Đối mặt tình huống mới, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động
Hà Nội sẽ lập thêm điểm bán hàng mới, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua hàng thiếu yếu của người dân khi hàng loạt chợ, siêu thị phải đóng cửa vì có liên quan đến F0.
Thông tin cụ thể về việc đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid-19 chiều 4/8, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, do dịch bệnh lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa, dừng hoạt động.
Đây là tình huống mới. Để đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, Thành phố đã chỉ đạo các DN tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa. Trong đó, nhiều hệ thống tăng trên 50% lượng dự trữ so với ngày bình thường.
Đồng thời, đổi mới các hình thức kinh doanh, như tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/7...
Một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối.
Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua giúp người dân, hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn và đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa cho Thành phố.
Hiện các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán. Cụ thể, hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã; Sở đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu.
Các quận, huyện, thị xã cũng đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch Covid-19. Trong đó, mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm một điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên.
Ngoài ra, sẽ rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động), các chợ đang hoạt động chưa hết công suất,... đối với các địa phương ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô để làm nơi trung chuyển hàng hóa, giãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động.
Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai để người dân mua lương thực, thực phẩm cũng như hàng thiết yếu khác; đồng thời, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.
Tại buổi làm việc của Tổ Công tác đặc biệt phía Bắc của Bộ NN-PTNT trước đó, bà Nguyễn Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, tuy Thủ đô đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dù sức mua tăng đột biến.
Đối với việc đóng cửa các chợ truyền thống, chợ cóc trên địa bàn Hà Nội, một số chợ đầu mối đã xuất hiện các ca F0, bà Lan cho hay phương án của Sở Công Thương là chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung.
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến 4/8, các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ là: TP.Thủ Đức, quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, quận Phú Nhuận, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè.
Số lượng chợ đang hoạt động là 33/237 chợ. Một số chợ sau khi đóng đã khôi phục hoạt động như: chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A (ngày 19/7), chợ Thái Bình (26/7/2021), chợ Đa Kao (30/7), chợ Tân Thông Hội (ngày 31/7), chợ Bình Thới (1/8), chợ Hiệp Thành, chợ Phước Thạnh (3/8)… Trong ngày 4/8, chợ Nguyễn Tri Phương (25 tiểu thương) và chợ Hòa Hưng (15 tiểu thương) nằm trên địa bàn quận 10 đã khôi phục hoạt động.
Đối với hệ thống phân phối hiện đại, thành phố có 6/106 siêu thị ngưng hoạt động. So với ngày 3/8, có 2 siêu thị hoạt động lại là: Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) và Vinmart Bình Trưng (TP.Thủ Đức). 1 siêu thị ngưng hoạt động là Co.opmart Hòa Bình (quận Tân Phú).
So với ngày 03/8, có 14 cửa hàng tiện lợi hoạt động lại và 19 cửa hàng tạm đóng. Như vậy, TP.HCM có tổng cộng 132/2895 cửa hàng tiện lợi ngưng hoạt động.