Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội

LTS: Tại Hội thảo khoa học 'Đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị sau 10 năm tái lập-Thành tựu và kinh nghiệm', nhiều ý kiến, tham luận đã nêu bật thành tựu, kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo cán bộ chính trị (CBCT) cấp phân đội. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến tâm huyết tại hội thảo.

Trung tướng, PGS, TS PHẠM QUỐC TRUNG, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị: Sáng tạo, quyết liệt chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo

Quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thời gian qua, việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo (ĐNNG) được Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường SQCT quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.

Trung tướng, PGS, TS PHẠM QUỐC TRUNG.

Nhà trường tập trung xây dựng ĐNNG “vững về chính trị, sáng về đạo đức, giỏi về chuyên môn”, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong tình hình mới. Đã điều chỉnh tổ chức, cân đối lực lượng, phân công lao động hợp lý để khẩn trương đưa các nhà giáo đi đào tạo ở nhiều trường và đi thực tế ở đơn vị cơ sở với các chức danh khác nhau. Việc chuẩn hóa ĐNNG không chỉ đáp ứng nhu cầu kế thừa, phát triển đội ngũ, hiện đại hóa chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ; mà còn hướng đến xây dựng, hoàn thiện phẩm chất người cán bộ chính trị cấp phân đội trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường. Đến nay, ĐNNG của nhà trường bảo đảm đủ quân số theo biên chế; 100% có trình độ đại học, trong đó hơn 60% có trình độ sau đại học. Số lượng nhà giáo có học hàm, học vị, được nhận các danh hiệu cao quý ngày càng nhiều và trẻ hóa. Nhà trường phấn đấu từ nay đến năm 2020 đạt chuẩn của Bộ GD-ĐT, 100% giảng viên có trình độ sau đại học.

Những năm tới, Trường SQCT tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên (CB, GV) bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, công tác tốt”; xây dựng ý thức, trách nhiệm, ý chí phấn đấu vươn lên, gắn với xây dựng chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Thực hiện nghiêm quy chế tuyển chọn, tạo nguồn phát triển, sử dụng, gắn với điều động, bổ nhiệm, luân chuyển với điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn đào tạo và bồi dưỡng CB, GV kế cận, kế tiếp...

Trong xu thế hội nhập quốc phòng ngày càng sâu rộng, nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ CB, GV có tác phong công tác chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ cần thiết, có khả năng nắm bắt công nghệ đào tạo, nghiên cứu khoa học hiện đại, xu hướng phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức hợp tác, đẩy mạnh hoạt động trao đổi học thuật, tạo cơ hội cho CB, GV tiếp cận các mô hình GD-ĐT tiên tiến, hiện đại. Tăng cường đề xuất gửi CB, GV, nhất là giảng viên trẻ có đủ tiêu chuẩn, năng lực đi đào tạo, thực tập, nghiên cứu ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập trong lĩnh vực GD-ĐT thời kỳ mới. Thường xuyên quan tâm công tác chính sách cán bộ, có cơ chế thu hút, động viên, đãi ngộ xứng đáng để khích lệ CB, GV không ngừng phấn đấu vươn lên; đồng thời, thường xuyên sàng lọc, mạnh dạn thải loại số CB, GV chất lượng thấp, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

TẤN TUÂN (ghi)

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN HÙNG, Chính ủy Quân đoàn 1: Gắn chặt nhà trường với đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Đối với Quân đội ta, sự gắn kết giữa nhà trường với đơn vị trong đào tạo đội ngũ cán bộ nói chung, CBCT cấp phân đội nói riêng là phương châm, đồng thời là một nguyên tắc cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ CBCT có trình độ về chỉ huy, chính trị, chuyên môn kỹ thuật, thực sự "vừa hồng, vừa chuyên". Trong đó, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các học viện, nhà trường quân đội là cơ sở, tiền đề, có ý nghĩa quyết định; còn đơn vị chính là nơi rèn luyện, kiểm chứng để nâng cao chất lượng GD-ĐT cán bộ.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN HÙNG.

Bám sát tinh thần đó, những năm qua, Trường SQCT và Quân đoàn 1 đã có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả trong công tác GD-DT. Sự phối hợp, gắn kết đó được xác định là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, một yêu cầu khách quan trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp những bài học thực tiễn, trực quan sinh động, cập nhật thông tin mới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường. Nhờ giữ vững mối liên hệ giữa hai bên, thời gian qua, đa số học viên tốt nghiệp ra trường về đơn vị, sau từ 1 đến 2 năm đã nắm vững và thực hiện khá tốt các hoạt động CTĐ, CTCT; có bản lĩnh chỉ huy, quản lý đơn vị. Một số cán bộ có khả năng sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, biết sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin trong công tác và giao tiếp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đề bạt, bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn. Theo đó, từ năm 2008 đến nay, có gần 400 CBCT cấp phân đội tốt nghiệp từ Trường SQCT về Quân đoàn 1 công tác; trong đó có 37,4% số CBCT cấp phân đội đã phát triển lên cán bộ tiểu đoàn, phó chủ nhiệm chính trị trung, lữ đoàn, trưởng ban và trợ lý cơ quan sư đoàn, quân đoàn.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa Trường SQCT với Quân đoàn 1 vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là: Việc phân công cán bộ trong công tác kiểm tra, bám nắm cán bộ, giảng viên thực tế, học viên thực tập của nhà trường còn mỏng; chưa mạnh dạn, chủ động trao đổi với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nên chưa có sự định hướng, rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình cán bộ, giảng viên, học viên đi thực tế, thực tập. Một số lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chưa mạnh dạn giao nhiệm vụ trong quản lý, chỉ huy, điều hành đơn vị, tham gia huấn luyện và các hoạt động của đơn vị cho đối tượng đến thực tập, thực tế... Cùng với đó, việc nắm và giải quyết tư tưởng, các vấn đề nảy sinh trong đơn vị chưa chủ động, linh hoạt. Kỹ năng thuyết trình trước tập thể, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống còn hạn chế. Số ít đồng chí trong quá trình đào tạo, rèn luyện sức khỏe chưa tốt nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác của đơn vị... Những hạn chế đó cần quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết triệt để, hiệu quả trong thời gian tới.

NGUYỄN VŨ HIỆP (ghi)

Thiếu tướng LÊ ĐỨC MẠNH, Phó cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị: Đạt nhiều thành tựu quan trọng trong giáo dục-đào tạo

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ CBCT nói chung, CBCT cấp phân đội nói riêng, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCT cấp phân đội. Một trong những chủ trương, giải pháp quan trọng, mang tính đột phá, đó là tách Trường SQCT từ Học viện Chính trị, trở thành một cơ sở GD-ĐT độc lập, chuyên đào tạo CBCT cấp phân đội. Sau 10 năm tái thành lập, Trường SQCT đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong GD-ĐT; khẳng định được vị thế, uy tín trong hệ thống giáo dục của quân đội và quốc gia.

Thiếu tướng LÊ ĐỨC MẠNH.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo CBCT cấp phân đội, Đảng bộ nhà trường cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp đối với công tác này. Trước hết, các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa quan điểm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về GD-ĐT; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTW, ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Công tác GD-ĐT trong tình hình mới”,… Trong đó, cần tập trung lãnh đạo nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình đào tạo CBCT cấp phân đội theo tinh thần Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị, hướng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu đào tạo CBCT cấp phân đội.

Cùng với đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng tuyển chọn nguồn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCT cấp phân đội; ưu tiên coi trọng đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo; đẩy mạnh chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; đảm bảo tốt hơn nữa về cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị dạy học... Ngoài ra, cũng cần sớm ban hành nhiều giải pháp lãnh đạo để khơi dậy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên trong quá trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng.

Để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới, đòi hỏi phải phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ CBCT nói chung, CBCT cấp phân đội nói riêng. Hơn lúc nào hết, đội ngũ CBCT cấp phân đội cần tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; mẫu mực về phẩm chất và năng lực, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT ở đơn vị, góp phần trực tiếp giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Điều đó, khẳng định việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo CBCT cấp phân đội hiện nay là yêu cầu cấp thiết. Cùng với những biện pháp cơ bản trên, cần đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc, toàn diện để có sự điều chỉnh đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước trong quá trình đào tạo. Có như vậy, sản phẩm đào tạo của nhà trường-nhân cách người CBCT cấp phân đội mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới.

NGÔ THANH (ghi)

Đại tá MAI VĂN TIẾN, Phó chủ nhiệm Chính trị, Quân chủng Phòng không - Không quân: Trang bị kiến thức gắn với rèn luyện kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đào tạo CBCT cấp phân đội, nhà trường cần quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, bởi vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của người chủ trì về chính trị tương lai. Theo đó, nội dung đào tạo phải bảo đảm cơ bản, hệ thống, chuyên sâu, sát thực tiễn; thể hiện ở từng chủ đề, môn học, hình thức dạy học, bảo đảm tính cập nhật, hiện đại, thiết thực của hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, phương tiện dạy học gắn sát với yêu cầu phẩm chất, năng lực của cán bộ, chiến sĩ các phân đội; vũ khí, khí tài; trang bị kỹ thuật hiện đại, nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh hiện đại, bảo đảm tính sáng tạo, hiệu quả, sát thực tiễn ở từng chủ đề, môn học, hình thức dạy học. Cùng với rà soát, đổi mới nội dung, cần tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học. Để bảo đảm thực hiện đồng bộ 2 mục tiêu cơ bản của dạy học đại học hiện đại, là trang bị kiến thức và trang bị kỹ năng, phương pháp cho người học, các môn học cần bảo đảm tỷ lệ, thời gian, chất lượng huấn luyện thực hành một cách hợp lý, khoa học. Tăng cường các hình thức dạy học hướng vào bồi dưỡng, phát triển phương pháp tư duy, kỹ năng hoạt động thực tiễn cho người học; tích cực đổi mới phương pháp dạy học bao gồm cả lên lớp lý thuyết, huấn luyện thực hành và tổ chức các hình thức dạy học khác, bảo đảm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Đại tá Mai Văn Tiến.

Hiện nay, trong dạy và học các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung, các môn lý luận Mác-Lênin nói riêng ở các nhà trường quân đội vẫn còn nhiều bất cập. Do mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cùng một lúc phải đáp ứng mục tiêu “kép” (vừa đào tạo theo chức danh, vừa theo bậc học vấn), dẫn đến có nhiều môn học; nếu thực hiện được phương châm “cơ bản, hệ thống” thì lại khó thực hiện được “trọng điểm, thiết thực”, dẫn đến người học nắm nội dung không sâu, không chắc cả về bề rộng và chiều sâu kiến thức.

Vấn đề đặt ra là cần phải hình thành một hệ phương pháp học tập tiên tiến, hiện đại từ chương trình, nội dung đến phương pháp, phương tiện bảo đảm, theo hướng vừa mang tính “cơ bản, hệ thống, trọng điểm, thiết thực”, vừa gắn sát với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị hiện nay. Chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo CBCT phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn; đòi hỏi phải tư duy nhiều hơn, năng động, sáng tạo hơn, gắn kết giữa trang bị, tích lũy kiến thức với rèn luyện kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ một cách thành thạo, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống.

ANH KHÔI (lược ghi)

Thiếu tướng NGÔ KIM ĐỒNG, Chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc: Đánh giá đúng, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả cán bộ

Đội ngũ CBCT cấp phân đội có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; nâng cao chất lượng chính trị và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đối với Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL), trong những năm gần đây, số lượng CBCT cấp phân đội tốt nghiệp ở các học viện, trường sĩ quan được điều động về binh chủng công tác còn ít, chưa đáp ứng đủ số lượng, nhất là chính trị viên phó đại đội.

Thiếu tướng Ngô Kim Đồng.

Hiện nay, CBCT cấp phân đội của binh chủng đạt 80,5%; trong đó, chính trị viên phó đại đội chỉ đạt 43,4% so với biên chế. Năng lực nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên vào thực tiễn đơn vị của một số CBCT cấp phân đội còn hạn chế; công tác giáo dục, tuyên truyền, nắm, quản lý và giải quyết tư tưởng của bộ đội cũng như phương pháp, khả năng vận động thuyết phục hiệu quả chưa cao; do đó kết quả hoạt động CTĐ, CTCT có mặt còn hạn chế. Một số cán bộ chưa tích cực, chủ động, tự giác trong học tập, rèn luyện, vươn lên; chưa yên tâm công tác. Cá biệt, một số ít CBCT cấp đại đội còn vi phạm kỷ luật, vi phạm phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Đối với học viên tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị về Binh chủng TTLL công tác, tuổi đời còn trẻ, mới về đơn vị, bước đầu chưa nắm được đặc điểm, nhiệm vụ bảo đảm TTLL, hệ thống trang bị khí tài thông tin; vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ huy đơn vị còn gặp khó khăn. Với CBCT chuyển loại từ cán bộ quân sự, kỹ thuật, trình độ lý luận và năng lực tiến hành CTĐ, CTCT có hạn chế nhất định, thiên về mệnh lệnh quân sự.

Từ kết quả đạt được về xây dựng đội ngũ CBCT cấp phân đội ở Binh chủng TTLL trong thời gian qua, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm. Trước hết, phải thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ CBCT cấp phân đội. Khắc phục kịp thời nhận thức chưa đúng cho rằng, nhiều CBCT cấp phân đội còn lý thuyết, giáo điều, sách vở, thiếu kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy, điều hành đơn vị..., dẫn đến thiếu tin tưởng khi giao nhiệm vụ. Cần làm tốt công tác lựa chọn nguồn đào tạo để nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ CBCT cấp phân đội. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý chỉ huy, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tiến hành CTĐ, CTCT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, nhận xét, đánh giá gắn với bố trí, sử dụng và thực hiện tốt công tác chính sách cán bộ, chính sách hậu phương gia đình cán bộ để đội ngũ CBCT cấp phân đội yên tâm công tác, gắn bó xây dựng đơn vị.

KHÁNH MINH (ghi)

Thiếu tá NGUYỄN VĨNH HƯNG, học viên Lớp Cao học xây dựng Đảng 4, Hệ 5, Trường Sĩ quan Chính trị: Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng thực hành công tác Đảng, công tác chính trị

Trường SQCT là trung tâm đào tạo CBCT cấp phân đội cho toàn quân. Học viên tốt nghiệp ra trường thường trực tiếp chủ trì tiến hành các hoạt động CTĐ, CTCT ở các phân đội. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với học viên ngay khi học tập tại trường là không chỉ được trang bị một cách đầy đủ, toàn diện những kiến thức cơ bản về chuyên ngành CTĐ, CTCT mà còn phải được bồi dưỡng kỹ năng thực hành các hoạt động CTĐ, CTCT, giúp học viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhiệm được ngay chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Nguyễn Vĩnh Hưng.

Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng thực hành CTĐ, CTCT cho học viên, thời gian qua, nhà trường cùng với các cơ quan chức năng đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm bồi dưỡng kỹ năng này cho học viên. Các khoa giáo viên, đặc biệt là khoa chuyên ngành CTĐ, CTCT tích cực đổi mới nội dung, chương trình, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa thời gian lên lớp lý thuyết với thời gian thực hành. Cơ quan chính trị chủ động phối hợp với đơn vị quản lý học viên tăng cường tổ chức các hoạt động CTĐ, CTCT; các giờ học ngoại khóa nhằm bồi dưỡng tay nghề, giúp học viên có điều kiện tham quan và trực tiếp tham gia thực hành các nội dung hoạt động CTĐ, CTCT.

Tuy nhiên, so với thực tế, thời gian thực hành của học viên còn quá ít (tỷ lệ khoảng 50/50 ở bộ môn công tác tổ chức, công tác tư tưởng-những bộ môn cần nhiều nội dung thực hành nhất). Chất lượng tổ chức các hoạt động ngoại khóa đôi khi chưa cao, số lượng còn ít, mới chỉ tập trung dành thời gian để những học viên có năng khiếu, khả năng trên từng lĩnh vực thực hành. Hình thức có lúc chưa được đổi mới, có nội dung chưa theo kịp với thực tiễn ở các đơn vị cơ sở…, do vậy sau khi tốt nghiệp ra trường, phải trực tiếp tiến hành các nội dung công việc, một số học viên lúng túng, hoặc biết làm, nhưng chất lượng không cao…

Để thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng kỹ năng thực hành CTĐ, CTCT cho học viên đào tạo CBCT cấp phân đội tại nhà trường, theo tôi, cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, chuẩn hóa nội dung, chương trình giảng dạy của môn chuyên ngành CTĐ, CTCT; bảo đảm cân đối phù hợp giữa tỷ lệ thời gian lên lớp lý thuyết và thời gian tập bài cho người học. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý trong xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng thực hành CTĐ, CTCT cho học viên. Kế hoạch phải tập trung vào những khâu yếu, mặt yếu và gắn với việc tổ chức thực hiện các hoạt động CTĐ, CTCT ở đơn vị. Quá trình tổ chức cần thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả, biểu dương, khích lệ kịp thời; đồng thời tích cực uốn nắn, giúp đỡ những điểm còn hạn chế, tồn tại cho học viên...

NGUYỄN THU (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/doi-moi-manh-me-nang-cao-hieu-qua-dao-tao-can-bo-chinh-tri-cap-phan-doi-553997