Trường chính trị tỉnh Bình Dương: Tự hào và khát vọng – Bài 1

Bài 1: Hành trình phát triển

LTS: Ngày 24-9 tới đây, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn mức 1. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là mốc son đánh dấu chặng đường hơn 70 năm xây dựng và phát triển của trường, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh; đồng thời là cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, tham vấn xây dựng chính sách và tư vấn phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh.

Hơn 7 thập kỷ qua, Trường Chính trị Bình Dương dù có thay đổi tên gọi gắn với quá trình tách - nhập của tỉnh nhưng nhiệm vụ của trường vẫn không thay đổi; luôn là trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể.

Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã chủ động hoàn toàn chương trình, đáp ứng mọi yêu cầu về công tác đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh

Làm tròn sứ mệnh

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Và trước lúc đi xa Người ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Do vậy, để phục vụ cho công tác cách mạng, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, chính quyền luôn được tỉnh Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương đặc biệt quan tâm.

Thầy Phạm Văn Kim, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cho biết Trường Chính trị tỉnh Bình Dương được thành lập năm 1950 với tên gọi Trường Đảng. Xuyên suốt 74 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và làm tròn sứ mệnh Trường Đảng ở địa phương. Từ những lớp mở đầu tiên của Ban Tuyên huấn đến khi thành lập Trường Đảng, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ đã không ngừng phát triển, nâng cao, hoạt động hiệu quả, góp phần công sức quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến cứu nước.

Đến nay, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đội ngũ nhà giáo của trường luôn vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, không ngừng đổi mới, tư duy, sáng tạo trong giảng dạy.

Ngược dòng lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Trường Đảng có lúc hoạt động công khai hay có lúc hoạt động bí mật (không mở lớp) hoặc có lúc hoạt động bán công khai. Vào những lúc chuyển hướng hoạt động như vậy, công tác huấn luyện cán bộ rất khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên cố gắng vượt qua gian khổ, không sợ hy sinh, quyết tâm thực hiện thắng lợi trên mặt trận chống “giặt dốt”, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân nhằm vận động cách mạng, giác ngộ giai cấp.

Trong thời kỳ bao cấp, nhất là sau giải phóng, mặc dù đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cán bộ lãnh đạo, giáo viên, công nhân viên nhà trường vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Đặc biệt, sau khi đồng chí Nguyễn Ngọc Bích làm giám đốc, thời kỳ này với tư duy quyết tâm học hỏi và sáng tạo, trường đã cử nhiều cán bộ đi học tập ở các địa phương và vận dụng vào điều kiện của tỉnh, mở nhiều lớp mà trước đây chưa có nhưng rất thiết thực với tỉnh.

Sau khi tách tỉnh Sông Bé, năm 1997, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương được thành lập. Trường có nhiều thuận lợi hơn so với giai đoạn trước, song trường vừa phải khắc phục thiếu thốn về cơ sở vật chất vừa phải xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; đồng thời thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh giao. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào đào tạo trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng chương trình chuyên viên; bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các tổ chức đoàn thể cơ sở…; đồng thời phối hợp đào tạo cao cấp lý luận chính trị, phối hợp mở nhiều lớp nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh.

Bước sang trang mới

Đến năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy về kiêm nhiệm Hiệu trưởng nhà trường. Có thể nói, thời điểm này, nhiệm vụ chính trị của trường đã sang trang mới với nhiều khởi sắc và thuận lợi. Trụ sở khang trang, cơ sở vật chất tương đối hiện đại. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, ngày càng chuẩn hóa. Cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường được quy định cụ thể, rõ ràng. Học viên được học tập trong môi trường chính quy, nề nếp. Chương trình trung cấp lý luận chính trị có sự thay đổi. Công tác quản lý đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc của giảng viên được quy định với tiêu chuẩn ngày càng cao...

Trường đã phối hợp, hợp tác với nhiều trường có uy tín và có chất lượng trong nước như Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Hành chính quốc gia, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học An ninh nhân dân… mở lớp, thỉnh giảng nhiều chuyên gia giỏi, đầu ngành giảng dạy. Từ đó, kết quả đào tạo, bồi dưỡng hàng năm tăng lên, trung bình mở 37 lớp với gần 3.000 học viên/ năm theo học. Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt được bước tiến mới, đáp ứng việc giảng dạy 100% nội dung chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị và 100% nội dung các chương trình bồi dưỡng thuộc thẩm quyền của nhà trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học của trường được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú và đạt nhiều kết quả, qua đó đáp ứng tiêu chí Trường Chính trị chuẩn mức 1 theo quy định của Bộ Chính trị.

Thầy Tô Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cho biết từ những ngày đầu mới thành lập, trường chỉ mở được 3 lớp/năm, chủ yếu bồi dưỡng cho bí thư, chi ủy viên phụ trách tuyên huấn, chi ủy viên phụ trách Đảng vụ kiểm tra; đến năm 2023 trường mở được 61 lớp với tổng số 6.672 học viên. Trường đã chủ động hoàn toàn chương trình và đáp ứng với mọi yêu cầu về công tác đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh. Kết quả sau đào tạo cho thấy phần lớn học viên đã phát huy tốt các kiến thức và kỹ năng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ sở. Nhiều học viên sau khi ra trường đã được đưa vào đảm nhiệm các vị trí công tác ở các cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể, phát huy được vai trò lãnh đạo của đơn vị. Nhiều người được bổ nhiệm vào chức vụ cao trong bộ máy các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn.

Qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng tự hào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà hàng năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao.

Với nhiều thành tích trong hoạt động từ sau đổi mới đến nay, nhà trường đã nhận nhiều bằng khen các cấp từ Trung ương đến tỉnh. Trong đó, năm 1998 tập thể nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc từ năm 1993-1997; năm 2007 nhà trường đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì vì đã có thành tích xuất sắc từ năm 2002-2006; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho Phòng Tổ chức hành chính vì đã có nhiều thành tích xuất sắc từ năm 2002-2004; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho Phòng Tổ chức - Đào tạo vì đã có nhiều thành tích trong công tác góp phần sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2007, trường cũng đón nhận nhiều bằng khen của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vì đã có thành tích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Năm 2013, nhà trường đã đón nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 vì có thành tích xuất sắc 10 năm từ 2002-2012 trong phong trào thi đua bảo vệ Tổ quốc XHCN; đón nhận nhiều cờ thi đua dẫn đầu trong Cụm Đông Nam bộ, thi đua trong Đảng bộ khối…

THU THẢO

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/truong-chinh-tri-tinh-binh-duong-tu-hao-va-khat-vong-bai-1-a331404.html