Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay

Bài 2:
ĐỔI MỚI QUẢN LÝ GIÁO DỤC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Nguyễn Hồng Trà
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu, là “chìa khóa” để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội. Bình Phước đã đặt ra mục tiêu GD&ĐT là giáo dục con người phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ, nghề nghiệp và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả và thực hiện công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu dân trí, nhân lực, nhân tài của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…

Do vậy, việc đào tạo phải đảm bảo các yêu cầu trọng dụng, đãi ngộ gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý để đạt được mục tiêu cốt lõi của GD&ĐT là hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực con người. Phải đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức và tư duy về GD&ĐT; công tác quản lý giáo dục; nội dung, phương pháp giáo dục; hình thức và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý...

Quan điểm về giáo dục của Đảng bộ tỉnh

Giáo dục trước hết phải chịu sự lãnh đạo thống nhất trong toàn Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở và phải chịu sự tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời giáo dục cũng giữ vị trí hàng đầu trong việc thúc đẩy có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp phải thực sự coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và thậm chí phải nhìn nhận giáo dục cũng là một ngành sản xuất, đồng thời coi quản lý giáo dục là một nhân tố then chốt đảm bảo sự thành công và bền vững của phát triển giáo dục. Mặt khác, phải có chế tài để nó chịu sự tác động của loạt các yếu tố về mô hình kinh tế, mức độ phát triển kinh tế, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, truyền thống giáo dục và hội nhập quốc tế... Với cơ chế phân cấp, phân quyền cụ thể như hiện nay, chính quyền các địa phương có trách nhiệm quản lý toàn bộ loại hình giáo dục ở địa phương kể cả quản lý tài chính, nhân sự, hoạch định và thực thi kế hoạch chiến lược về giáo dục của địa phương mình.

Trong giai đoạn hiện nay, GD&ĐT, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động để kịp thời có định hướng điều tiết ngành GD&ĐT của tỉnh. Tỉnh ủy đã chỉ đạo triệt để phân cấp quản lý, giao quyền cho các địa phương tạo điều kiện cho các trường định hướng nghề nghiệp cho các khối lớp cuối cấp bậc THCS và THPT. Từ thực tiễn đó đòi hỏi đảng bộ các cấp phải định hướng những nguồn lực mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế, mặt khác, cũng đặt ra nhu cầu mới về đa dạng GD&ĐT của các tầng lớp dân cư, các thành phần kinh tế trong xã hội. Do vậy, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành GD&ĐT tỉnh phải có định hướng nghề nghiệp và đa dạng hóa các loại hình đào tạo để đáp ứng không chỉ cho nhu cầu các cơ quan đảng, nhà nước mà cho nhu cầu toàn xã hội. Những năm qua, sự phát triển của hệ thống GD&ĐT ở nước ta nói chung và của tỉnh nói riêng đã huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục và từng bước có định hướng trong phát triển nguồn nhân lực.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 yêu cầu ngành GD&ĐT phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu, quyền lợi cơ bản của toàn xã hội; chính sách quản lý phải bảo đảm công bằng và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong giáo dục, phải nhất quán tạo nền tảng phục vụ cho nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương biên giới, vùng sâu, xa, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo sự công bằng và bình đẳng trong GD&ĐT.

Để đảm bảo phát triển giáo dục của tỉnh phù hợp và hài hòa với tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo cơ chế thị trường, tiến trình phát triển kinh tế - xã hội cần phân bổ đầu tư có trọng điểm lĩnh vực GD&ĐT. Trong bối cảnh hiện nay, Tỉnh ủy đã có chủ trương đầu tư cho giáo dục đại học liên kết và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, vì muốn cạnh tranh thắng lợi trong phát triển kinh tế cần có nguồn nhân lực dồi dào và giỏi. Thời gian tới, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục, giữa những người được tiếp nhận giáo dục, đặc biệt là Trường Cao đẳng Bình Phước phải tranh thủ nắm bắt thời cơ, liên kết đào tạo - giáo dục đại học và chuyên nghiệp, nghề nghiệp với giáo dục - nhân lực - khoa học công nghệ - sản xuất với các trường đại học trong và ngoài nước để phát triển giáo dục nói chung và ở thời điểm hiện tại là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, nhu cầu học tập của con người là vô hạn, mà nguồn kinh phí cho giáo dục là hữu hạn. Vì vậy, trước hết cần đầu tư đối với các trình độ, bậc học trong hệ thống giáo dục của tỉnh và với phát triển giáo dục các địa phương, với cơ cấu ngành nghề, trường học trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường đầu tư cho giáo dục là đầu tư mang tính tiêu thụ trực tiếp, đầu tư mang tính sản xuất gián tiếp, tiêu thụ hữu hình. Với những đặc điểm này, trong quản lý nhà nước cần thấy đầu tư cho giáo dục có nhiều hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.

Ngày 25-6-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 372-KL/TU về tăng cường giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tạo lực lượng lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp đào tạo nghề gắn với phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, tạo môi trường, cơ hội việc làm cho người lao động.

Nâng cao năng lực đào tạo cả về lượng và chất

Để đạt các mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ. Cụ thể: Tái cấu trúc và phát triển Trường Cao đẳng Bình Phước thành trường nòng cốt trong công tác đào tạo nghề của tỉnh. Củng cố và mở rộng đào tạo các ngành thuộc khối nghề để đáp ứng nhu cầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xã hội trong tỉnh và là đơn vị chủ lực trong đào tạo nghề sau phân luồng. Đối với đào tạo khối sức khỏe, xem xét điều kiện cụ thể, tính cấp thiết để liên kết đào tạo (trình độ đại học) và đào tạo một số ngành trọng điểm để đáp ứng ngay dịch vụ khám, chữa bệnh của địa phương. Việc thành lập một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc trường phải được rà soát, đánh giá theo quy định pháp luật và bảo đảm không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ chính của trường.

Củng cố, tăng cường năng lực đào tạo của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) tại các địa phương, sẵn sàng đào tạo văn hóa, đào tạo nghề cho học sinh sau phân luồng, lao động nông thôn. Giai đoạn 2021-2025, các trung tâm GDNN-GDTX tổ chức dạy bổ túc văn hóa, rà soát, củng cố năng lực đào tạo nghề theo nhu cầu (việc dạy nghề trong giai đoạn này thực hiện bằng hình thức liên kết với các cơ sở GDNN trong và ngoài tỉnh). Giai đoạn 2026-2030, ngoài dạy bổ túc văn hóa, các trung tâm GDNN-GDTX tập trung thực hiện chức năng dạy nghề: tự đào tạo trình độ sơ cấp, liên kết với các cơ sở GDNN trong và ngoài tỉnh để đào tạo trình độ trung cấp. Trong quá trình thực hiện, đánh giá số lượng học sinh đầu vào hằng năm để xem xét bố trí giáo viên và sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu.

Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ sở GDNN tư nhân tăng cường năng lực đào tạo cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích đào tạo các ngành xã hội có nhu cầu cao. Hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời nhằm thúc đẩy gia tăng nguồn lực đầu tư vào GDNN. Tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động của GDNN. Phấn đấu thu hút đầu tư thêm 2 trường trung cấp nghề; thu hút cơ sở GDNN có uy tín mở phân hiệu, điểm đào tạo tại tỉnh.

Chủ động tham gia, định hướng thông tin mạng xã hội về GDNN bảo đảm thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý, cơ sở GDNN, đơn vị sử dụng lao động, gia đình, nhà giáo, người học gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu, chuyển dịch lao động khu vực nông thôn và nông dân. Hỗ trợ cơ sở GDNN mở mới các mã ngành, cải tiến liên tục về chương trình đào tạo gắn với thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Phát triển chương trình đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học ở trình độ trung cấp liên thông lên cao đẳng, đại học. Định hướng đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân kiến thức về thị trường, kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi số, tiếp cận và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ... phục vụ sản xuất, kinh doanh và nông - lâm nghiệp.

Kiểm soát giáo dục trong nền kinh tế thị trường cần tuân theo quy luật giá trị giáo dục; kiểm soát giáo dục phải lấy giáo dục vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh và các địa phương trong tỉnh và vì sự phát triển của từng thành viên trong xã hội nhưng phải đảm bảo 2 cơ cấu quan trọng là cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề. Quản lý phát triển các cơ cấu phải bám sát yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường, do đó đòi hỏi cần có chính sách phát triển giáo dục phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/139954/doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-trong-giai-doan-hien-nay