Đôi lời về 'vụ' sinh viên trường Văn Lang đối xử với cựu chiến binh
Mấy ngày qua, dư luận lao xao và có nhiều ý kiến lên án gay gắt mấy sinh viên, trong đó có sinh viên Trường đại học Văn Lang vì đã có hành vi vô lễ, thiếu chuẩn mực với các cựu chiến binh trong ngày lễ kỷ niệm 30.4. Thậm chí, có những ý kiến cực đoan đến mức đòi đuổi sinh viên này, truy 'gia phả' của sinh viên và mạt sát đến cả phụ huynh. Dẫu biết mạng xã hội là không gian mở, ai cũng có quyền bày tỏ, song hình như có những vụ việc bị mạng xã hội đẩy vấn đề đi quá xa.
Nhân vụ việc này, tôi lại nhớ chuyện của bản thân 27 năm trước. Năm 1998, khi còn trong bộ đội, tôi mổ sỏi thận tại Bệnh viện 175. Sau thời gian quy định, tôi lên bệnh viện để cắt chỉ vết mổ. Từ huyện Thủ Đức tôi đến bệnh viện bằng xe buýt, thứ xe công cộng của gần 30 năm trước, ai đã trải qua chắc khó quên cảm giác trần ai lao khổ. Khi lên xe, tôi thấy còn ghế trống gần đầu xe để ngồi, một lúc sau thì xe chật như nêm. Một cụ già đeo túi, chống gậy bước lên xe. Theo phản xạ tự nhiên, tôi ngay lập tức đứng dậy nhường ghế cho cụ, cụ vui vẻ cảm ơn và ngồi vào. Hôm ấy, tôi vừa nắm thành ghế, vừa nhăn nhó vì đau đớn nơi vết mổ. Thực ra, nếu hôm ấy tôi không nhường ghế cho cụ già có lẽ cùng lắm thì tôi cũng chỉ nhận được những ánh mắt xa lánh của những người trên xe, chắc cũng không ai lên án tôi, bởi nhường hay không thuộc phạm trù đạo đức. Thế nhưng cứ nghĩ đến việc một người trẻ như mình, vết mổ ở trong áo ai mà biết, lại ngồi chình ình trong khi người già lụ khụ phải đứng, tự thấy đã không được. Kết quả là đến nay tôi vẫn mang vết sẹo nổi khá dài từ đó vì hôm ấy vết mổ nứt toác.
Trở lại câu chuyện của sinh viên Trường đại học Văn Lang, xét về ứng xử và đạo đức: sinh viên này đã SAI, xét về pháp luật: KHÔNG SAI. Thế nhưng, ở đời đừng nghĩ chỉ khi nào vi phạm pháp luật mới sai, mà thiếu chuẩn mực nơi công cộng như các sinh viên trong câu chuyện này cũng đã sai và đáng bị phê phán.
Viết tới đây, tôi lại nhớ một bài học của học sinh lớp nhì ngày xưa mà bản thân đã thuộc nằm lòng. Bài đọc ấy có tên “Ngoài đường”: “Con ơi! Ở ngoài đường là nơi công chúng qua lại, con có bổn phận phải giữ gìn cử chỉ cho đứng đắn. Con nên nhớ mỗi khi gặp những người già nua, nghèo khó, những đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước. Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dỗ dành hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cãi nhau, con hãy tránh xa. Khi có đám ma đi qua, đừng cười nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào người quá cố. Có ai hỏi thăm đường con phải trả lời cho đúng lễ phép. Đừng chạy nhảy, nô đùa, phải giữ luật đi đường. Con nên nhớ rằng chỉ liếc mắt trông qua cử chỉ của dân chúng ngoài đường là người ta có thể xét được trình độ giáo dục của cả một dân tộc”.
Lại giá như, giá như các bạn trẻ trong câu chuyện nói trên thấu hiểu sâu sắc điều này. Đừng ai nói rằng do nhà trường không dạy. Nhà trường có thể không dạy bài y chang như bài ấy, song lòng biết ơn, kính già yêu trẻ... thì được dạy ở mọi lúc, mọi nơi, mọi chương trình giáo dục.
Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, các bạn sinh viên sai là sai về thái độ chứ không sai về pháp luật. Không có quy định nào bắt buộc một ai đó phải có nghĩa vụ nhường chỗ cho người khác. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ câu chuyện “Lênin trong hiệu cắt tóc”. Đến lãnh tụ Lênin trăm công nghìn việc vẫn không có ngoại lệ và vẫn phải xếp hàng, đó là công bằng. Chúng ta chia sẻ sự cảm thông với các cựu chiến binh trong câu chuyện này, song những ý kiến chửi bới, mạt sát sinh viên trong vụ việc, thậm chí đòi đuổi học, xử lý hình sự, lôi cả phụ huynh của sinh viên ra phê phán, thì thưa rằng đã quá đà.
Không biết từ bao giờ mạng xã hội lại có những màn “lên đồng” tập thể như trong câu chuyện nói trên. Đọc những bình luận chửi bới, mạt sát sinh viên "có lỗi" mà ngao ngán. Nếu sự việc như vầy vẫn tái diễn thì người ta “ngồi im” còn không nổi, đừng mơ “vươn mình”. Một số bình luận trên mạng xã hội hiện nay có kiểu đánh đồng thật nguy hiểm, chỉ cần một hành động không chuẩn mực hay sai phạm của một ai đó về một vấn đề gì đó là ngay lập tức chụp mũ, phê phán luôn và thậm chí phủ nhận sạch trơn. Trở lại câu chuyện, có những bình luận không chỉ phê phán sinh viên đại học Văn Lang mà thậm chí còn đổ tội cho cha mẹ sinh viên không biết dạy con, thậm chí mạt sát luôn cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học.
Sinh viên thiếu chuẩn mực nơi công cộng như trong câu chuyện xảy ra, nếu phê phán chỉ nên nói về hành động thiếu chuẩn mực chứ tại sao lại chửi bới, mạt sát từ phụ huynh đến cơ sở đào tạo. Chẳng lẽ một người trưởng thành phạm tội gì đó lại quy tội cho cha mẹ, một sinh viên, học sinh có lỗi đạo đức chẳng lẽ lại đổ cho nhà trường… Đó là những kiểu quy chụp nguy hiểm và gây tác hại cho xã hội, nhất là ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ của một bộ phận người trẻ.
Chúng ta đang xây dựng và thực hiện nhà nước pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng. Sinh viên Trường đại học Văn Lang viên to tiếng với các cựu chiến binh nơi công cộng (tất nhiên trong bối cảnh ồn ào lộn xộn ấy có thể cảm thông) thì thẩm quyền giải quyết hay xử lý thuộc những nhà chức trách địa phương. Sinh viên có những phát ngôn thiếu chuẩn mực với các cựu chiến binh thì nhà trường có trách nhiệm nhắc nhở, phê bình. Việc kỷ luật hay đuổi học một sinh viên chỉ được thực hiện khi sinh viên ấy vi phạm pháp luật…
Tất nhiên, câu chuyện cũng gióng lên hồi chuông về cách hành xử thiếu chuẩn mực của một bộ phận người trẻ hôm nay. Một bài toán đặt ra cho các cơ sở giáo dục, nhà giáo dục, cho tổ chức đoàn thanh niên cần được giải đáp trong giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội. Sẽ khó xây dựng ngay được sự chuẩn mực bởi cần có thời gian, song câu chuyện xử sự nói trên nhắc nhở mỗi người cần có trách nhiệm góp phần hình thành, thực hiện những chuẩn mực, bất kể người trên người dưới, trong cuộc sống thực cũng như trên mạng xã hội...