Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (*)
Xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước gốc nông dân ở Nghệ An, một vùng có truyền thống cách mạng kiên cường, ngay từ lúc nhỏ, Bác Hồ của chúng ta đã nuôi chí lớn: Làm thế nào để cứu dân, cứu nước khỏi cảnh nô lệ, lầm than. Lúc bấy giờ, các cuộc khởi nghĩa Cần Vương đã nổ ra liên tiếp, tuy rất oanh liệt nhưng đều thất bại, phong trào yêu nước sôi nổi của nhân dân ta đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối.
Thực dân Pháp, một mặt thẳng tay đàn áp, khủng bố những người yêu nước; mặt khác ra sức gieo rắc tư tưởng đầu hàng, tìm mọi cách khuyến khích những tư tưởng cải lương, thỏa hiệp.
Phải cứu nước bằng con đường nào? Đó là câu hỏi day dứt trong lòng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Giữa xã hội phong kiến thuộc địa, coi khinh lao động chân tay, người thanh niên ấy đã bỏ nghề dạy học, từ Phan Thiết vào Sài Gòn, tự nguyện đi làm thợ máy để được tiếp xúc với kỹ thuật công nghệ và được sống chan hòa đời thợ với giai cấp công nhân. Cuộc sống lao động thợ thuyền góp phần đưa Bác Hồ đi tìm chân lý cách mạng.
Trưa ngày 2 tháng 6 năm 1911, Bác Hồ với tên mới là Anh Ba đã ra Bến Nhà Rồng, lên thẳng Tàu L’Admiral Latouche Trévill để xin việc làm. Bác được chấp nhận với chân phụ bếp, hằng ngày phải khiêng chảo, rửa nồi, cào lò, xúc than... Sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ chúng ta đã bắt đầu tuổi thanh xuân hăm hở lăn mình vào cuộc sống của quần chúng vô sản như thế đấy. Và chính nhờ vậy mà Bác đã tạo ra trong lòng mình ý thức giác ngộ giai cấp.
Sáng ngày 5 tháng 6 năm 1911, Tàu L’Admiral Latouche Trévill nhổ neo. Giữa đêm đen nô lệ, Bác ra đi một mình không một ai đưa tiễn, chỉ với hai bàn tay trắng và một chí lớn: Tìm đường cứu nước. Giờ phút bắt đầu cuộc đời vĩ đại, trong sáng tuyệt vời của Bác chúng ta rất đỗi bình dị như thế đấy! Bác đã đi rất nhiều nơi, qua Pháp, Anh, Đức, Ý, Mỹ; qua các thuộc địa của Pháp ở châu Phi, Bác đã sống và tiếp xúc với nhiều lớp người từ những người thợ ở Paris, Luân Đôn, Thượng Hải đến những người nô lệ châu Phi, người dân cùng khổ ở Ấn Độ, Trung Quốc, người phụ đào kênh ở Panama. Là một người dân mất nước, lại là một công nhân cùng khổ, Bác dễ dàng thông cảm sâu sắc với nhân dân các nước thuộc địa và giai cấp công nhân ở các nước đế quốc. Càng đi nhiều, nhìn xa, thấy rộng, lòng yêu nước, yêu đồng bà, yêu giai cấp càng sục sôi trong lòng Bác. Bác đã gặp các nhà hoạt động cách mạng, các chính khách, các nhà khoa học có tên tuổi ở các nước, Bác đã đến thư viện quốc gia với một tinh thần khiêm tốn học hỏi, cố tìm ra ánh sáng mới để cứu dân, cứu nước. Tiếng súng của Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có ảnh hưởng quyết định đến đời hoạt động của Người. Người đã đến với Chủ nghĩa Lênin khác nào người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn. Lúc bấy giờ, Bác lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Bác đã viết trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” như sau: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên được. Ngồi trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Từ đó, Bác khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
...Công lao đầu tiên lớn nhất của Bác Hồ là đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của lịch sử. Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhất. Người đã vượt qua sự hạn chế của chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu đương thời, sớm đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và đi vào con đường cách mạng vô sản. Người đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn chặt phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế. Từ một người yêu nước, Bác Hồ trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, tạo ra bước ngoặt căn bản trong lịch sử cách mạng nước ta... Chính con đường cách mạng vô sản mà Bác tìm ra, đã đưa dân tộc ta đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đến đại thắng mùa xuân 1975 và đến một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa như ngày nay. Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta như núi cao, như biển cả. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta thành một Đảng Mác-xít Lênin-nít chân chính, già dặn, có uy tín và ảnh hưởng ngày càng lớn ở trong nước và trên thế giới. Người đã cùng Đảng khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngày nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta, kỷ nguyên nhân dân lao động làm chủ vận mạng của mình. Người đã cùng Đảng thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất tiêu biểu cho khối đoàn kết vững như sắt thép của dân tộc ta. Người đã cùng Đảng tổ chức và giáo dục quân đội ta thành một quân đội nhân dân anh hùng, bách chiến bách thắng. Người đã cùng Đảng đưa dân tộc ta lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới, làm vẻ vang cho non sông Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khác nào một ngọn hải đăng kỳ diệu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đã soi sáng Biển Đông bao la đưa con thuyền dân tộc vượt hết giông tố này qua giông tố khác, hướng đến một tương lai vô cùng tươi sáng. Hôm nay, vinh dự lớn cho chúng ta là được tưởng niệm Người ngay trên mảnh đất mà 70 năm trước Người đã ra đi tìm đường cứu nước, trên một địa phương được xem là một trong những cửa khẩu tiếp thu sự truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin qua sách báo của Người và những cán bộ cách mạng được Người đào tạo và đưa về nước hoạt động. Vinh dự đó quyện chặt với niềm tự hào của một thành phố được mang tên Bác, trên nửa thế kỷ qua đã đi đúng với con đường Bác đã vạch ra, đứng ở đầu sóng gió, một dạ kiên trung bất khuất ngay giữa sào huyệt của kẻ thù, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Chúng ta ôn lại đời hoạt động của Bác, nhắc nhở ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước để chúng ta cùng biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Bác, đồng thời chúng ta tỏ rõ lập trường kiên định theo con đường cách mạng vô sản mà Bác đã hướng dẫn chúng ta đi. Con đường đó đã đưa chúng ta đến độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Con đường đó đang dẫn chúng ta từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội không có người bóc lột người, một xã hội ấm no, văn minh và hạnh phúc. Đó là con đường tất yếu của lịch sử, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người, đã được lịch sử cách mạng của các nước anh em trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Tất nhiên, con đường đó còn lâu dài, còn phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ, nhưng với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của nhân dân ta, có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, được sức mạnh đoàn kết Việt Nam, Campuchia, Lào và được sự hợp tác rộng rãi của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em cùng với sự ủng hộ nồng nhiệt của giai cấp công nhân và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới nhất định chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn gian khổ trước mắt, đi đến đích vinh quang của con đường cách mạng vô sản mà Bác Hồ kính yêu đã tìm thấy từ năm 1920, khi Người đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin.
MAI CHÍ THỌ
(*) Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích diễn văn của đồng chí Mai Chí Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đọc trong cuộc mít tinh kỷ niệm 70 năm, ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 5-6-1981.