Đối mặt nguy cơ thuế quan mới, ngành gỗ Việt tìm cách ứng phó

Nếu bị áp thuế cao hơn, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, trong đó có gỗ có thể mất đi tính cạnh tranh. Điều này sẽ khiến việc chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam trở nên kém hấp dẫn, vì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ vốn là động lực chính cho xu hướng dịch chuyển này.

Sau nhôm, thép và xe hơi, chất bán dẫn và dược phẩm, ngày 20/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ bổ sung gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp vào danh mục bị áp thuế nhập khẩu, dự kiến trong tháng tới hoặc có thể sớm hơn. Thông tin này khiến cả ngành gỗ Việt lo lắng. Bởi lẽ, trong nhiều năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ nước ta.

Rủi ro cho thị trường lớn nhất đang gia tăng

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2024, đạt trên 10 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,9%. Trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 9,1 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.

Năm 2025, ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 18 tỷ USD - kỷ lục mới của ngành. Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định thị trường Mỹ sẽ tiếp tục là điểm sáng của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi thị trường nhà ở của nước này phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm nay.

Ngày 20/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ bổ sung gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp vào danh mục bị áp thuế nhập khẩu, dự kiến trong tháng tới hoặc có thể sớm hơn.

Ngày 20/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ bổ sung gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp vào danh mục bị áp thuế nhập khẩu, dự kiến trong tháng tới hoặc có thể sớm hơn.

Triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 của ngành gỗ rất khả quan nhưng biến động về chính sách thương mại ở các thị trường quan trọng như Mỹ cũng tạo ra không ít thách thức cho mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp và cả ngành.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho hay việc Mỹ tăng thuế gần đây đã gây áp lực nặng nề, tạo ra rào cản lớn cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Khi mức thuế từ 5% – 10% tăng lên 25%, gần như không doanh nghiệp nào có thể tăng lợi nhuận gấp đôi trong thời gian ngắn để bù đắp chi phí này.

Theo ông Phan Đức Trung, chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử sẽ giảm lợi thế cạnh tranh. Kéo theo nền kinh tế nước ta sẽ chịu nhiều tác động, làm suy giảm tăng trưởng GDP, vì xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế, suốt những năm tháng gỗ Việt quan hệ thương mại với Mỹ, không lúc nào tránh khỏi tình trạng lo lắng và áp lực. Ví như sự cạnh tranh trực tiếp từ sản phẩm nội địa Mỹ cũng như hàng hóa từ các quốc gia khác, nhiều rủi ro thương mại đến từ việc bị áp thuế trừng phạt, tình trạng hàng hóa Trung Quốc "núp bóng" xuất xứ Việt Nam...

Hơn thế nữa, Mỹ cũng là nước có những sự khó lường vào các nước có thặng dư thương mại lớn. Việt Nam đang có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, lên đến hơn 113 tỷ USD, nên có nguy cơ trở thành mục tiêu điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế khác.

Ở thời điểm hiện tại, ngành gỗ đạt được thặng dư rất lớn với đối tác Mỹ và chắc chắn không thoát được "tầm ngắm" áp thuế của Mỹ vì ông Trump luôn đặt vấn đề thâm hụt thương mại lên hàng đầu.

Ứng phó bằng cách nào?

Dự báo trước tình hình, gần đây nhiều ngành hàng của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp gỗ đã chủ động đa dạng hóa thị trường... Điển hình, lâu nay các doanh nghiệp nội ngoại thất đã chủ động đổi mới sản xuất và tích cực tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.

Công ty cổ phần Chế biến gỗ nội thất Thành Tâm (Bình Định) là một ví dụ, doanh nghiệp đã có hơn 20 năm tham gia xuất khẩu đồ nội ngoại thất, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt 14 -15 triệu USD. Ông Nguyễn Văn Thu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ nội thất Thành Tâm cho biết, mặc dù đã có những đối tác lâu năm tại các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU và Australia với lượng đơn hàng khá ổn định nhưng doanh nghiệp cũng cảm nhận rõ những thách thức. Do đó, những năm gần đây doanh nghiệp tích cực chuyển hướng tiếp cận các thị trường còn nhiều dư địa để mở rộng đầu ra.

“Năm nay, công ty chủ động tìm hiểu phong cách, lối sống, kiến trúc nhà ở của từng thị trường mục tiêu. Từ đó thiết kế các sản phẩm chuyển biệt, phù hợp cho từng đối tượng khách hàng và xu hướng quốc tế”, ông Thu cho hay.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết bên cạnh việc mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như thị trường Đông Nam Á, thị trường có FTA với Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế, doanh nghiệp cũng có chiến lược hướng về “sân nhà” khai thác và tăng thị phần tại thị trường nội địa.

Để ứng phó với các khó khăn phía trước đến từ thuế quan của Mỹ, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp và hiệp hội ngành gỗ Việt Nam cần theo dõi sát sao thông tin áp thuế từ Tổng thống Trump. Song song với đó, tăng cường hợp tác và đối thoại với các đối tác nhập khẩu từ Mỹ, các cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Việt Nam.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra giải pháp ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ để trì hoãn việc đánh thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Thông tin về chính sách thương mại của Mỹ thời gian tới, Giám đốc điều hành AmCham Adam Sitkoff cho hay: “Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh sự cần thiết của các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp hai nước nâng tầm giao thương và đầu tư song phương, đồng thời phối hợp với chính phủ tháo gỡ các rào cản và thách thức”.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ chạm ngưỡng 11,1 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,8 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 1,3 tỷ USD. Theo đó, mức xuất siêu sang Hoa Kỳ tháng đầu năm đạt 8,5 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Đối với doanh nghiệp, về lâu dài, để xuất khẩu bền vững, tránh rủi ro, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về môi trường với giá cả hợp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/doi-mat-nguy-co-thue-quan-moi-nganh-go-viet-tim-cach-ung-pho-1105115.html