Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác trường chính trị, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Trong những năm qua, công tác trường chính trị đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có tính đột phá, đóng góp vào thành công chung của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cả nước. Bài viết nêu những đổi mới và đóng góp của công tác trường chính trị vào công cuộc xây dựng và phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, xác định những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cũng như các giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng công tác trường chính trị trong thời gian tới.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao cờ thi đua cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: LLCT)

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao cờ thi đua cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: LLCT)

1. MỞ ĐẦU

Công tác trường chính trị được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai từ năm 1990, nhằm thống nhất chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chuyên môn đối với hệ thống Trường Đảng cấp tỉnh (nay là trường chính trị cấp tỉnh). Trong 34 năm qua, nội dung công tác trường chính trị liên tục được mở rộng nhiều công việc mới với yêu cầu ngày càng cao hơn.

Hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện công tác trường chính trị gồm các nhiệm vụ chủ yếu sau: chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai Quy định của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; xây dựng, hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảng viên giảng dạy trung cấp lý luận chính trị tại các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; tham gia ý kiến về việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các trường chính trị. Được sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng; sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành từ trung ương tới địa phương; đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; sự vào cuộc hiệu quả của các đơn vị trực thuộc Học viện, công tác trường chính trị đã có nhiều đổi mới đồng bộ, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhất là trong những năm gần đây.

2. NHỮNG ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỪ NĂM 2019 ĐẾN NAY

Thể chế về công tác trường chính trị được hoàn thiện theo hướng toàn diện, đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở, động lực xây dựng, phát triển hệ thống trường chính trị cấp tỉnh. Học viện chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban Đảng Trung ương, từ xin chủ trương của Ban Bí thư, thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng dự thảo văn bản, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành ủy và trường chính trị trong tham mưu Ban Bí thư ban hành các văn bản có liên quan đến công tác trường chính trị; đồng thời, triển khai góp ý có chất lượng dự thảo các văn bản về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, công tác trường chính trị nói riêng(1). Trong đó, Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn là văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá để hệ thống trường chính trị trên cả nước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; hướng tới xây dựng trường chính trị trở thành nơi kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của một Trường Đảng kiểu mẫu ở địa phương. Đây là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng ta; khẳng định tầm quan trọng của công việc gốc của Đảng, đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Các văn bản của Trung ương do Học viện tham mưu ban hành hoặc góp ý luôn bám sát thực tiễn cũng như yêu cầu của Đảng và Nhà nước đối với công tác trường chính trị, từng bước thống nhất vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh, thúc đẩy các trường đổi mới toàn diện các mặt công tác, hướng tới xây dựng trường chính trị chuẩn, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, vai trò của hệ thống trường chính trị cấp tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Phạm vi thẩm quyền của trường chính trị cấp tỉnh không ngừng được mở rộng; nhiều nhiệm vụ mới được giao cho trường chính trị đảm nhiệm, tương xứng với vị trí là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất ở cấp tỉnh; là cơ quan tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, Học viện đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định nhằm kịp thời cụ thể hóa các quy định của Đảng, Nhà nước, tạo hệ thống thể chế đồng bộ, toàn diện, điều chỉnh hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xây dựng văn hóa Trường Đảng, xây dựng đội ngũ giảng viên, thi đua - khen thưởng... của các trường chính trị cấp tỉnh(2). Công tác xây dựng quy chế, quy định được triển khai công phu, bài bản, khoa học, từ sơ kết, đánh giá tình hình, hiệu quả thực hiện quy chế, quy định đến xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các trường trên cả nước. Các quy định, quy chế được ban hành bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, văn hóa Trường Đảng, vừa tạo động lực, khát vọng xây dựng hình ảnh người cán bộ, giảng viên, học viên Trường Đảng mẫu mực; thúc đẩy xây dựng trường chính trị đạt chuẩn.

Học viện chủ trì triển khai Quy định số 11 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn theo phương châm “đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy”; thẩm định “thực chất, khách quan, không hình thức, không nợ tiêu chí”. Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định số 11, Học viện đã ban hành Kế hoạch số 380-KH/HVCTQG ngày 06-9-2021 về triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn (giai đoạn 2021-2025); Hướng dẫn số 381-HD/HVCTQG ngày 06-9-2021 về quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn (nay được thay thế bằng Hướng dẫn số 61-HD/HVCTQG ngày 17-5-2024 về quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn). Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện ban hành Nghị quyết chuyên đề số 21-NQ/ĐU ngày 30-6-2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Học viện trong triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Đây là lần đầu tiên Đảng ủy Học viện ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác trường chính trị và cũng là nghị quyết đầu tiên của Đảng ủy Học viện được triển khai tới 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trên cả nước về công tác trường chính trị. Lần đầu tiên Học viện phát động phong trào thi đua chuyên đề dành riêng cho các trường chính trị cấp tỉnh, đó là “Phong trào thi đua xây dựng trường chính trị chuẩn”, nhằm lan tỏa, khơi dậy khát vọng xây dựng Trường Đảng kiểu mẫu trong mỗi cán bộ, giảng viên, học viên trường chính trị. Lần đầu tiên Học viện triển khai mô hình học viện, viện - trường với sự đồng hành, hỗ trợ của các đơn vị thuộc hệ thống Học viện nhằm thúc đẩy hoàn thiện các tiêu chí chuẩn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị. Trong triển khai thực hiện, Học viện đặc biệt quan tâm đến những khâu then chốt, những điểm nghẽn về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn...

Việc đánh giá trường chính trị đạt chuẩn được thực hiện theo quy trình thẩm định khoa học, khách quan, nghiêm túc. Riêng Hội đồng thẩm định cấp Học viện có thành viên là đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ. Hoạt động khảo sát thực địa, rà soát, kiểm tra, xác minh hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định. Đánh giá trường chính trị đạt chuẩn là khâu trung gian quan trọng, cần thiết, để qua đó đánh giá chất lượng trường chính trị, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị - 1 trong 27 nhóm biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Đây là quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Đề án trường chính trị chuẩn; 11 trường chính trị được công nhận đạt chuẩn mức 1(3); nhiều trường đang cố gắng thúc đẩy đạt chuẩn sớm hơn mục tiêu Đề án đã được phê duyệt. Có thể khẳng định, hệ thống trường chính trị đang có sự chuyển mình, bứt phá rất mạnh mẽ, nhanh chóng, đầy quyết liệt, từ đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, thực hiện kỷ luật, kỷ cương, văn hóa Trường Đảng đến cơ sở vật chất.

Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị được Học viện quan tâm thực hiện theo phương châm “cơ bản, hiện đại, thiết thực, gắn với thực tiễn”. Đổi mới nội dung chương trình được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác trường chính trị. Học viện chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý; gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh, tăng cường trách nhiệm của cả người dạy và người học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện, đáp ứng chiến lược cán bộ của từng giai đoạn. Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Học viện đã ban hành chương trình, giáo trình trung cấp lý luận chính trị, chương trình, tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý (đối tượng 4); chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở; chương trình, tài liệu bồi dưỡng cấp ủy cơ sở... nhằm cập nhật kịp thời quan điểm, nội dung Nghị quyết Đại hội vào các chương trình, giáo trình. Lần đầu tiên Học viện xây dựng chương trình trung cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và các chương trình bồi dưỡng theo chức danh. Đặc biệt, lần đầu tiên Ban Bí thư giao cho Học viện xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị, thống nhất Học viện là cơ quan duy nhất xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo lý luận chính trị các cấp. Các chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng; thúc đẩy nâng cao chất lượng, chuẩn hóa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị cấp tỉnh(4).

Học viện quan tâm hướng dẫn các trường chính trị thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức thẩm định tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương (hoặc ngành)” thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị. Ngay sau khi Ban Tổ chức Trung ương giao nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho 18 học viện, trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Học viện đã ban hành Hướng dẫn số 2967-HD/HVCTQG ngày 04-3-2024 thực hiện chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị) đối với các học viện, nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm thống nhất công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong toàn hệ thống trường chính trị và trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Học viện đẩy mạnh phối hợp, kết nối với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong triển khai công tác trường chính trị; tăng cường chỉ đạo, quản lý hệ thống. Từ năm 2019 đến nay, Học viện tổ chức 44 đoàn công tác của Giám đốc và lãnh đạo Học viện làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về công tác trường chính trị nhằm nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất giải pháp thực hiện, cũng như định hướng, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Quy định số 11 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Sau các cuộc làm việc, Giám đốc Học viện ban hành Thông báo Kết luận gửi tỉnh ủy, thành ủy. Đây là bước đột phá mới đặc biệt có ý nghĩa, được lãnh đạo các địa phương, các ngành, các trường đánh giá rất cao. Nhờ đó, công tác phối hợp giữa Học viện với các tỉnh ủy, thành ủy được đẩy mạnh, nhiều vấn đề cụ thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn... đã được các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo sát sao, quan tâm cụ thể, tích cực, với những chuyển biến rõ rệt; việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên các trường được chăm lo hơn, hầu hết các trường được đầu tư cải tạo, nâng cấp, chuẩn hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, hàng chục trường được đầu tư xây dựng trụ sở mới khang trang, hiện đại.

Học viện ban hành nhiều văn bản quản lý, hướng dẫn chuyên môn đối với các trường chính trị, trong đó tập trung hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng; quy chế nghiên cứu khoa học; quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên... theo đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trường, góp phần thực hiện nghiêm quy chế, quy định của Học viện. Nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản về kỷ cương, nền nếp trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường, làm tiền đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra; kết quả thanh tra, kiểm tra giúp các trường kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chuyên môn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Học viện chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên. Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, hoàn thiện mô hình tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo hướng tăng cường trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu thực tế các mô hình điển hình. Ưu tiên các loại hình bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa chỉ tiêu về đội ngũ như bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy. Thực hiện tốt việc đánh giá, lấy ý kiến phản hồi từ người học để có cơ sở rút kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý, phục vụ, giảng dạy. Từ năm 2019 đến nay, Học viện đã mở 68 lớp bồi dưỡng, tập huấn giảng viên trường chính trị cho 9.557 lượt cán bộ, giảng viên.

Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên trường chính trị được nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ, Học viện đã bố trí cho nhiều lượt cán bộ, giảng viên trường chính trị được tham gia nghiên cứu, học tập, khảo sát tại các nước như: Pháp, Nhật, Ôxtrâylia, Trung Quốc… Nội dung chương trình nghiên cứu, khảo sát, học tập tại nước ngoài được đánh giá là bổ ích, thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý; từ những mô hình hay, kinh nghiệm quý đã được nghiên cứu, học tập, góp phần hình thành, đổi mới tư duy, cách làm của các trường chính trị cấp tỉnh. Trong tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trường chính trị, Học viện mời các chuyên gia Ôxtrâylia tham gia giảng dạy, giúp học viên là cán bộ lãnh đạo trường chính trị có cơ hội được tiếp cận kinh nghiệm quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các nước phát triển.

Dấu ấn nổi bật là từ năm 2019 đến nay, Học viện đã tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị lần thứ VII, VIII. Trong đó, Hội thi lần thứ VIII là Hội thi lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc, tạo cơ hội để tất cả các trường trên cả nước giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; tạo diễn đàn hội thi thực sự khách quan, bình đẳng. Tiêu chí đánh giá, xếp loại giảng viên tại Hội thi được đổi mới theo hướng bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại, chú trọng tính sáng tạo về nội dung và phương pháp. Công tác tổ chức Hội thi theo Quy chế mới bài bản, khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Học viện với địa phương đăng cai tổ chức Hội thi. Hội thi đã thực sự trở thành nơi hội tụ, kết nối, chia sẻ, truyền cảm hứng, để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với các đại biểu và thí sinh tham dự.

Thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ năm 2020 đến nay, Giám đốc Học viện đã có ý kiến về tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của hơn 30 trường chính trị cấp tỉnh, qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực quản trị, điều hành trường trong bối cảnh mới.

Học viện triển khai nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ các trường chính trị cấp tỉnh chuẩn hóa hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Học viện đã giao nhiệm vụ tổ chức hội thảo cấp bộ theo mô hình học viện/viện - trường cho 23 trường chính trị cấp tỉnh; trong đó, 14 hội thảo thuộc Dự án Diễn đàn phát triển địa phương. Trong khuôn khổ kế hoạch của Đề án 587, Học viện đã giao 7 trường đồng chủ trì đề tài khoa học cấp Bộ theo mô hình nhóm nghiên cứu. Đây là sự hỗ trợ rất cần thiết giúp các trường sớm chuẩn hóa tiêu chí về hoạt động khoa học, đồng thời, chia sẻ, hướng dẫn, nâng cao năng lực tổ chức, triển khai các hoạt động khoa học; năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường.

Bên cạnh đó, các Học viện trực thuộc, viện chuyên ngành của Học viện đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các trường trong đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng thuyết minh, xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu. Nhiều trường, sau một thời gian dài không có đề tài khoa học cấp tỉnh, đến nay đã đề xuất thành công nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh. Việc các trường chính trị cấp tỉnh tổ chức thành công nhiều nhiệm vụ khoa học do Học viện cũng như địa phương giao đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực trên cả nước, góp phần khẳng định vị thế của các trường chính trị tại địa phương.

Hoạt động chỉ đạo, định hướng cụm thi đua các trường chính trị cấp tỉnh theo phương châm “thực chất, thiết thực, lan tỏa, tạo động lực” đã tạo diễn đàn chia sẻ, kết nối, thúc đẩy các trường nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Thông qua cụm thi đua, các trường có môi trường thi đua thực sự sôi nổi, thiết thực; được trao đổi, học hỏi những mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo. Gắn hoạt động thi đua với thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường chính trị chuẩn; tổ chức các tọa đàm, hội thảo về chủ đề “Xây dựng trường chính trị chuẩn giai đoạn 2020-2025”... góp phần xây dựng được những mô hình điển hình có sức lan tỏa tới các trường trong khu vực và cả nước; qua đó khích lệ, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong phong trào thi đua. Với sự hướng dẫn, giao nhiệm vụ của Học viện, hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học tại các cụm thi đua thực sự chất lượng, có chiều sâu. Trong bối cảnh triển khai Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, việc triển khai tốt các hoạt động thi đua đã tạo sự lan tỏa, quyết tâm xây dựng trường chính trị chuẩn; tạo được khí thế mới, động lực mới, khát vọng về sự phát triển trong mỗi cán bộ, giảng viên, học viên.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của giai đoạn này là Học viện chú trọng tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn nhiều hoạt động quan trọng của công tác trường chính trị. Học viện đã tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn nhiều hoạt động quan trọng của công tác trường chính trị, như: Sơ kết 02 năm thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW; Sơ kết 2 năm thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; Tổng kết 5 năm tổ chức cụm thi đua trường chính trị, trường bộ, ngành; Tổng kết 5 năm thực hiện đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại các trường bộ, ngành; Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sơ kết 01 năm thực hiện bộ quy chế quản lý đào tạo và quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sơ kết công tác hướng dẫn, biên soạn tài liệu học phần “Tình hình, nhiệm vụ của địa phương” trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Kết quả sơ kết, tổng kết là cơ sở thực tiễn quan trọng để Học viện có thêm căn cứ định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong công tác trường chính trị.

Tổ chức và hoạt động của các trường chính trị cấp tỉnh ngày càng được chuẩn hóa. Đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị đến nay cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Các trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên. Nhiều địa phương có cơ chế thu hút cán bộ, giảng viên chất lượng cao về cho trường; tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giảng viên; xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy tại trường chính trị tỉnh gồm các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương. Số lượng cán bộ, giảng viên trường chính trị được cử đi đào tạo nâng cao trình độ và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất từ trước đến nay, với 321 cán bộ, giảng viên được cử đi học nghiên cứu sinh, 658 giảng viên được cử đi học cao cấp lý luận chính trị; 9.276 lượt cán bộ, giảng viên tham dự các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học do Học viện tổ chức. Nhiều trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành ở địa phương duy trì và thực hiện tốt việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, viên chức hệ thống trường chính trị đã có sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, với 3 phó giáo sư, 163 tiến sĩ, 1.867 thạc sĩ, 1.702 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 709 người có trình độ lý luận chính trị trung cấp, 29 giảng viên cao cấp, 985 giảng viên chính, vượt xa thời điểm năm 2021, chỉ có 58 tiến sĩ, 1.532 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 248 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 13 giảng viên cao cấp, 772 giảng viên chính...

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các trường có sự chuyển biến rõ nét về quy mô và chất lượng. Nhiều trường trước kia chủ yếu chỉ tổ chức đào tạo trung cấp lý luận chính trị, nay đã đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng. Các trường chính trị đã đào tạo, bồi dưỡng cho 1.116.908 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở cơ sở. Đáng chú ý là tỷ lệ lớp tập trung tăng cao. Trước năm 2021, tỷ lệ lớp tập trung/không tập trung là 1/6, từ năm 2021 đến nay, trong tổng số 4.398 lớp trung cấp lý luận chính trị, có 894 lớp hệ tập trung, đạt tỷ lệ lớp tập trung/không tập trung là 1/4,9.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chuyển động mạnh mẽ. Từ năm 2020 đến nay, các trường chính trị tổ chức nghiên cứu 10 đề tài cấp bộ, 146 đề tài cấp tỉnh, 1.021 đề tài cấp trường, 28 hội thảo cấp bộ, 122 hội thảo cấp khu vực/ cấp cụm, 253 hội thảo cấp tỉnh, 644 hội thảo cấp trường, xuất bản 151 đầu sách chuyên khảo. Cán bộ, viên chức các trường đã đăng 64 bài viết khoa học trên các tạp chí nước ngoài, 1.211 bài đăng trên tạp chí khoa học trong nước... Một số trường đẩy mạnh hướng nghiên cứu phục vụ tư vấn hoạch định chủ trương, chính sách của địa phương(5).

3. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Thời gian qua, Học viện đã phát huy tốt vai trò chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chuyên môn đối với các trường chính trị cấp tỉnh; đạt nhiều kết quả nổi bật trong triển khai Quy định số 11 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Trên cơ sở quán triệt phương châm “tăng cường quản lý, kết nối hệ thống”, “đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ”, bằng nhiều phương pháp, cách thức phong phú, đa dạng, linh hoạt; chú trọng tổng kết các mô hình thực tiễn, Học viện đã từng bước hoàn thiện thể chế tốt nhất về công tác trường chính trị; đẩy mạnh xây dựng chương trình, giáo trình; triển khai có hiệu quả các chương trình, hoạt động hỗ trợ các trường, góp phần tạo sự chuyển động mạnh mẽ về quy mô, chất lượng hệ thống trường chính trị cấp tỉnh. Từ thực tiễn triển khai công tác trường chính trị những năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải luôn bám sát mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn nhằm đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị, để có đóng góp quan trọng vào xây dựng đội ngũ cán bộ cũng như hoạch định chính sách phát triển của địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chuyên môn của Học viện theo phương châm “tăng cường quản lý, kết nối hệ thống”. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đột phá, để có bước đi, cách làm phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về công tác trường chính trị, xây dựng nội dung chương trình, giáo trình; tăng cường các hoạt động hỗ trợ các trường hoàn thiện tiêu chí chuẩn về đội ngũ và nghiên cứu khoa học, chú trọng tổng kết các mô hình, các điển hình.

Ba là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của ban thường vụ, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, nhất là vai trò của người đứng đầu - đây chính là yếu tố quan trọng, quyết định đến triển khai công tác trường chính trị nói chung, xây dựng trường chính trị chuẩn nói riêng. Tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo quyết liệt bằng nghị quyết, chương trình, bằng các giải pháp thiết thực, đồng bộ, khả thi, kịp thời; bằng công tác kiểm tra, đánh giá; chỉ đạo các ban, sở, ngành, địa phương phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện để trường chính trị thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoàn thiện các chỉ tiêu chuẩn.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện với các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan, các tỉnh ủy, thành ủy trong triển khai công tác trường chính trị.

Năm là, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, viên chức các trường chính trị, thống nhất quyết tâm xây dựng trường chính trị trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chất lượng cao ở địa phương. Đảng ủy, Ban giám hiệu các trường có cách làm khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, chủ động từ sớm, từ xa, chú trọng chất lượng.

4. TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trước những yêu cầu nhiệm vụ mới của công tác trường chính trị trong giai đoạn mới, với ý chí quyết tâm cao, phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc để đóng góp ngày càng nhiều hơn vào thành công và phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, công tác trường chính trị tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Tập trung hướng dẫn các trường hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận trường chính trị chuẩn. Chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành ở trung ương triển khai thủ tục đánh giá, công nhận trường chính trị chuẩn. Phấn đấu đến hết năm 2027, 63 trường chính trị đạt chuẩn mức 1, từ 3 đến 5 trường đạt chuẩn mức 2. Tiếp tục làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy và các trường chính trị về công tác đào tạo, bồi dưỡng và triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư, trong đó, đặc biệt chú trọng nhóm các trường chính trị còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm triển khai xây dựng trường chính trị chuẩn với tỷ lệ chỉ tiêu, tiêu chí thấp. Hỗ trợ trường chính trị hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn, nhất là chỉ tiêu về đội ngũ giảng viên, về hoạt động khoa học. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nhằm tạo sức lan tỏa trong triển khai Quy định số 11-QĐ/TW.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng. Tập trung xây dựng, ban hành mới chương trình, giáo trình trung cấp lý luận chính trị và một số chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh, chương trình cập nhật kiến thức theo Quy định số 145-QĐ/TW ngày 10-5-2024 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm tính khoa học, cập nhật, hiện đại, phù hợp các đối tượng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hướng dẫn các trường thực hiện nghiêm chương trình, giáo trình, các quy chế, quy định do Học viện ban hành; nhất là hướng dẫn các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong thời gian tới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trên, tạo bước chuyển biến cơ bản về kỷ cương, nền nếp trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường, làm tiền đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thứ tư, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên trường chính trị, học viện, trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị theo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2019 - 2030. Trong đó chú trọng tổ chức các loại hình lớp nhằm hỗ trợ các trường hoàn thiện các chỉ tiêu chuẩn về đội ngũ như: bồi dưỡng kiến thức kinh điển, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, đào tạo giảng viên lý luận chính trị... Phối hợp với các viện chuyên ngành và các đơn vị có liên quan xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng, tập huấn sát đối tượng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tổ chức tốt các cuộc thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị. Trước mắt, phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị lần thứ IX - năm 2025 tại Trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng bảo đảm nghiêm túc, khách quan, thực chất, an toàn; góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, nghiên cứu tốt, tạo diễn đàn để cán bộ, giảng viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, Học viện đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, xuất bản bản tin, hướng dẫn và hỗ trợ các trường chính trị nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; hướng dẫn cụm thi đua và trường chính trị cấp tỉnh tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học, trao đổi mô hình, kinh nghiệm, giải pháp đẩy mạnh triển khai xây dựng trường chính trị chuẩn. Tiếp tục giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức hội thảo khoa học cho các trường chính trị.

5. KẾT LUẬN

Công tác trường chính trị có vai trò quan trọng trong việc thống nhất nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng trung cấp và sơ cấp lý luận chính trị trên toàn quốc, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở. Từ năm 2019 đến nay, mặc dù quá trình triển khai công tác gặp nhiều khó khăn, với gần 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, công tác trường chính trị đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, tạo ra những bước phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu, đồng thời đặt nền móng cho công tác trường chính trị trên những chặng đường phía trước. Trước những yêu cầu mới, công tác trường chính trị cần được tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào thành tựu chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

TS NGUYỄN THỊ THANH NHÀN
Vụ Các trường chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo LLCT

___________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 559 (9-2024)

Ngày nhận bài: 5-8-2024; Ngày bình duyệt: 14-8-2024; Ngày duyệt đăng: 05-9-2024.

(1) Các văn bản Học viện chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương xây dựng Dự thảo: Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 về trường chính trị chuẩn.

Các văn bản Học viện góp ý, tham gia dự thảo: Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 07-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030; Quy định số 57-QĐ/TW ngày 08-02-2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị; Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08-11-2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện; Kết luận số 09-KL/TW ngày 09-7-2021 của Ban Bí thư về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên; Nghị định số 103/2022/NĐ-CP ngày 12-12-2022 của Chính phủ về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 01-12-2022 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương; dự thảo Kế hoạch tổng kết 10 năm Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”; dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương trong hoạt động định hướng, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trong Đảng và hệ thống chính trị do Ban Tuyên giáo Trung ương soạn thảo; góp ý Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01-02-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 145-QĐ/TW ngày 10-5-2024 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tham gia tổng kết Quy định 256-QĐ/TW ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên và các văn bản quy định về tiêu chuẩn, đối tượng và phân cấp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (2009 - 2020)...

(2) Bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được ban hành các năm 2016, 2019), Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2021); Quy chế hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được ban hành các năm 2014, 2015, 2018); Quy chế hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị (năm 2017); Quy định đánh giá chất lượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị (năm 2022); Quy định đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến (năm 2022); Quy chế hội thi giảng viên dạy giỏi (năm 2022).

(3) Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Chính trị Tô Hiệu thành phố Hải Phòng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp.

(4) Chương trình, giáo trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính (năm 2014); Chương trình, giáo trình trung cấp lý luận chính trị (năm 2017); Chương trình, giáo trình trung cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (năm 2024); Chương trình sơ cấp lý luận chính trị (năm 2024); Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý (đối tượng 4, năm 2014 và năm 2021); Chương trình bồi dưỡng cấp ủy cơ sở (năm 2020); Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở (năm 2021); Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân cấp xã (năm 2023); Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho chủ tịch, phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã (năm 2023).

(5) Số liệu được tổng hợp từ các báo cáo tổng kết công tác trường chính trị năm 2020, 2021, 2022, 2023 (Báo cáo số 12-BC/HVCTQG ngày 12-01-2021; Báo cáo số 730-BC/HVCTQG ngày 28-01-2022; Báo cáo số 1747-BC/HVCTQG ngày 15-02-2023; Báo cáo số 2964-BC/HVCTQG ngày 01-3-2024).

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/doi-moi-dong-bo-toan-dien-cong-tac-truong-chinh-tri-dap-ung-yeu-cau-cua-tinh-hinh-moi-156656