Đổi mới giáo dục bắt đầu từ người thầy

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chuẩn bị bước vào năm thứ tư nhưng dường như vẫn chưa hết mới mẻ với một bộ phận không nhỏ giáo viên.

Đội ngũ nhà giáo quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới giáo dục. Ảnh Nam Du

Đội ngũ nhà giáo quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới giáo dục. Ảnh Nam Du

Giữa nhiều điểm mới, chương trình này còn đặt ra yêu cầu về một sự thay đổi quan trọng khác, đó là thay đổi về quan niệm dùng sách giáo khoa (SGK).

Sách giáo khoa là học liệu đặc biệt

Vài chục năm trước, vào tiết học Lịch sử, giáo viên mở cuốn SGK ghi nhan đề bài viết lên tấm bảng đen rồi cầm sách, vừa giảng vừa đọc cho học sinh chép. Thỉnh thoảng trong lớp học có đám nói chuyện hay lơ đãng, viết chậm, không theo kịp lại hỏi: “Thầy ơi, đọc lại giúp em”… Về nhà, học sinh bỏ vở ra học thuộc làu để hôm sau thầy kiểm tra miệng hoặc kiểm tra 15 phút/1 tiết; các câu hỏi phần lớn đều nằm phía sau bài học.

Tình trạng tương tự như vậy cũng diễn ra trong các tiết thuộc lĩnh vực khoa học xã hội; thậm chí khoa học tự nhiên (phần lý thuyết). Trên bảng, thầy cô cứ giảng và đọc, ở dưới học trò chỉ ghi, mải chép. Kết thúc, học sinh mỏi nhừ, thậm chí là chai tay vì viết nhiều còn kiến thức với nhiều học sinh thì… trôi tuột.

Trong năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT mới với lớp 10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo và đồng hành cùng các cụm trường THPT tổ chức chuyên đề ở nhiều bộ môn khác nhau, linh hoạt kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến tạo hiệu ứng lan tỏa trên toàn TP. Năm học vừa qua, TP đã tổ chức được 11 chuyên đề sinh hoạt tổ chuyên môn với các tiết dạy minh họa thuộc các môn: Tin học, Ngữ văn, Toán, Lịch Sử, Vật lý, tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Địa lý tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Long Biên, Ứng Hòa. Các tiết dạy minh họa đã đem đến cho giáo viên bộ môn một cách tiếp cận mới đối với yêu cầu dạy học theo hướng phát triển năng lực. Đồng thời, thông qua các tiết dạy minh họa, giáo viên các trường đã có cơ hội giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Trước năm học mới, Hà Nội đã tập huấn cho 29.000 giáo viên cốt cán về đổi mới chương trình, SGK để triển khai dạy học hiệu quả.

Nhìn nhận quá trình đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đúc kết: trong giai đoạn trước, các thầy cô giáo phụ thuộc quá nhiều vào SGK, nên là chỗ dựa, dạy và học phải theo. Kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi thế ấy. Thầy cô bị lệ thuộc vào SGK.

Vậy nhưng, Chương trình GDPT mới đã thay đổi mang tính đột phá, toàn diện và là chương trình mở, đòi hỏi giáo viên phải tham gia phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học.

“Chương trình mới thống nhất toàn quốc, yêu cầu SGK là học liệu - cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng SGK một cách chủ động, không lệ thuộc – đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ SGK khác, các học liệu khác, phát huy quyền chủ động của chúng ta…” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi mở.

Thực hiện chương trình mới, không ít giáo viên đã hứng khởi thổi tinh thần đổi mới vào từng tiết dạy. Vẫn là tiết lịch sử nhưng cô Nguyễn Thị Thanh Hòa, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội áp dụng “Mô hình lớp học đảo ngược” để truyền tải kiến thức cho học sinh. Mô hình cho phép học sinh mở rộng và làm chủ tài liệu thông qua các bài tập, dự án và thảo luận, học tập cộng tác. Lúc này, cô giáo và học sinh không sử dụng mình SGK mà từ nhiều nguồn học liệu khác như video, tư liệu tranh ảnh và nguồn tư liệu sống là chính ông bà của mình, các học sinh đã tự trang bị nhiều kiến thức và trải nghiêm quý báu.

Cũng là tiết Hóa, nhưng để giúp học sinh yêu thích, hứng thú với nội dung môn học, cô Phạm Thị Hồng Hạ, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đan Phượng) đã tổ chức cho các em tham gia hoạt động ngoại khóa như: Hóa học vui, Rung chuông vàng Hóa học...

Tại các tiết học, học sinh được làm thí nghiệm vui, xây dựng và đóng tiểu phẩm mang đậm chất "Hóa”. Thiết kế và trình diễn thời trang về các nguyên tố hóa học hay được tham gia hoạt động trải nghiệm STEM (làm bánh xà phòng , nước rửa tay sát khuẩn, giấm ăn từ các loại quả...); từ đó kiến thức hóa học được các em dễ dàng tiếp nhận.

Lãnh đạo ngành GD&ĐT thừa nhận, số giáo viên tích cực đổi thay như cô Thanh Hòa, cô Hồng Hạ chưa phải là phổ biến. Qua thực tế thăm dò giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào SGK. Và dù biết thay đổi là bắt buộc, là tất yếu nhưng lãnh đạo Bộ cũng nhận thức được rằng, việc này phải “diễn ra từng bước, dần dần, không thể yêu cầu một sớm một chiều được”.

Giáo viên cần có năng lực, kỹ năng

Khi triển khai chương trình mới, ngành giáo dục thực hiện “một chương trình, nhiều SGK”. Đây là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ “truyền thụ kiến thức” sang dạy học "phát triển năng lực". Từ đây, vai trò của giáo viên là chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh; thực hiện hiệu quả hơn, triệt để hơn yêu cầu về phương pháp dạy học "học qua làm".

Tại nhiều địa phương trên cả nước cũng như tại Hà Nội, công tác giới thiệu, tập huấn SGK được thực hiện khá bài bản. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của việc này lại chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức, trình độ, kỹ năng và trách nhiệm của giáo viên.

Là một giáo viên được tham gia tập huấn SGK mới, cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên tiểu học tại huyện Đông Anh, chia sẻ: “Đến nghe giới thiệu, tập huấn dùng sách, quả thật chúng tôi thấy rất hay nhưng khi áp dụng trong năm học thì không suôn sẻ như vậy. Chương trình mới có 3 bộ SGK cùng song song thực hiện.

Ban đầu tôi cũng hứng khởi, tìm mua 3 cuốn Tiếng Việt của các nhà xuất bản khác nhau về nghiên cứu xem sách nào hay sẽ chắt lọc để dạy. Nhưng khi năm học mới đến, công việc bận rộn cuốn đi, tôi chỉ cố gắng dạy bám sách để kịp chương trình. Về cơ bản vẫn là sách có gì, tôi dạy nấy”.

Phương thức giảng dạy hiện đại là lấy học sinh là chủ thể, trọng tâm, phát huy khả năng của học sinh, thầy cô chỉ là người gợi mở, định hướng; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy. Lý thuyết là như vậy nhưng cũng có không ít giáo viên còn hững hờ với việc đổi mới phương pháp dạy học. Điều kiện dạy học chưa đầy đủ, chế độ đãi độ còn thấp, giáo viên có tuổi… là những rào cản khiến giáo viên ngại đổi mới và vẫn có tư duy cũ khi coi SGK là duy nhất.

Bộ GD&ĐT Việt Nam luôn coi lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục, đặc biệt quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới giáo dục. Muốn đổi mới thành công, điều kiện đầu tiên là lực lượng nhà giáo phải tự đổi mới. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: "Các nhà giáo phải tự đổi mới mình từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. Ai cũng có thể làm được, vấn đề có dám làm hay không. Cái gì mới chưa biết, chưa hiểu, chưa thuần thục thì cùng tìm hiểu….".

Một yếu tố rất quan trọng khi thực hiện chương trình mới đó là vai trò đồng hành của phụ huynh. Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi học sinh phải tự học nhiều hơn; có nhiều nhiệm vụ hơn yêu cầu vận dụng kiến thức vào cuộc sống, nhất là cuộc sống hằng ngày tại gia đình và cộng đồng. Vì vậy, phụ huynh cần tạo điều kiện, hỗ trợ học sinh trong học tập và vận dụng kiến thức bên ngoài khuôn viên nhà trường. Với học sinh, ngoài học theo nội dung, yêu cầu của Chương trình GDPT, các em được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động để vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-moi-giao-duc-bat-dau-tu-nguoi-thay.html