Đổi mới mạnh mẽ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) cần có những quy định thể hiện tinh thần đổi mới, cải cách mạnh mẽ hoạt động giám sát của Quốc hội; tăng cường cơ chế phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán trong công tác giám sát cũng như gắn trách nhiệm cụ thể trong thực hiện kiến nghị giám sát... Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, kỳ vọng khi góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật.

Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Đổi mới giám sát song hành với đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Trong những năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nhận diện và giải quyết các vấn đề tồn đọng. Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề tập trung vào các vấn đề then chốt của đất nước như: Phát triển kinh tế, quy hoạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý tài nguyên môi trường… Thông qua hoạt động giám sát, các cơ quan hành chính nhà nước đã có những thay đổi tích cực trong việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cần tăng cường phối hợp, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, HĐND cấp tỉnh, Kiểm toán nhà nước, Đoàn ĐBQH để có tính phản biện độc lập, khách quan trong hoạt động giám sát, bảo đảm tính thực tiễn khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Lã Thanh Tân
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng

Bên cạnh những kết quả đạt được, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các ĐBQH cũng thẳng thắn chỉ ra không ít bất cập, hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả và chất lượng giám sát. “Nhiều cuộc giám sát mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện vấn đề mà chưa đưa ra được các giải pháp khắc phục triệt để. Một số cuộc giám sát còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào bản chất của vấn đề, dẫn đến việc phát hiện sai phạm nhưng không có biện pháp xử lý mạnh mẽ” - đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) chỉ rõ.

Nhiều ý kiến cũng chỉ ra, các kiến nghị sau giám sát của Quốc hội chủ yếu mang tính chất khuyến nghị, thiếu cơ chế buộc các cơ quan có liên quan phải thực hiện, dẫn đến nhiều vấn đề đã được chỉ ra trong báo cáo giám sát nhưng không được khắc phục hoặc giải quyết triệt để; thiếu cơ chế xử lý rõ ràng sau giám sát, làm giảm hiệu quả và tác động của hoạt động giám sát…

Thực tế trên đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao hiệu quả, vai trò của hoạt động giám sát. Theo các đại biểu, việc xây dựng chương trình giám sát phải gắn với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn và các vấn đề được dư luận, cử tri, ĐBQH quan tâm. Đại biểu Nguyễn Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) - nhấn mạnh - hiện nay chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Điều này đòi hỏi công tác giám sát và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo. Do đó, một trong những nguyên tắc của giám sát là bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Quan tâm đến tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị cần xem xét, quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương, những vấn đề thực tiễn đặt ra đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển vận động của kinh tế xã hội, những vấn đề nóng hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Đặc biệt, các ĐBQH đánh giá cao Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin từ các cơ quan chuyên ngành như thanh tra, kiểm toán, tư pháp, kiểm toán… phục vụ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. “Điều này nhằm đảm bảo việc liên thông giúp cho ĐBQH cũng như các đoàn giám sát tiết kiệm thời gian, sử dụng hiệu quả các thông tin sẵn có từ các cơ quan; trừ những vấn đề trong quá trình giám sát chúng ta phát hiện thấy cần phải làm rõ hơn thì sẽ yêu cầu và giám sát kỹ hơn” – đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh.

Ràng buộc trách nhiệm trong thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát

Trong hoạt động giám sát, vấn đề được ĐBQH, đại biểu HĐND cũng như cử tri quan tâm nhất hiện nay là việc đảm bảo thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị giám sát, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp mới để thực hiện hiệu quả, tăng cường theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị giám sát.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát từ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Đoàn ĐBQH phải thực hiện đầy đủ kết luận, kiến nghị giám sát. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, các chủ thể giám sát có quyền kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét và quyết định các biện pháp xử lý. “Nếu chỉ đề cập chung chung là xem xét trách nhiệm thì chưa rõ và khó thực hiện. Để đảm bảo có tính ràng buộc thì Luật cần bổ sung rõ ràng hơn các hình thức xử lý vi phạm, chẳng hạn như xử lý về hành chính, bãi nhiệm hoặc quy trình xử lý cao hơn theo từng cấp độ vi phạm của chủ thể chịu sự giám sát” - đại biểu đề xuất.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đề nghị bổ sung quy định về chế tài xử lý trong trường hợp quá thời hạn mà cơ quan, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát hoặc thực hiện không đúng yêu cầu; quy định trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc phản ánh tình hình, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát; tăng cường trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên), để thực hiện tốt kiến nghị sau giám sát, các báo cáo giám sát phải chỉ rõ vấn đề trong các nội dung chính sách, thậm chí có thể ở luật, văn bản dưới luật. Điều này gắn với thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật. Vấn đề này phải được xử lý kỹ, bảo đảm phục vụ đắc lực cho việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng pháp luật./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doi-moi-manh-me-de-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-hoat-dong-giam-sat-37350.html