, vợ chồng anh đã xây được nhà riêng khang trang ở ngoài dự án và mới sắm được một chiếc xe hơi trị giá 7.800 USD để về quê chơi, đưa con đi học, đi mua sắm... Anh chị đã có 3 con và đều đi học tại trường do công ty đầu tư phục vụ con em công nhân. Con lớn nhất hiện đã học lớp 7 và tiếp tục học tại trường của địa phương.

Còn tại Công ty CP Cao su Bà Rịa - Kampong Thom, gia đình anh Prom Sok Leang (34 tuổi) và vợ là Chanh Thi (35 tuổi) cũng là gia đình người Campuchia trở thành "đại gia" nhờ dự án cao su của Việt Nam.

Hai vợ chồng cùng vào công ty từ năm 2009 khi còn tay trắng. Đến nay, anh Leang là tổ trưởng tổ 1 thuộc Nông trường 1, còn vợ nghỉ làm công nhân cao su từ năm 2014 và chuyển sang buôn bán.

Cửa hàng tạp hóa của vợ chồng anh có quy mô như một siêu thị mini với đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của công nhân và được biết đến như là điểm kinh doanh đắt hàng nhất khu vực do có giá cả và hàng hóa chất lượng tốt, đặc biệt là sẵn sàng cho công nhân trả sau kỳ lương. Nhờ vậy, vợ chồng anh tậu được một chiếc Lexus vào năm 2019 để dùng cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, đi du lịch.

Ông Hoàng Hữu Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa Kampong Thom, cho biết qua thống kê sơ bộ, hiện trong công nhân người địa phương làm cao su có đến 25 chiếc xe hơi các loại. Điểm chung của chủ nhân các xe hơi này là khi đến làm công nhân đều chỉ có sức lao động, tài sản chưa có gì. Nhưng qua thời gian làm việc, nhờ cần cù, chăm chỉ, biết tích lũy và phát triển kinh tế hộ gia đình ngoài giờ làm công nhân như: trồng điều, nuôi bò… nên ai cũng có của ăn của để.

Thực tế, khi làm công nhân cao su, ai cũng được công ty chăm lo từ chỗ ở, nhu yếu phẩm hằng tháng, con đi học miễn phí... nên nếu biết tính toán chi tiêu, tiền lương dư khá nhiều. Đặc biệt, với những gia đình có nhiều người cùng làm trong công ty cao su thì phần tích lũy chung càng lớn. Ngoài ra, giá xe hơi tại Campuchia không quá đắt cũng giúp cho công nhân cao su dễ mua hơn.

"Ngoài xe hơi, hầu như ai cũng sắm được xe máy xịn là Honda Dream Thái Lan. Tại Campuchia, chiếc "Giấc mơ" của nhiều người có giá khoảng 2.500 USD/chiếc và được công nhân mua trả góp. Còn nông dân khu vực xung quanh thì khó sắm được vì thu nhập rất thấp" - ông Tuấn nói thêm.

Những "bàn tay vàng"

Seng Meakara (SN 2003), cô gái xinh đẹp người Kuy - một dân tộc thiểu số tại Campuchia, công nhân tại Công ty TNHH Cao su Mekong - Kampong Thom, lại sở hữu được chiếc xe máy "Giấc mơ" theo cách khác.

Tuy chỉ mới làm công nhân cao su vài năm nhưng nhờ chăm chỉ rèn luyện, Meakara có tay nghề cao và vừa đoạt giải nhất cuộc thi "Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su năm 2024" do công ty tổ chức. Trị giá chiếc xe bằng khoảng 8 tháng lương của Meakara.

“Bàn tay vàng” thu hoạch mủ cao su giúp công nhân Seng Meakara tại Công ty TNHH Cao su Mekong - Kampong Thom sở hữu chiếc xe máy xịn mơ ước

“Bàn tay vàng” thu hoạch mủ cao su giúp công nhân Seng Meakara tại Công ty TNHH Cao su Mekong - Kampong Thom sở hữu chiếc xe máy xịn mơ ước

Cô gái xinh đẹp này cũng như đa số người dân Campuchia khác đều kết hôn và sinh con sớm. Cô hiện đã có con 2 tuổi và cùng sống trong làng công nhân do công ty xây dựng. Cô cho biết hiện rất hài lòng với cuộc sống tại đây khi có công việc với thu nhập ổn định, có nhà ở gần trường học, trạm y tế...

Anh Chhoun Choeun (SN 1995) là người đoạt giải nhì cuộc thi trên với phần thưởng là một chiếc xe Honda Wave Thái Lan trị giá khoảng 1.350 USD. Tuy không bằng chiếc Honda Dream Thái Lan nhưng với anh và gia đình, đây là tài sản lớn nhất được sở hữu từ trước đến giờ. Anh Choeun cho biết trước đây là nông dân trồng mì, lúa, điều nên việc lo đủ ăn đã vất vả.

Khi nông nhàn, anh có đến thủ đô Phnom Penh kiếm việc nhưng xa nhà, thu nhập không ổn định. Sau đó, anh xin về làm công nhân cao su gần nhà. Ban đầu, chưa quen với công việc mới nhưng sau nửa tháng đã thành thạo và tay nghề ngày càng nâng cao. Hiện anh và vợ cùng làm cao su, thu nhập cao hơn hẳn so với trước đây.

Các "bàn tay vàng" cạo mủ cao su đang tích cực rèn luyện tay nghề và sẽ tham gia cuộc thi "Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su năm 2024" cấp tập đoàn do VRG tổ chức tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Mekong - Kampong Thom, cho biết cuộc thi được tổ chức 2 năm 1 lần và năm 2024 là lần thứ 3 công ty tổ chức. Những phần thưởng "khủng" tại cuộc thi chủ yếu do đóng góp của các nhà tài trợ, một phần từ kinh phí công ty.

"Trong ngành cao su, tay nghề công nhân là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động và nâng cao thu nhập công nhân cũng như hiệu quả kinh tế của công ty. Với phần thưởng lớn, cuộc thi thu hút đông công nhân tham gia cũng như thúc đẩy phong trào rèn luyện, nâng cao tay nghề chung" - ông Quốc Tuấn bày tỏ.

Không riêng Công ty TNHH Cao su Mekong - Kampong Thom, các thành viên khác của VRG tại Campuchia cũng tổ chức các cuộc thi tay nghề tương tự cùng với các phần thưởng lớn.

Thời gian qua, trong các cuộc thi "Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su" cấp tập đoàn, đã có đơn vị đóng tại Campuchia đoạt giải. Như hội thi gần nhất diễn ra năm 2022 tại Bình Dương, Công ty CP Cao su Đồng Nai Kratie (tỉnh Kratie) giành giải khuyến khích đồng đội.

Từ công nhân lên phó giám đốc

Đó là trường hợp của anh Moeurng Vanny (SN 1989), Phó Giám đốc Nông trường 3 thuộc Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom. Anh vừa nhậm chức đầu tháng 6 vừa qua, hiện đang quản lý 401 công nhân với mức lương mơ ước là 700 USD/tháng.

Anh Vanny là thế hệ thứ 2 làm việc tại công ty cao su Việt vì bố mẹ anh cũng từng làm ở đây. Có lẽ nhờ vậy mà anh được học đến hết lớp 12. Sau khi học xong, anh vào làm công nhân cạo mủ cao su, lên vị trí đội trưởng, quản lý khoảng 100 công nhân rồi thăng tiến lên vị trí hiện tại. Vào cuối tuần, anh được công ty bố trí học thêm về quản lý và học thêm tiếng Việt để phục vụ tốt hơn cho công việc.

Gắn bó công ty lâu dài, anh Vanny chứng kiến sự thay đổi của quê hương nhờ các dự án cao su. "Trước đây, người dân phải đi làm xa ở Thái Lan hoặc thủ đô Phnom Penh. Từ khi có dự án cao su, người dân được sống gần nhà để chăm sóc gia đình, ruộng vườn để tăng thu nhập" - anh Vanny dẫn chứng.

Ông Trần Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom, cho biết cả công ty hiện có khoảng 1.500 lao động nhưng chỉ có 55 người Việt. Hiện công ty có 65 lao động cấp quản lý là người Campuchia.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-10

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doi-doi-nho-cay-cao-su-cong-nhan-campuchia-lam-giau-nho-cao-su-viet-196241022211146998.htm