Đổi mới Chương trình, SGK lớp 1: Học sinh được phát triển toàn diện
Sau 1 năm triển khai CT, SGK mới ở lớp 1 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực từ việc dạy và học tại các nhà trường. Kết quả bước đầu đã trở thành tiền đề quan trọng để triển khai lớp 2, 6 ở năm học 2021- 2022.
Hướng đi đúng của đổi mới giáo dục
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt- Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, khẳng định: Từ thực tiễn sau một năm triển khai Chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) mới ở lớp 1 cho thấy tín hiệu tích cực. Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 được xây dựng theo hướng mở, tạo điều kiện để các nhóm tác giả SGK biên soạn theo những quan điểm khác nhau; người dạy, người học được sử dụng SGK một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
Về phía giáo viên (GV), học sinh (HS), phụ huynh đón nhận SGK mới tích cực. Đối với HS sự thay đổi lớn nhất là các em đã mạnh dạn, tự tin và học tập hứng thú.
Mặt khác, các kĩ năng cơ bản như đọc, viết, nói và nghe của các em đều đạt ở mức cao hơn so với HS lớp 1 những năm trước đây. GV cũng tích cực đổi mới, đặc biệt khi được trao quyền chủ động đã linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng SGK. Bản thân thầy cô cũng được khích lệ trước những thay đổi của HS.
Để triển khai CT, SGK mới trong những năm tiếp theo đạt được hiệu quả tốt, cần phải nỗ lực, cải thiện về nhiều mặt. Trước hết tổ chức tốt hơn nữa công tác biên soạn, thẩm định SGK, tập huấn GV dạy học SGK mới và triển khai kế hoạch dạy học ở các địa phương. Công tác tập huấn, triển khai kế hoạch dạy học ở các địa phương cần được đánh giá đầy đủ để phát huy thành quả, kinh nghiệm trong những năm tới.
Bộ GD&ĐT, các nhà xuất bản (NXB), tác giả chương trình và SGK…, cần giúp xã hội hiểu rõ hơn về đổi mới giáo dục, từ đó cảm thông với khó khăn, thách thức cần vượt qua. Như vậy công chúng sẽ có những đánh giá công tâm hơn về những gì mà ngành Giáo dục đang làm…
Về phía các NXB, tác giả SGK cần lắng nghe các nhận xét, góp của các nhà quản lí, giáo viên, phụ huynh HS và công chúng nói chung với tinh thần cầu thị.
Sự thấu hiểu, đồng cảm từ tất cả các bên có liên quan và môi trường trao đổi chân thành, thẳng thắn có mối quan hệ nhân quả rất khăng khít. Tất cả đều là điều kiện thiết yếu cho đổi mới giáo dục.
Học sinh phát triển toàn diện
Đánh giá kết quả của HS lớp 1 theo yêu cầu cần đạt của chương trình đối với các môn học, năng lực, phẩm chất; quy định về đánh giá HS tiểu học đối với lớp 1 từ UBND thành phố Hà Nội cho thấy HS lớp 1 đã tự tin, tự chủ hơn trong giao tiếp, mặt bằng chất lượng HS lớp được nâng lên so với những năm trước. Các năng lực về ngôn ngữ (đọc - viết Tiếng Việt) và tính toán cũng phát triển nhanh hơn.
Hết học kỳ 1, cơ bản HS đã có thể đọc trơn, một số em đã đọc thành thạo được văn bản. Sớm biết đọc biết viết đã giúp HS có công cụ để học các môn học khác tốt hơn so với cùng thời điểm khi HS học lớp 1 của SGK chương trình cũ.
HS cũng tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh. Nội dung các bài học trong SKG mới đa dạng, ngữ liệu có tranh minh họa giúp GV, HS và cha mẹ dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa, bài tập thực hành.
Các em đã bắt nhịp vào môi trường giáo dục mới, chủ động trong việc học; với các phương pháp dạy học linh hoạt, nhiều trò chơi, ngoài SGK, GV sử dụng ngữ liệu gắn liền với cuộc sống nên các em tiếp cận kiến thức nhanh, hào hứng học tập và gần gũi với cô giáo; giờ học trở nên sinh động, sôi nổi. HS được phát triển toàn diện cả về năng lực và phẩm chất.
Chị Nguyễn Thu Hòa– phụ huynh có con học lớp 1 Trường TH Trung Thành (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết: Theo dõi quá trình con học lớp 1 tôi thấy việc học theo CT, SGK mới của con không gặp khó khăn. Ngay cả khi dư luận ồn ào vấn đề chương trình nặng, sách có “sạn” thì con vẫn cho rằng những câu chuyện trong SGK hay, con hiểu và thích đọc, thích học và việc học không gặp vướng mắc hay áp lực.
Đáng nói, trước khi con vào lớp 1, gia đình hoàn toàn không cho học trước chương trình chỉ tổ chức một số trò chơi để trẻ vừa học vừa vui, biết nhận diện mặt chữ, số một cách tự nhiên. Trong quá trình con học tập, gia đình chủ yếu trao đổi cùng con vấn đề trường lớp. Còn vấn đề luyện đọc, viết, làm bài tập gần như đều do GV hướng dẫn và giúp trẻ học tại trường. Về nhà con chỉ đọc thêm sách, truyện ngắn…
Tựu trung, CT GDPT 2018 không gây nặng nề cho HS, trẻ dễ tiếp thu và học hiệu quả. Hết lớp 1 con đã đọc thông, viết thạo, thích đọc truyện, sách, kể chuyện theo tranh. Con kết thúc năm học lớp 1 gia đình hoàn toàn yên tâm về CT, SGK lớp 1 mới và năm nay con bước vào lớp 2 đã có tiền đề khác vững chắc dù đang học trực tuyến.
Cô Trần Nguyễn Phương Linh, GV lớp 1 Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc) khẳng định: So với CT GDPT hiện hành, CTGDPT 2018 ở lớp 1 không chỉ cung cấp kiến thức mà phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực. 3 yếu tố này góp phần hình thành và phát triển hài hòa trong một HS...
Sau 1 năm triển khai CT, SGK lớp 1 mới HS đọc tốt, đọc được câu, bài, văn bản dài với tốc độ đọc nhanh hơn so với học theo CTGDPT hiện hành. Các dạng bài tập trong vở bài tập cũng không gây khó khăn cho HS mà ngược lại giúp phát huy tối đa năng lực.
Với chương trình mới HS được tăng hoạt động trải nghiệm, HS được nói, được làm, thể hiện năng lực nhiều hơn nhờ vậy đã chủ động lĩnh hội tri thức, tự tin trong giao tiếp, học tập. Là tiền đề bước vào học lớp 2 hiệu quả.