Đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng chất lượng nguồn nhân lực
Linh hoạt phương thức đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực để tăng cơ hội việc làm cho người học là mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Nhờ đó, chất lượng lao động qua đào tạo từng bước nâng lên, đáp ứng thị trường lao động, nhất là các khu, cụm công nghiệp.
Đào tạo theo nhu cầu
Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (DN). Nhiều DN đã liên kết với các cơ sở để đặt hàng đào tạo, nhận sinh viên thực tập, sau đó tuyển dụng vào làm việc.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang cho biết: "Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng liên kết đào tạo nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên tại các DN. Trong các kỳ thực tập, các em được bố trí thực hành tại các DN uy tín, như: Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goerteck Vina. Một số DN đã đồng hành cùng nhà trường cấp học bổng, tổ chức bồi dưỡng các khóa đào tạo tay nghề chuyên sâu, dạy học tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản và sẵn sàng tuyển dụng sau khi tốt nghiệp".
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ký kết đào tạo và cung ứng lao động với nhiều DN lớn ở trong và ngoài tỉnh. Trong đào tạo, các trường giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời gian thực hành, ưu tiên đầu tư thiết bị thực hành và đưa học sinh, sinh viên, giáo viên về thực tập tại các DN. Quá trình thực tập, làm quen với công việc, sinh viên được DN trả thù lao.
Hiện tỷ lệ học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có việc làm sau tốt nghiệp đạt 80-90%. Nhiều ngành nghề được DN tuyển dụng 100% như: Nghề kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ ô tô, tự động hóa.
Theo rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tỷ lệ học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có việc làm sau tốt nghiệp đạt 80-90%. Nhiều ngành nghề được DN tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ ô tô...
Nắm bắt nhu cầu của DN, năm học này, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn liên kết với Công ty TNHH Hana Micron VINA, Khu công nghiệp Vân Trung khai giảng lớp đào tạo quy trình sản xuất chất bán dẫn. Đây là khóa đào tạo chuyên sâu trong 3 học kỳ dành cho 99 sinh viên năm thứ 2 ở các chuyên ngành: Điện, điện tử, cơ - điện tử nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho dây chuyền sản xuất chất bán dẫn của DN. Hoàn thành khóa học, sinh viên được cấp chứng chỉ, sau khi tốt nghiệp trúng tuyển vào làm việc tại Công ty sẽ được tăng 1 bậc lương.
Từ năm 2021, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt- Hàn liên kết với Công ty TNHH Hana Micron VINA về đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực. Công ty đã tuyển 130 sinh viên tốt nghiệp vào làm việc. Từ nay đến năm 2025, Công ty dự kiến tuyển 350 nhân viên vận hành thiết bị, công nghệ thông tin. Giai đoạn 2023-2030, nhà trường đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.
Mở mới ngành nghề phù hợp
Toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này tuyển sinh và đào tạo khoảng 29 nghìn người. Số lao động qua đào tạo tăng nhanh (đạt hơn 74%). Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 32%, cao hơn mặt bằng chung cả nước. Chất lượng lao động qua đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, quy mô đào tạo của các cơ sở dạy nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn thấp. Một số thiết bị, máy móc phục vụ giảng dạy ở các trường nghề chưa theo kịp với công nghệ tiên tiến hiện nay, chưa đáp ứng thực tiễn sản xuất của DN...
Khắc phục tình trạng trên, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang chú trọng mở những ngành nghề mới như: Máy lạnh và điều hòa không khí, sửa chữa ô tô, hàn, điện công nghiệp. Nhà trường ký thỏa thuận hợp tác đào tạo, cung ứng ứng nguồn nhân lực với nhiều DN. Mới đây, đơn vị ký kết đào tạo theo hình thức 1+1+1 (1 năm học ở trường, 1 năm học tại trung tâm đào tạo của DN và 1 năm thực hành tại xưởng sản xuất) với Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goerteck Vina (Bắc Ninh).
Anh Đặng Văn Quang (SN 1998), tốt nghiệp Khoa Điện - Tự động hóa năm 2022 nói: “Sau thời gian vừa học, vừa thực hành theo mô hình liên kết với DN, tôi có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng nghề. Hiện tôi đã có việc làm ổn định tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goerteck Vina với mức lương khá”.
Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 có 80% lao động qua đào tạo, trong đó có 35% lao động có văn bằng, chứng chỉ. Để đạt mục tiêu trên, Sở Lao động - Thương binh xã Xã hội phối hợp với các huyện, TP tiếp tục quan tâm công tác dự báo nhu cầu lao động; khai thác hiệu quả dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia kết hợp điều tra nhu cầu của DN hoặc người sử dụng lao động và phản hồi của người học đã tốt nghiệp để phục vụ công tác quản lý và đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới chương trình giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực giảng dạy phù hợp với công nghệ, kỹ thuật mới của DN.