Đổi mới giáo dục nghề nghiệp đáp ứng thị trường lao động
BHG - Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, thị trường và yêu cầu lao động có nhiều thay đổi, đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN) những đòi hỏi phải đổi mới nội dung và phương thức giảng dạy để đáp ứng yêu cầu thị trường và thúc đẩy phát triển KT-XH.
Chương trình số 42 của BTV Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2030: Thu hút 45-50% học sinh trung học vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên khoảng 45% lực lượng lao động; có 1 cơ sở GDNN chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề và yêu cầu của thị trường lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 20%.
Theo đó, các cấp, ngành đẩy mạnh truyền thông, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GDNN; hoàn thiện chính sách GDNN; tăng cường hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, phân luồng học sinh; GDNN cho thanh niên, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ. Đồng thời, triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác về đào tạo lao động với một số địa phương, doanh nghiệp; rà soát, sắp xếp hệ thống cơ sở GDNN công lập; đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo; đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo đảm bảo “học đi đôi với hành”, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong lao động công nghiệp; nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng số cho người học; chủ động, tích cực hội nhập với các nước trong khu vực về GDNN.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 3 trung tâm GDNN-GDTX có đăng ký hoạt động GDNN và 6 trung tâm GDNN-GDTX tham gia đào tạo dưới 3 tháng với quy mô đào tạo GDNN bình quân trên 10.000 người/năm, trong đó chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Các ngành nghề có nhiều học viên theo học gồm: Công nghệ ô tô, điện, may thời trang, lái xe ô tô các hạng, kỹ thuật nông nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở GDNN đã biên soạn, cập nhật, bổ sung, xây dựng mới 136 lượt chương trình đào tạo các trình độ theo quy định của Luật GDNN; chủ động, linh hoạt áp dụng, điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện, mục tiêu đào tạo của trường, điều kiện KT-XH của địa phương và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu, đòi hỏi người lao động không chỉ cần có kỹ năng chuyên môn mà còn cần các kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, khả năng sử dụng công nghệ hiện đại. Điều này đặt công tác GDNN trước nhiều thách thức mới. Thực tế, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động còn hạn chế, phần lớn tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp; chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng mềm cần thiết, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động. Một số chương trình đào tạo nghề chưa gắn kết với thực tiễn; cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo còn thiếu thốn; chất lượng, hiệu quả đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành, nghề mới chưa theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội.
Bởi vậy, để nắm bắt cơ hội và hoàn thành các chỉ tiêu của tỉnh về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN cần có những bước đi chiến lược; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao; xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, đáp ứng nhanh sự thay đổi của thị trường; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức xã hội về học nghề; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ, tổ chức các chương trình thực tập, học việc thực tế giúp học viên tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên và người lao động.