Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách bảo đảm công khai, minh bạch

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo toàn quốc lấy ý kiến về sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc quản lý, sử dụng tài chính-ngân sách nhà nước của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.

Sau hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Triển khai thực hiện các Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 93/KL-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan; Quốc hội có Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 theo kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2025 theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; luật hóa những vấn đề đã rõ, phù hợp với thực tiễn; quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt, nâng cao tự chủ của các địa phương theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm…

Mục tiêu xây dựng Dự án Luật nhằm đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, thúc đẩy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tính chủ động của ngân sách địa phương….

Trên tinh thần đó, Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, gồm đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đồng thời tạo điều kiện cho ngân sách địa phương có tính tự chủ, chủ động hơn trong việc huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đối với nội dung tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách, Dự thảo Luật tăng thẩm quyền cho Chính phủ trong việc quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không làm tăng mức vay, bội chi ngân sách nhà nước, tăng thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, sau đó mới báo cáo lại cấp có thẩm quyền...

Nội dung quan trọng khác trong dự thảo Luật là thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình, thủ tục trong công tác lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách; rút ngắn thời gian tổng hợp, lập quyết toán ngân sách.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất và kiến nghị các giải pháp phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-moi-co-che-phan-bo-ngan-sach-bao-dam-cong-khai-minh-bach-post871641.html