Đổi mới để thu hút người học

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa sử dụng hết công năng. Nếu thay đổi đúng hướng, các trung tâm này có nhiều cơ hội để thu hút người học.

Học viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Trảng Bom trong giờ thực hành thiết bị điện. Ảnh: Công Nghĩa

Học viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Trảng Bom trong giờ thực hành thiết bị điện. Ảnh: Công Nghĩa

* Bám sát nhu cầu thực tế

Hiện nay, các TTGDNN-GDTX chủ yếu đang tổ chức các khóa đào tạo nghề thời gian ngắn (thường là 3 tháng) và sơ cấp nghề. Các khóa đào tạo ngắn ngày khá đa dạng như: bảo mẫu, cấp dưỡng, các lớp nghề nông thôn, nghề may, nghề lái xe… Đây cũng chính là các lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các lớp đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng thường xuyên được tổ chức.

Một khó khăn thực tế mà các TTGDNN-GDTX gặp phải chính là sự biến động thường xuyên của nhu cầu về đào tạo nghề khiến cho trung tâm khó chủ động về đội ngũ giáo viên dạy nghề. Chẳng hạn, TTGDNN-GDTX huyện Trảng Bom đã từng tổ chức các lớp đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ và giải quyết tốt việc làm cho học viên những lớp này. Tuy nhiên, do nhu cầu lao động nghề này không còn nên trong năm 2019, lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ không duy trì nữa. Thay vào đó, người dân lại muốn học nuôi lươn nhưng trung tâm không có giáo viên dạy được nghề này. Vì thế, trung tâm đã phải liên hệ nhiều nơi mới tìm được người có chuyên môn về để mở lớp.

Chia sẻ về khó khăn và hướng khắc phục của các TTGDNN-GDTX, ông Phạm Xuân Hà, Bí thư huyện ủy
Trảng Bom cho rằng, đối với nghề nông thôn, TTGDNN-GDTX phải xác định rằng việc đào tạo là để phục vụ nhu cầu thực tế chứ không phải để lấy chỉ tiêu. Do vậy, trước tiên các lớp dạy nghề phải tìm được người dạy đúng chuyên môn, có kinh nghiệm; phải cho người học trải nghiệm thực tế thì mới đem lại hiệu quả thiết thực.

“Hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang thu hút lao động ngoài xã hội chứ chưa gắn với các cơ sở dạy nghề. Trong khi đó, các cơ sở dạy nghề lại dạy những gì mình có chứ chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có một cơ quan nhà nước đứng ra làm trung gian để kết nối doanh nghiệp và trung tâm dạy nghề. Có như vậy thì việc đào tạo mới gắn với thực tế được” - ông Hà chia sẻ thêm.

Cũng nhìn từ góc độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Viên Hồng Tiến, Phó bí thư Huyện ủy Xuân Lộc đặt vấn đề: “Huyện Xuân Lộc hiện nay đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang hướng tới thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Khi đó, các nghề cho lao động nông thôn sẽ rất đa dạng, phong phú. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng phải phát triển đa dạng hơn. Đồng thời, kế hoạch đào tạo nghề không chỉ gắn với giải quyết việc làm mà còn phải gắn với đầu ra của sản phẩm”.

* Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp

Cùng với các khóa đào tạo thời gian ngắn, các TTGDNN-GDTX còn liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề để đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng. Tuy nhiên, số lượng các lớp trung cấp, cao đẳng khá ít. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Theo đó, chức năng của TTGDNN-GDTX là chỉ đào tạo đến sơ cấp. Hệ thống máy móc, cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề và đội ngũ giáo viên khó đáp ứng được với đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng. Vì thế, thay vì học tại những TTGDNN-GDTX, người học sẽ ưu tiên lựa chọn các trường trung cấp, cao đẳng nghề hơn.

Sau khi sáp nhập, các TTGDNN-GDTX có thêm thuận lợi trong việc tư vấn, hướng nghiệp để học viên chương trình GDTX tham gia học nghề. Theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học trung cấp nghề sẽ được miễn học phí học nghề. Do đó, nếu làm tốt công tác hướng nghiệp thì trong thời gian tới, chắc chắn lượng học sinh GDTX tham gia học nghề sẽ tăng lên. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các TTGDNN-GDTX phải có được sự đầu tư tương xứng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên dạy nghề.

Mặt khác, các trung tâm cũng cần xây dựng tốt mối quan hệ với doanh nghiệp để các doanh nghiệp này cùng tham gia vào quá trình đào tạo và giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.

Một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề cho biết, các trung tâm cần năng động trong liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề. Quá trình thực hành của học viên có thể tạo ra được sản phẩm cho doanh nghiệp, đem lại nguồn thu cho trung tâm. Các địa phương nên có cơ chế hợp lý để trung tâm được giữ lại nguồn thu này nhằm tái đầu tư cơ sở vật chất và cải thiện thu nhập cho cán bộ, giáo viên, có như vậy mới giữ chân được những người có năng lực gắn bó với nghề.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201911/doi-moi-de-thu-hut-nguoi-hoc-2975316/