Đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương chú trọng đổi mới, vận dụng linh hoạt, đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương chú trọng đổi mới, vận dụng linh hoạt, đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Đoàn viên, thanh niên xã Pà Cò (Mai Châu) tiếp cận kiến thức pháp luật thông qua tủ sách pháp luật tại địa phương.

Đoàn viên, thanh niên xã Pà Cò (Mai Châu) tiếp cận kiến thức pháp luật thông qua tủ sách pháp luật tại địa phương.

Đổi mới công tác tuyên truyền từ cơ sở

Mai Châu là huyện vùng cao của tỉnh với tỷ lệ người dân là ĐBDTTS chiếm gần 90%. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực đổi mới, sáng tạo, linh hoạt hình thức tuyên truyền phù hợp các nhóm đối tượng. Theo đồng chí Hà Thị Ly, Trưởng phòng Tư pháp huyện Mai Châu, ngoài tuyên truyền miệng tại các hội nghị, cuộc họp khu dân cư, xóm, bản, công tác tuyên truyền đã ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn hình ảnh đồ họa, xây dựng video, phóng sự phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử của huyện và các cơ quan, đơn vị hay trên mạng xã hội, internet... Nhờ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên.

Chị Sùng Y Nông ở xóm Pà Cò Lớn, xã Pà Cò chia sẻ: Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên được tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong các cuộc họp dân hoặc do các cơ quan chức năng, các ngành, đoàn thể phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức. Qua đó được trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật, không để kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo tham gia tuyên truyền đạo trái phép, không tiếp tay cho kẻ xấu trong việc mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy, thực hiện tốt quy ước, hương ước, quy định của địa phương cũng như các quy định pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Cũng như ở Mai Châu, huyện Yên Thủy đã tăng cường công tác TTPBPL sâu rộng trong nhân dân. Cùng với công tác tuyên truyền của các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, Công an huyện thành lập tổ TTPBPL. Theo Đại úy Bùi Văn Kỳ, tổ trưởng tổ TTPBPL, Công an huyện Yên Thủy, với phương châm "chuyển tải những thông tin pháp luật mà người dân cần”, tổ TTPBPL của đơn vị đã tích cực phối hợp tổ chức các cuộc TTPBPL ở cơ sở, thôn, xóm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổ phối hợp chính quyền địa phương và lực lượng Công an cơ sở tổ chức trên 50 buổi TTPBPL cho gần 20 nghìn lượt người dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản, quy định mới của pháp luật, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như tuyên truyền trực tiếp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội zalo, facebook, phiên tòa giả định...

Nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật

Đồng chí Lưu Văn Trường, Trưởng phòng Tư pháp huyện Cao Phong cho biết: Với tinh thần "để mọi người dân được bình đẳng trong TTPBPL, tiếp cận kiến thức pháp luật”, từ đầu năm đến nay, huyện tổ chức nhiều đợt TTPBPL để người dân, nhất là ĐBDTTS nắm chắc, hiểu sâu, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, mang đến hiệu quả cao nhất là góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhiều vụ việc mâu thuẫn, phức tạp được giải quyết triệt để ngay từ cơ sở. Đến nay, 10/10 xã, thị trấn của huyện được đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đối với huyện Tân Lạc, theo đồng chí Phạm Đăng Quyên, Trưởng phòng Tư pháp huyện, là địa bàn có ĐBDTTS chiếm hơn 85% dân số toàn huyện, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế... Do vậy, tình hình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Trước thực tế đó, để nâng cao kiến thức, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, những năm qua huyện chú trọng công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật (TTVPL), nhất là đội ngũ tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số. Hiện nay trên địa bàn huyện có 61 báo cáo viên pháp luật (BCVPL), trong đó có 33 người dân tộc thiểu số. Các BCVPL của huyện đều có trình độ đại học và thâm niên công tác trong lĩnh vực pháp luật chuyên ngành từ 4 năm trở lên. Ngoài ra, trong 222 TTVPL ở cơ sở có 204 người dân tộc thiểu số. Hàng năm, lực lượng này được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng TTPBPL, góp phần quan trọng trong việc chuyển tải kiến thức pháp luật đến nhân dân.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, với phương châm đẩy mạnh công tác TTPBPL về cơ sở, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ BCVPL, TTVPL. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 400 BCVPL cấp tỉnh, cấp huyện cùng 1.830 TTVPL cấp xã. Đội ngũ này là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân, giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh nâng cao nhận thức, ý thức, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/191356/doi-moi-cong-tac-tuyen-truyen-phap-luat-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm