Dơi làm tổ trên ban công nhà mình
Thấm thoắt đã đến ngày trường đại học Y công bố điểm chuẩn. Linh nhảy cẫng lên vì sung sướng.
- Con gái học làm gì lắm, rồi cũng tót về nhà chồng thôi. Hết lớp 12, nghỉ. Công ty về tận cổng làng, đi làm kiếm ít tiền dắt lưng làm vốn về nhà chồng cho người ta khỏi coi thường con ạ.
Giọng bố Linh có phần lè nhè, hơi rượu sực ra qua mỗi câu nói. “Bố lại uống rượu”, nghĩ vậy, Linh lẳng lặng đi xuống bếp chuẩn bị cơm nước dù cho bài vở đang làm dang dở và giờ này vẫn chưa đến giờ nấu cơm trưa. Bình thường thì không sao nhưng khi uống rượu vào bố lại ngăn cản ước mơ học lên đại học của Linh. Tốt nhất những lúc như này Linh nên tránh xa tầm mắt của bố.
Nắm rau mùng tơi mẹ đi chợ sớm chuẩn bị cho hai bố con đã hơi héo, Linh đem nhặt để nấu canh. Canh suông thôi, nhưng mẹ bảo phải có canh, ăn bát cơm mới dễ nuốt, mới nhanh xong bữa. Mẹ là thế, làm gì cũng vội, đến ăn cũng vội. Bởi làm công nhân nên thời gian mẹ dành cho bản thân, cho gia đình thật ít ỏi.
Mẹ thường xuyên tăng ca, tối muộn mới về, cơm nước qua loa rồi nhanh nhanh, chóng chóng đi ngủ để lấy sức cho ngày hôm sau. Vì mẹ là lao động phổ thông nên công việc rất vất vả: Sáng sớm đã ra khỏi nhà, cả ngày miệt mài bán sức lao động cho công ty đến tối muộn mới về.
Các công việc như cưới hỏi, giỗ chạp, ma chay trong làng, trong họ bố đều phải thay mẹ tham dự. Bố Linh là người có suy nghĩ hiện đại, ấy vậy mà vài năm gần đây bố như một người khác, cứ uống rượu vào lại kêu con gái không cần học nhiều. Dường như suy nghĩ tiêu cực của bố cứ đầy lên sau những lần bố đơn độc trong mỗi dịp đám xá.
Linh thương bố lắm, đi ăn cỗ mà toàn phải ngồi với phụ nữ để tránh những lời khích bác từ đám đàn ông gia trưởng, có tư tưởng cổ hủ. Tránh mãi chẳng được, bố chọn ngồi đối diện thì họ nói thẳng: “Mâm này dành cho những thằng đẻ được con giai”. Và thế là lời ra tiếng vào mà để lời ra là phải uống rượu. Bố dần thay tâm đổi tính từ những lần như vậy.
Linh buồn nhưng không giận bố. Linh tập cách bỏ ngoài tai những câu nói khó nghe trong hơi men của bố để giữ vững tinh thần học tập của mình. Tuy vậy, gian bếp nằm sát phòng khách nên mỗi lời bố nói ra vẫn lọt vào tai Linh.
- Con gái học nhiều, phí của. Đi làm công ty, có đồng tiền chúng nó đỡ khinh… Lải nhải một lúc, giọng bố cũng nhỏ dần rồi ngưng hẳn, lúc sau chỉ còn nghe tiếng quạt trần va vào không khí kêu vù vù.
Linh ngó sang phòng khách thấy bố đã nằm ngủ trên chiếc ghế dài. Linh rón rén vào phòng cầm quyển vở đang học dang dở xuống bếp để vừa nấu cơm vừa nhẩm kiến thức. Giai đoạn nước rút rồi, Linh phải tranh thủ học ôn mọi nơi mọi lúc.
Linh không muốn làm công nhân như mẹ tối ngày bán sức lao động, thời gian dành cho bản thân cũng không có, mà còn mang tiếng không nhiệt tình với xóm làng, với họ hàng. Linh cũng không như chị gái mình xây dựng ước mơ từ cái nền rỗng học thức nên chẳng thể như ý.
Học hết lớp 9 vì chán nghe những lời lải nhải của bố, chị theo người họ hàng xa vào tận miền Nam học nghề với hy vọng sẽ trở thành bà chủ của một spa làm đẹp. Nhưng trình độ thấp là rào cản lớn khiến chị học mãi chẳng thành nghề.
Lần gần đây nhất gọi về cho mẹ, chị bảo “đã xin đi làm công nhân”. Mẹ thở dài: “Công ty ở cổng làng mình thiếu gì, sao phải vào mãi trong ấy làm công nhân”. Bất giác Linh cũng thở dài.
Linh mới biết thở dài dạo gần đây thôi, khi Linh thường xuyên ở nhà ôn thi đại học. Trước đó, ngày hai buổi đến trường, Linh hồn nhiên trong quãng đời học sinh vô tư, trong trẻo. Buổi học cuối của lớp 12 mới đây còn in đậm trong tâm trí Linh.
Hôm ấy, sân trường ngập nắng, tiếng ve râm ran trên những tán cây phượng rực rỡ sắc đỏ. Ngày chia tay, lũ học trò cuối cấp vẫn tinh nghịch khiến bác bảo vệ nổi tiếng nghiêm khắc cũng chỉ biết lắc đầu chịu trận khi vô tình hứng trọn trái bóng nước. Chỉ đến giây phút kết thúc, bọn chúng mới ngoan ngoãn một cách kì lạ.
Tâm trạng lưu luyến, bịn rịn, không đứa nào nỡ ra về. Có những ánh mắt đỏ hoe, có tiếng thút thít… Nhưng rồi hầu hết bọn học trò cuối cấp như Linh đều nhanh chóng gác lại cảm xúc để quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Ước mơ của Linh là trở thành bác sĩ.
Ước mơ ấy bắt đầu từ một lời nói ngây thơ của cô bé Linh với bà nội khi hai bà cháu còn quấn quýt bên nhau: “Lớn lên cháu sẽ làm bác sĩ chữa lưng cho bà để bà cõng cháu”. Cũng kì lạ, trong bao nhiêu kỉ niệm với bà, Linh vẫn nhớ nhất lời hứa “lớn lên làm bác sĩ”, kể cả bây giờ bà nội Linh đã về miền mây trắng từ lâu mà Linh vẫn quyết tâm thực hiện lời hứa ấy.
Đêm mùa Hạ thanh và mát hơn nhờ có những bông ngọc lan trắng muốt chĩa vào ban công phòng học của Linh. Hơn 12 giờ đêm, Linh vẫn miệt mài ôn tập. Linh cắn bút trước bài toán khó. Đang suy nghĩ tìm đáp án, Linh thấy cửa phòng mình hé mở. Mẹ bước vào, cất tiếng rất nhẹ:
- Hôm nào cũng học khuya thế hả con?
Linh không ngạc nhiên với câu hỏi của mẹ, cũng chẳng vì thế mà nghĩ mẹ không quan tâm đến mình. Cả ngày mẹ làm việc vất vả rồi nên đêm mẹ phải có giấc ngủ sâu. Linh trả lời mẹ thành thật:
- “Đêm yên tĩnh giúp con tập trung hơn”. Mà sao hôm nay mẹ chưa ngủ nhỉ? Hẳn có điều gì khiến mẹ khó ngủ. Nghĩ vậy, Linh hỏi mẹ: “Mẹ có chuyện gì sao?”.
Mẹ tiến sát đến chỗ Linh, cầm cổ tay Linh nắm nhẹ như thể đang ướm xem tay Linh nhỏ bé đến chừng nào. “Dạo này con gầy quá. Học vừa thôi kẻo ốm”. Giọng mẹ nhỏ trong đêm thanh vắng khiến Linh ứa nước mắt. Bởi mẹ bận quá, có mấy khi Linh được mẹ quan tâm thế này đâu.
Vừa đưa tay vén sợi tóc mai vương trên má Linh, mẹ vừa như phân trần: “Cuộc sống của những người lao động chân tay cực nhọc lắm con. Học để sau này không phải vất vả như bố mẹ. Những lúc bố con uống rượu đừng để ý lời của bố nhé. Rượu nói đấy không phải bố con nói đâu”. Trong ánh sáng hắt lên từ cái đèn học, Linh thấy đôi mắt mẹ chớp chớp như cố ngăn không cho những giọt nước mắt trào ra.
Linh bối rối trước cảm xúc của mẹ nhưng cũng chẳng biết an ủi ra sao nên Linh chỉ biết thể hiện quyết tâm của mình để mẹ yên lòng: “Con sẽ cố gắng thi đỗ đại học Y. Con sẽ sống một cuộc đời cống hiến mẹ ạ”.
Sở dĩ Linh nói với mẹ như vậy là vì Linh đã đọc được cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở thư viện trường. Cuộc đời đầy cống hiến của bác sĩ trẻ trong những năm tháng chiến tranh càng thôi thúc quyết tâm thực hiện mơ ước của Linh. Dường như, lúc này lòng mẹ đầy tâm sự, không thể kiềm chế cảm xúc, mẹ để mặc những giọt nước mắt rơi.
Linh chững lại khi nhớ đến cuộc điện thoại có vẻ bí mật giữa mẹ và chị gái tối qua. Thông thường khi chị gọi về, mẹ sẽ nói cười trước mặt bố như thể cho cả bố biết về tình hình của cô con gái lớn đang ở phương xa. Lần này lạ lắm, mẹ ra mãi ngoài sân nghe điện thoại của chị, khi trở vào lại lảng tránh câu hỏi của bố: “Có chuyện gì mà ra mãi ngoài ấy?”.
Linh định hỏi mẹ về chị nhưng Linh vừa nhắc đến thì mẹ đã vội đưa tay lên che miệng Linh lại. Mắt mẹ nhìn ra nhà ngoài, nơi bố có lẽ đang say giấc. Có vẻ như chuyện của chị mẹ không muốn cho bố biết:
- “Khẽ thôi”, mẹ thì thầm, “khổ quá, thân gái xa nhà, chị con lỡ có thai rồi”. Giọng mẹ nghẹn ngào đầy đau xót. Thông tin bất ngờ, khiến Linh thấy ngột ngạt dù căn phòng vẫn vương đầy hương ngọc lan. “Được gần ba tháng rồi nhưng chị con không dám nói ra”. Mẹ cố ngăn tiếng nấc: “Giá như chị con ở nhà học hành đến nơi đến chốn thì đâu đến nỗi”.
Linh chợt nhớ đến tin nhắn của chị: “Chị bất hiếu, không giúp gì được cho bố mẹ nên trông cậy cả vào em. Gắng học nhé. Em học giỏi lắm, hãy làm cho bố mẹ tự hào”. Tự nhiên Linh thấy bất an quá. Linh giục mẹ: “Mẹ gọi chị về đi. Những lúc thế này chị rất cần người thân bên cạnh”.
- “Bố con chưa biết chuyện này”, mẹ đau khổ nhìn ra phía nhà ngoài, nơi bố vẫn đang say giấc.
“Tại sao mẹ lại giấu bố? Hay mẹ sợ cơn thịnh nộ của bố”. Ý nghĩ ấy khiến Linh thấy mẹ yếu đuối quá! Chính sự nhẫn nhịn, cam chịu của mẹ đã khiến mẹ nhận mọi thua thiệt về mình dù đã hy sinh rất nhiều cho gia đình. Linh lo lắng, nắm chặt tay mẹ, giọng mếu máo:
- Kệ bố. Mẹ gọi chị về ngay đi.
Tiếng bước chân nện mạnh xuống nền nhà, bố bước vào đột ngột. Mẹ vội gạt đi nước mắt, gương mặt lộ rõ vẻ lo lắng. Bố hơi xẵng giọng:
- Đêm khuya thanh vắng, hai mẹ con bà ồn ào gì thế?
Linh vội bước đến trước mặt bố chìa chiếc điện thoại vẫn còn nguyên đoạn tin nhắn của chị. Bố cầm đọc xong bảo: “Hai đứa nhắn nhủ gì mà như người ta trăng trối vậy. Thời đại AI, cái gì cũng soạn được”.
- Linh gào lên: Không phải AI, là chị nhắn, chị tính làm điều dại dột đó.
Lúc này mẹ mới giật lấy chiếc điện thoại từ tay Linh đọc ngấu nghiến rồi òa khóc nức nở. Vừa khóc mẹ vừa mắng bố: “Tại ông không có lập trường, ông thiếu bản lĩnh, ông nghe người ta khích bác, ông chê cái nhà này toàn vịt giời nên tôi luôn phải nhẫn nhịn để cho yên cửa yên nhà. Con gái tôi bỏ học dang dở cũng vì ông. Lúc nào ông cũng bảo chúng nó không cần học. Rồi thì không học nên mới thành ra nông nỗi này. Giờ thì nó ngây thơ tin người để lỡ mang thai rồi đấy…”.
Vừa nói mẹ vừa điên cuồng bấm số gọi vào máy chị. Bố lúc này cũng không thể bình tĩnh, rút điện thoại bấm liên tục cho người họ hàng xa. Nhưng đáp lại là những thuê bao không liên lạc được. Đêm cuồn cuộn, đêm dậy sóng trong gia đình Linh. Đêm đó lần đầu tiên Linh thấy những bông ngọc lan trắng ngần không tỏa hương thơm ngào ngạt.
Thấm thoắt đã đến ngày trường đại học Y công bố điểm chuẩn. Linh nhảy cẫng lên vì sung sướng. Linh thừa cả điểm đỗ, ước mơ của Linh đã thành hiện thực. Cả nhà vui mừng không kém gì Linh. Ngay cả bố khi được thông báo, bố bỏ cả chuyến chở khách để về nhà và không quên mua cho Linh cốc trà sữa có vị mà Linh yêu thích.
Mẹ cũng không tăng ca để về nhà sớm. Hiếm hoi lắm, mâm cơm gia đình Linh có đủ bốn người. Chị vẫn còn xanh xao, lượng thuốc ngủ quá liều chị uống đêm hôm ấy không lấy đi tính mạng do được người trong xóm trọ phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu, nhưng đã lấy đi cái thai trong bụng chị.
Chị trở về trong vòng tay bao dung của bố mẹ nhưng chị chẳng hồn nhiên như xưa. Ánh mắt chị luôn ẩn chứa nét buồn sâu thẳm. Hôm nay, lần đầu tiên trong hơn một tháng trở về, Linh thấy mắt chị ánh lên niềm vui. Trong bữa cơm, bố mẹ nói cười rổn rảng. Cả Linh nữa, Linh vẫn lâng lâng trong niềm vui tột độ.
Bỗng nhiên, bố hướng về phía chị, bằng giọng điệu vô cùng ấm áp, bố bảo: “An Khánh nếu muốn theo đuổi nghề làm đẹp vẫn có thể đi học tiếp. Nhưng lần này không phải đi đâu xa, vừa học nghề vừa học văn hóa tại tỉnh mình con ạ. Bố có lỗi với các con, chỉ vì thiếu bản lĩnh nên bố đã xem nhẹ việc học của con cái.
Giá trước đây… Nhưng thôi, mọi chuyện đã qua, thà chậm vài năm, chứ không có học thức thì chậm cả đời con ạ. Làm thầy hay làm thợ thì đều phải học. Bố mẹ dù vất vả sẽ cố gắng nuôi các con ăn học nên người”.
Nói rồi bố nhìn sang mẹ với vẻ trân trọng: “Là nhờ cả vào sự thu vén của mẹ các con”. Mẹ không đáp lời bố mà nhìn ra ngoài sân, nơi có lũ dơi đang chao liệng. Giờ này chúng đang bay ra khỏi tổ kêu chíu chít trên khoảng không, bất chợt mẹ bảo: “Dơi đã về làm tổ trên ban công nhà mình”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-lam-to-tren-ban-cong-nha-minh-post737417.html