Đổi mới kinh tế để tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình
Củng cố nền kinh tế tự chủ, tự cường gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là 'đòn bẩy' đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Với tầm nhìn chiến lược và đường lối đổi mới đất nước hiện nay, sẽ tạo nên thành quả bứt phá.
Kim chỉ nam cho phát triển toàn diện, bền vững
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - chính trị thế giới đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định, nhưng cũng đưa đến nhiều thời cơ, vận hội mới cho phát triển. Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, xác lập trật tự thế giới mới, với những đột phá, những thay đổi mang tính thời đại.
Bối cảnh mới với thách thức mới, cơ hội mới, đặt ra yêu cầu mới trong xác định mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việc phát huy ý chí tự lực, tự cường chính là điều kiện cốt lõi để tăng trưởng bền vững và mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế.

Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đột phá quan trọng. Ảnh minh họa
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hội nhập quốc tế phải trên cơ sở nội lực có vai trò quyết định, gia tăng nội lực đi đôi với với tranh thủ ngoại lực. Nội lực là nguồn lực chính, là gốc rễ cho sức mạnh, vì vậy phải luôn được phát huy để đảm bảo tính chủ động, độc lập, tự cường nhưng đồng thời, cần tranh thủ cao độ mọi nguồn lực từ bên ngoài để kết hợp và bổ sung cho nội lực. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.
Chia sẻ kinh nghiệm và thành công của Hàn Quốc, Singapore, theo PGS.TS Vũ Minh Khương - giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), để trở thành một dân tộc thực sự tự chủ, tự lực và tự cường trong công cuộc phát triển, Việt Nam phải kiên định về đường lối, chiến lược phát triển, đó là: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, có khả năng thích ứng với các biến động kinh tế và cú sốc bên ngoài; chủ động hội nhập, cần phải đa dạng hóa mối quan hệ, tranh thủ tốt các thể chế kinh tế đa phương, tránh rủi ro phụ thuộc vào một quốc gia, một thị trường.
Các nhà khoa học, nhà quản lý và DN đều cho rằng, kinh tế Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn. Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao trên thế giới. Sự xuất hiện yếu tố “dân số vàng” có thể xem là một cơ hội tốt đối với tăng trưởng và phát triển. Việt Nam đã có bước tiến dài trên đại lộ hội nhập, ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam.
Trong thời gian qua, kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới… đây là cơ hội rất tốt để tiếp tục thực hiện nền kinh tế tự lực tự chủ tự cường. Việt Nam cần đặt mục tiêu độc lập tự chủ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 đổi mới sáng tạo, hội nhập kinh tế quốc tế.
Đó là cần phải chuyển sang phương thức phát triển mới, định hướng chất lượng, công nghệ cao, tạo lập cấu trúc kinh tế mới, tạo ra những sản phẩm khác biệt để có lợi thế cạnh tranh, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc gia đẳng cấp toàn cầu…, liên kết mạnh mẽ với các DN đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ chuỗi cung ứng…
Đối tượng chủ thể quan trọng chính là các DN cần phải nắm bắt được thời cơ, dự báo, đoán định được những diễn biến cung - cầu của thị trường. Tích cực liên kết với DN nước ngoài. Đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Chuyển đổi số vừa là chiến lược vừa là giải pháp, vừa phải làm ngay vừa là dài hạn. Nâng cao chất lượng nhân lực, quản trị DN. Từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định tiếp tục giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống 8% (giảm 2%), trừ một số hàng hóa, dịch vụ theo quy định; thời gian giảm được áp dụng từ 1/1 – 30/6/2025. Và đang tiếp tục đề xuất giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Chính phủ ban hành nghị định 87/2025 quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024, với mức giảm 30%. Chính sách này được đánh giá là đã góp phần giảm bớt khó khăn, hỗ trợ người dân và DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế- xã hội…
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhận định: Nghị quyết số 57-NQ/TW là bước đi chiến lược, đưa Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu, chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào lao động và tài nguyên sang dựa trên tri thức và công nghệ. Chính sách này phù hợp với quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 của Chính phủ, hướng tới tạo đà cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số.
Ủy viên Thường trực Ủy ban KH, CN và Môi trường của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, một ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết là khẳng định vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo trong việc tăng cường nội lực, khả năng tự chủ, tự cường của đất nước. Việc đầu tư phát triển các ngành khoa học trọng điểm không chỉ giúp Việt Nam giải quyết các thách thức trong nước mà còn tạo cơ hội để làm chủ các công nghệ cốt lõi, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Phát huy vai trò vị thế của kinh tế tư nhân cũng là mục tiêu hàng đầu của Đảng và Chính phủ. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện nền kinh tế chuyển đổi, để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN tư nhân luôn là đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế. Với tầm nhìn chiến lược và đường lối đổi mới đất nước hiện nay, DN tư nhân được xác định là động lực chủ yếu, là đòn bẩy phát triển nền kinh tế. Đây là những điểm thuận lợi để thay đổi để Việt Nam hành động khẩn trương, quyết liệt. Hợp sức đổi mới sáng tạo, cổ vũ và bảo vệ những chủ thể “dám nghĩ, dám làm” lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, tạo nên thành quả bứt phá cho mai sau.
Không ngừng đổi mới và hoàn thiện thể chế
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn tạo động lực cho phát triển kinh tế, tất yếu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào các giải pháp cải cách thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính.

Tập trung đột phá thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ảnh minh họa
Theo quyết định của Bộ Chính trị ngày 30/4/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được thành lập với 26 thành viên do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Cùng ngày, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết xác định sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật mới đồng bộ cho mô hình chính quyền 3 cấp, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nhằm bảo đảm Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán.
Nghị quyết nêu cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế "hai con số", công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, Nghị quyết đặt mục tiêu Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển.
Có thể thấy, hiện nay chúng ta đang “thí điểm” thực hiện rất nhiều cơ chế, chính sách, từ tổ chức chính quyền, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, tài chính công, đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia đến nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát “sandbox” đang được nghiên cứu ban hành ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là liên quan đến các cơ chế, chính sách mới trong xây dựng DN đầu đàn với thương hiệu quốc gia, ứng dụng công nghệ tài chính.
Trong phát triển các ngành kinh tế động lực mới như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hydrogen xanh theo chiến lược đã được ban hành cũng cần nhiều cơ chế, chính sách “đặc thù” bởi đây là những ngành yêu cầu quy mô đầu tư rất lớn, liên quan đến nhiều ngành kinh tế và có yêu cầu rất cao về nguồn nhân lực có chất lượng.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ, công tác xây dựng pháp luật phải thực sự kiến tạo, khởi tạo, xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh; dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Cùng với xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế thị trường theo hướng xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp, Bộ Chính trị yêu cầu triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh.
"Bảo đảm thực chất quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng; sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia", Nghị quyết nêu.
Các quy định cần tạo cơ sở pháp lý để kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả nguồn lực vốn, đất đai, nhất lực chất lượng cao; thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, khu kinh tế trọng điểm sẽ được xây dựng cơ chế đột phá, vượt trội, cạnh tranh.
Với tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới quan điểm kinh tế; thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy, chuyển từ nhà nước quản lý sang nhà nước quản trị liên thông hiệu lực, hiệu quả, phục vụ DN, phụng sự đất nước, sẽ là kim chỉ nam cho phát triển toàn diện, bền vững, cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Bối cảnh hiện nay nhiều thách thức nhưng đồng thời mở ra những tiềm năng vô hạn cho ứng dụng công nghệ… Với một nền kinh tế mở và phát triển nhanh như Việt Nam, muốn thúc đẩy phát triển mang tính đột phá cần phải bắt đầu từ chính việc đổi mới, hoàn thiện thể chế. Những năm trước đây chúng ta chỉ nói đến chuyện cải cách kinh tế, bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực kinh tế từ chính sách thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất... để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang làm rộng hơn về thể chế, môi trường kinh doanh. Những tiến bộ vượt bậc về công nghệ luôn đi trước, vượt ra ngoài các khung khổ pháp luật hiện hành… và việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước… Tin rằng người dân, DN sẽ đồng tình, ủng hộ mãnh liệt đối với những cơ chế, chính sách có tác động tích cực tới nền kinh tế, chất lượng cuộc sống. (PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao mà còn phải tăng trưởng xanh, bền vững; không chỉ duy trì các động lực tăng trưởng hiện có, mà phải tạo dựng các động lực tăng trưởng mới dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế, tạo dựng mô hình tăng trưởng mới ưu việt, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. (TS Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)