Đòi lại quyền khai thác cảng biển lớn nhất Phú Quốc

Rất ít cơ hội để Công ty CP Đầu tư khai thác cảng biển An Thới giữ quyền quản lý, khai thác cảng biển lớn nhất tại Phú Quốc khi đã để xảy ra hàng loạt vi phạm hợp đồng.

.

Nửa đường đứt gánh

Cục Hàng hải Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm giành lại quyền khai thác cảng biển lớn nhất tại Phú Quốc (Kiên Giang) khi đặt mục tiêu chấm dứt, thanh lý hợp đồng cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng An Thới với Công ty CP Đầu tư khai thác cảng biển An Thới ngay trong tháng 12/2020.

Trong Công văn số 4405/CHHVN-KCHTHH vừa gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đã tổ chức họp và có văn bản thông báo đến Bên thuê (Liên danh Công ty CP Dịch vụ vận tải Sài Gòn - Tranaco và Công ty CP Hàng hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước - HPI); cùng Bên vận hành khai thác (Công ty CP Đầu tư khai thác cảng biển An Thới) về chủ trương chấm dứt Hợp đồng cho thuê khai thác cảng An Thới số 03/2014/HĐT theo hình thức Cục Hàng hải Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang đôn đốc Bên thuê thực hiện nghiêm các yêu cầu của Bên cho thuê liên quan việc sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng; nộp tiền thuê, tiền phạt chậm nộp tiền thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới.

Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ GTVT cho phép giao Cảng vụ hàng hải Kiên Giang thực hiện khai thác quản lý cảng biển An Thới, tạm dừng khai thác cảng đến khi lựa chọn được Bên thuê khai thác.

Trước đó, tháng 1/2020, Bộ GTVT đã có Công văn số 204/BGTVT-KCHT đồng ý đề xuất chấm dứt hợp đồng cho thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới của Cục Hàng hải Việt Nam.

Cụ thể, căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 14 Hợp đồng cho thuê khai thác cảng An Thới số 03/2014/HĐT, Bên A có quyền đơn phương chấp dứt Hợp đồng khi Bên B “vi phạm bất kỳ điều khoản nào của Hợp đồng gây hậu quả trực tiếp đến việc thực hiện Hợp đồng”, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục làm rõ việc vi phạm không báo cáo về thay đổi thành viên sáng lập theo quy định của Hợp đồng đã gây hậu quả trực tiếp đến việc thực hiện Hợp đồng.

Phải nói thêm rằng, được sự chấp thuận của Bộ GTVT, vào cuối năm 2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức thực hiện đấu thầu rộng rãi lựa chọn Bên thuê quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới.

Căn cứ kết quả đấu thầu lựa chọn Bên thuê được Bộ GTVT phê duyệt, Cục Hàng hải Việt Nam và Liên danh Tranaco - HPI (đơn vị trúng thầu) đã ký kết Hợp đồng cho thuê quản lý khai thác cảng biển An Thới số 03/2014/HĐT ngày 25/1/2014, thời gian thuê từ năm 2014 đến năm 2043.

Theo Hợp đồng số 03, Tranaco - HPI được phép thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới bao gồm 1 bến 3.000 DWT; đường nội bộ cảng, sân ga, bãi đỗ xe, bãi chứa hàng; nhà ga, nhà dịch vụ, nhà văn phòng; kho hàng hóa; bến phao chuyển tải 30.000 DWT đường kính 4,5 m và phao báo hiệu khu nước… có nguyên giá 128 tỷ đồng trong thời gian 30 năm (2014 - 2043). Tổng giá trị Hợp đồng 03 khoảng 90 tỷ đồng được Bên thuê thanh toán hàng năm, tăng dần từ 172 triệu đồng vào năm 2014 lên khoảng 1,7 tỷ đồng vào năm 2019; 4,25 tỷ đồng vào năm 2043.

Vi phạm kéo dài

Trong công văn gửi Bộ GTVT vào tháng 2/2020, Cục Hàng hải Việt Nam đã thống kê một loạt vi phạm của Bên thuê gây hậu quả trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng. Những vi phạm này, theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam là đã được Bên cho thuê nhắc nhở nhiều lần, nhưng Bên thuê vẫn không sửa đổi và khắc phục.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo quy định của Hợp đồng, Bên thuê đã tiến hành thành lập công ty khai thác là Công ty TNHH Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới, sau đó chuyển đổi thành Công ty CP Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 8/4/2014, thành viên góp vốn tại Công ty khai thác gồm Tranaco (55%) và HPI (45%) để quản lý, khai thác cảng biển An Thới. Ngày 16/4/2014, Bên thuê lập Hợp đồng ủy quyền cho Công ty khai thác thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Hợp đồng thuê.

Tuy nhiên, từ 16/4/2015 đến 6/4/2016, Bên thuê đã 4 lần thay đổi thành viên góp vốn và tỷ lệ góp vốn tại Công ty khai thác mà không báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam. Đến ngày 6/4/2016, Liên danh Tranaco - HPI đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty khai thác cho Công ty CP Giao nhận vận tải U&I 20%, ông Hà Trí Duy 10%, Công ty CP Đầu tư khai thác cảng 70%.

Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, điều này đồng nghĩa, Bên thuê không còn quyền hành tại Công ty khai thác và không còn trách nhiệm đối với mọi hoạt động của Công ty khai thác. Việc làm này của Bên thuê là vi phạm khoản 1, Điều 9 và Điều 10 của Hợp đồng và dẫn đến việc quản lý khai thác cảng biển An Thới không hiệu quả; chậm trễ trong việc thanh toán tiền thuê hàng năm; không có đủ nguồn tiền để đầu tư trang thiết bị và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tài sản thuê; ngoài khoản tiền thuê cố định, Nhà nước không thu thêm được giá thu thay đổi, do kết quả kinh doanh hàng năm đều lỗ.

Bên thuê cũng được cho là vi phạm khoản 8, Điều 9 của Hợp đồng về việc thanh toán tiền thuê: chưa thanh toán 50% giá thu cố định năm 2019 (879 triệu đồng, hạn thanh toán: 15/12/2019); chưa thanh toán 50% giá thu cố định năm 2020 (1.012 triệu đồng, hạn thanh toán: 15/1/2020).

“Vi phạm này dẫn đến việc không thu được tiền thuê đúng hạn cho ngân sách nhà nước, nợ dồn tiền thuê dễ dẫn đến tình trạng khó chi trả”, Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.

Đặc biệt, Bên thuê đã không duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ một số hạng mục của tài sản thuê, khiến tài sản bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Một số hạng mục tài sản phải tiến hành sửa chữa lớn thì mới khai thác được, nên tốn kém chi phí. Do đó, Bên thuê cố tình kéo dài thời gian không sửa chữa, dẫn đến giảm hiệu quả khai thác và giảm tuổi thọ của tài sản thuê.

Điều đáng nói là, kể từ khi ký kết Hợp đồng đến nay, Bên thuê chỉ đầu tư 1 trạm cân và không đầu tư thiết bị phục vụ khai thác cảng theo Phụ lục V của Hợp đồng, dẫn đến công năng khai thác của cảng An Thới không đáp ứng được mục tiêu đầu tư xây dựng.

Lý giải việc khai thác không hiệu quả cảng An Thới, Bên thuê cho rằng, hàng hóa được vận chuyển đến đảo Phú Quốc trong thời gian qua chủ yếu là vật liệu xây dựng. Trong khi đó, đường giao thông dẫn vào cảng An Thới đi qua khu chợ, nên việc vận chuyển hàng hóa ra vào cảng rất khó khăn. Vì vậy, khách hàng thường chọn các cảng tạm và bến thủy nội địa ở Nam đảo Phú Quốc với giá cước bốc xếp thấp, gần trung tâm, giao thông thuận tiện...

Nhận định này của Bên thuê được Bộ GTVT đánh giá là không hợp lý, bởi tháng 7/2019, Công ty CP Đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới đã đề xuất chuyển nhượng khoảng 70% cổ phần cho Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc và cam kết vận hành, khai thác hiệu quả cảng này.

“Việc Công ty CP Đầu tư khai thác cảng biển An Thới xin tiếp tục khai thác cảng An Thới sau khi thanh lý hợp đồng là không đủ căn cứ để chấp thuận. Đề nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt Đề án Cho thuê quyền khai thác cảng biển này để tổ chức thực hiện trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị.

Cảng An Thới được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và hoàn thành năm 2012 với công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 hành khách/năm. Đây là cảng đầu mối (cảng chính) và là cảng duy nhất tại Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng đến 3.000 DWT và khu bến chuyển tải (bến phao) cho tàu 30.000 DWT. Những yếu tố này khiến cả Bên thuê và Bên nhận thuê đặt khá nhiều kỳ vọng như là một thương vụ có khả năng sinh lời cao tại huyện đảo Phúc Quốc đang có nhu cầu tiếp nhận lượng hàng hóa rất lớn cho hoạt động xây dựng, du lịch.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doi-lai-quyen-khai-thac-cang-bien-lon-nhat-phu-quoc-d134356.html