Đổi mới kiểm tra, đánh giá
Từ học kỳ 2 năm học 2024-2025, ma trận đề kiểm tra định kỳ các môn đánh giá bằng điểm số sẽ gồm 2 phần trắc nghiệm khách quan và tự luận. Đáng chú ý, phần trắc nghiệm khách quan ngoài câu hỏi lựa chọn nhiều đáp án còn có câu hỏi đúng/sai và trả lời ngắn.
Đó là một trong những điểm mới trong kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS và THPT Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa gửi các Sở GDĐT. Theo yêu cầu của Bộ, đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, Sở GDĐT hướng dẫn các trường THCS, THPT xây dựng ma trận, bản đặc tả, đề kiểm tra và hướng dẫn chấm đề kiểm tra định kì bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, kĩ thuật, tham khảo phụ lục kèm theo công văn.
Theo phụ lục này, đề kiểm tra định kỳ của các môn đánh giá bằng điểm số cấp THPT sẽ có ma trận mới gồm 2 phần: trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm). Phần trắc nghiệm khách quan có nhiều nét tương đồng với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT với dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng - sai và trả lời ngắn. Với những môn học không có dạng câu hỏi “Trả lời ngắn”, toàn bộ số điểm của phần này sẽ chuyển sang cho dạng “đúng - sai”. Tổng thể, đề thi sẽ có 40% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 30% câu hỏi ở mức độ thông hiểu và 30% câu hỏi ở mức độ vận dụng.
Việc triển khai thực hiện bắt đầu từ học kỳ II năm học 2024-2025. Trước đó, tháng 11/2024, giáo viên cốt cán của các địa phương đã được tập huấn nên Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT tập huấn cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn quản lý.
Ghi nhận tại các trường THCS, THPT hiện nay đề kiểm tra định kỳ của các trường mỗi nơi một kiểu, có nơi chỉ dùng dạng đề trắc nghiệm trong khi có nơi kết hợp tự luận. Cách làm đưa nhiều dạng câu hỏi vào đề thi được cô giáo Hoàng Thị Thúy (Trường THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam) ủng hộ vì giúp cấu trúc đề thi đa dạng hơn, đánh giá toàn diện năng lực của học sinh. Nếu chỉ có câu trắc nghiệm không sẽ chưa đảm bảo kiểm tra kiến thức kết hợp đánh giá khả năng vận dụng và tư duy, các kỹ năng đọc hiểu, phân tích, tổng hợp thông tin của người học.
Cô Thúy cũng cho rằng, cách làm này tránh được việc học sinh khoanh bừa mà phải thực sự hiểu mới điền được đáp án chính xác nên giáo viên cũng nhận rõ được năng lực của học sinh, từ đó biết các em yếu - mạnh phần nào để điều chỉnh hoạt động dạy và học, bổ sung những lỗ hỏng kiến thức của học sinh, giúp đỡ riêng đối với học sinh yếu – kém, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Kiểm tra, đánh giá là một phần không thể thiếu được của quá trình dạy học nhằm giúp học sinh tiến bộ. Nhiều thầy cô chia sẻ việc ra đề kiểm tra, đánh giá phải cân nhắc sự phù hợp với năng lực, trình độ học sinh đồng thời cung cấp những thông tin phản hồi giúp giáo viên và học sinh biết các em tiến bộ đến đâu, những mảng kiến thức, kỹ năng nào có sự tiến bộ, phần nào còn yếu để điều chỉnh quá trình dạy và học.
Đổi mới đánh giá hiện nay còn bao gồm không chỉ giáo viên đánh giá học sinh mà chính học sinh cũng được học cách đánh giá lẫn nhau, biết tự đánh giá kết quả học tập rèn luyện của chính mình, từ đó có sự điều chỉnh trong việc học và ôn tập để đạt kết quả tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), việc đổi mới kiểm tra, thi cử đều theo hướng đánh giá đúng và khích lệ thầy trò dạy và học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất chứ không phải chỉ thu nhận kiến thức thuần túy. Tại các thông tư quy định kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông đã có nhiều điều chỉnh, ghi nhận các hình thức đánh giá đa dạng, nhân văn, khích lệ học sinh tiến bộ, khích lệ các hình thức “thầy tổ chức, trò thực hiện nhiệm vụ” hơn là việc kiểm tra trên giấy với cách tăng mức độ khó của bài tập. Các bài kiểm tra theo hình thức truyền thống vẫn có nhưng sẽ đảm bảo đúng ma trận được Bộ GDĐT quy định.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doi-moi-kiem-tra-danh-gia-10297087.html