Đổi mới cho du lịch
Thời gian qua, du lịch Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa - lịch sử.
Nhìn lại trong năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta mới chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019; chi tiêu cho mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch khác còn thấp. Trong khi đó, việc liên kết phát triển du lịch giữa các ngành, địa phương, nhất là về quản lý, nhân lực, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm chưa thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ. Vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa hình thành mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược cùng phát triển, cùng đi lên, “các bên cùng thắng”. Chưa thực sự tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia.
Giá dịch vụ du lịch chưa ổn định, nhất là trong mùa cao điểm, khiến doanh nghiệp du lịch bị động trong việc xây dựng và cung cấp sản phẩm cho du khách…
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã bàn hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển du lịch. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 08-NQ/TƯ, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mới đây, ngày 23-2-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Điều này thể hiện quyết tâm nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thông qua nhìn nhận khả năng đóng góp của du lịch vào kinh tế - xã hội.
Để phát triển du lịch nhanh, bền vững, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về những tiềm năng, thế mạnh và cả hạn chế yếu kém phải khắc phục, quan trọng nhất là tìm ra các giải pháp đột phá, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch.
Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị cùng với tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017, làm rõ những vấn đề không còn phù hợp với tình hình mới để xem xét, đề xuất điều chỉnh. Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm khách hàng cần.
Đặc biệt, muốn phát triển ngành Du lịch nhanh, bền vững, cũng cần đổi mới cách làm từ du lịch “mùa vụ” sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần trong cả năm. Phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam. Cần chú trọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam.
Năm 2023, nước ta đã đoạt nhiều giải thưởng du lịch thế giới, như: Lần thứ 5 được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á, lần thứ 4 được bình chọn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, lần thứ 2 liên tiếp được bình chọn Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á… Cùng với sự ghi nhận này, cộng với những định hướng rõ ràng, với quyết tâm cao, tư duy mới và cách làm mới, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ phát triển bền vững, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doi-moi-cho-du-lich-659401.html