Đổi mới lịch sử trong bảo mật đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, lần đầu tiên đề thi được mã hóa và truyền tải qua hệ thống thông tin cơ yếu, thay vì vận chuyển vật lý như trước.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được vận chuyển an toàn.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được vận chuyển an toàn.

Đảm bảo đề thi an toàn tuyệt đối

Có được sự thay đổi có tính bước ngoặt này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT và Ban Cơ yếu Chính phủ, sau hơn một năm chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm việc thử nghiệm thành công trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế năm 2024.

Đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, với chỉ với một cú nhấp chuột, đề thi được truyền mã hóa từ Hội đồng ra đề đến 63 tỉnh, thành phố, được bảo vệ bằng công nghệ mật mã quốc gia, đảm bảo chỉ thiết bị chuyên dụng và nhân sự có thẩm quyền mới có thể giải mã.

Vai trò của Ban Cơ yếu Chính phủ là đặc biệt quan trọng trong chuyển đổi này. Công tác bảo mật đề thi đã chuyển từ "vòng phong tỏa vật lý" sang "vòng mã hóa" với công nghệ mật mã của cơ quan mật mã quốc gia, vốn chỉ áp dụng cho bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước cấp độ Mật, Tối mật, Tuyệt mật.

Toàn bộ hệ thống được vận hành trên mạng thông tin được bảo mật bằng các giải pháp, sản phẩm mật mã Cơ yếu. Ban Cơ yếu Chính phủ đã cử lực lượng kỹ thuật đến từng địa phương để thiết lập hệ thống, lắp đặt thiết bị và huấn luyện cán bộ, đảm bảo mỗi điểm in sao đề thi đều được kiểm soát nghiêm ngặt: đúng người, đúng thiết bị, đúng thời điểm mới có thể giải mã.

Thay vì vận chuyển đề thi bằng đường bộ, đường biển hay đường hàng không, việc truyền tải hiện nay chỉ diễn ra trong vài phút. Các thức này an toàn, không thể bị can thiệp, tấn công, lộ lọt dữ liệu.

Đây là thay đổi mang tính đột phá về tư duy bảo mật trong giáo dục. Đề thi không còn được bảo vệ bằng lực lượng giám sát mà bằng "két sắt số" của công nghệ mật mã quốc gia.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định, sự tham gia của Ban Cơ yếu Chính phủ với đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi đã giúp bảo mật và chuyển đề thi qua hệ thống thông tin mật của ngành Cơ yếu Việt Nam, đảm bảo an toàn tuyệt đối, tiết kiệm đáng kể thời gian, nhân lực và kinh phí nhà nước.

Ban Cơ yếu Chính phủ đã góp phần quan trọng vào thành công của kỳ thi và nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao từ xã hội, Chính phủ. Bộ GD&ĐT mong tiếp tục có được sự phối hợp của Ban Cơ yếu Chính phủ trong các kỳ thi quốc gia tới đây.

 Trung tướng Vũ Ngọc Thiềm - Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ký và trao thỏa thuận phối hợp.

Trung tướng Vũ Ngọc Thiềm - Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ký và trao thỏa thuận phối hợp.

Bước tiến vượt bậc

Theo đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ, việc đổi mới này không đến ngẫu nhiên mà hội tụ nhiều yếu tố. Đó là yêu cầu cấp thiết khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là lần đầu tiên áp dụng chương trình GDPT mới với hàng ngàn mã đề.

Đó còn là kết quả thử nghiệm bảo mật thành công từ năm 2024, và sự trưởng thành của hạ tầng chuyển đổi số trong giáo dục. Đặc biệt, năm 2025 cũng là năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển đất nước.

Việc áp dụng phương thức truyền đề thi mã hóa đã giúp rút ngắn thời gian tổ chức, giảm chi phí vận chuyển và bảo vệ đề, loại bỏ nguy cơ lộ lọt vật lý, tăng hiệu quả phối hợp giữa các ngành, đồng thời giúp các địa phương nâng cao năng lực bảo mật.

Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, hạ tầng bảo mật chưa có mạng chuyên biệt riêng cho kỳ thi, cán bộ cơ yếu địa phương còn thiếu, các địa phương phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật từ Trung ương.

Điều này đòi hỏi cần có một chiến lược bảo mật dài hạn dành riêng cho giáo dục, với các khuyến nghị như: thiết lập hệ thống bảo mật riêng cho các kỳ thi quốc gia, xây dựng khung tiêu chuẩn mã hóa và xác thực tích hợp phần mềm thi cử, thành lập lực lượng chuyên trách bảo mật thuộc Bộ GD&ĐT phối hợp định kỳ với Ban Cơ yếu Chính phủ.

Việc bảo mật đề thi bằng hệ thống mã hóa không chỉ là cải tiến kỹ thuật, mà còn thể hiện sự đổi mới thực chất của ngành giáo dục và khả năng bảo vệ thông tin mật ở cấp quốc gia của ngành Cơ yếu.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo, gian lận số, deepfake... đang đe dọa nhiều hệ thống thi cử trên thế giới, việc Việt Nam triển khai thành công mô hình bảo mật đề thi bằng mật mã dân sự cấp quốc gia là bước tiến vượt bậc, mang tính định hình cho tương lai.

Từ năm 2025, câu nói “đề đã được mã hóa” không còn là thao tác kỹ thuật, mà trở thành cam kết của Nhà nước với từng thí sinh: Trí tuệ và nỗ lực của các em sẽ được bảo vệ tuyệt đối, minh bạch, công bằng và an toàn. Đây không chỉ là kỳ thi của học sinh, mà còn là kỳ thi của cả hệ thống giáo dục, khoa học - công nghệ và an ninh số quốc gia.

Trung tướng Vũ Ngọc Thiềm - Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết: Toàn bộ hệ thống được vận hành trên mạng thông tin được bảo mật bằng các giải pháp, sản phẩm mật mã ngành Cơ yếu.

Ban Cơ yếu Chính phủ đã cử cán bộ của Ngành đến từng địa phương để thiết lập hệ thống, lắp đặt thiết bị và huấn luyện cán bộ sử dụng, đảm bảo bảo mật đề thi từ lúc nhận đến khi bàn giao lại cho địa phương.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-lich-su-trong-bao-mat-de-thi-tot-nghiep-thpt-2025-post737871.html