Đổi mới mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp

Từng bước thành lập mới và đổi mới mô hình hoạt động chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp là yêu cầu cần thiết, không chỉ góp phần khắc phục những khó khăn trong việc tập hợp, sinh hoạt Hội Nông dân (HND) cơ sở mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của hội viên, nông dân (HVND).

 Ao hồ nuôi xen ghép của HVND Phú Lộc

Ao hồ nuôi xen ghép của HVND Phú Lộc

Hiệu quả ban đầu

Ông Văn Viết Nguyên - Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi thủy sản xen ghép Giang Hải khẳng định, việc thành lập tổ hội nghề nghiệp là cần thiết, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của HVND tại địa phương. Những HVND gặp khó khăn về vốn mở rộng quy mô phát triển sản xuất được đề xuất các cấp HND hỗ trợ, cho vay ưu đãi, kịp thời.

Từ hỗ trợ của các cấp HND, mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép ở Giang Hải từng bước phát triển theo định hướng sản xuất “chuỗi giá trị”. Các chi, tổ hội, các HVND có sự hợp tác, cung ứng đầu vào, đầu ra trong quá trình sản xuất. Các loại giống thủy sản thả nuôi được lựa chọn tại cơ sở sản xuất chất lượng, uy tín. Trong quá trình nuôi có sự hỗ trợ, giúp nhau chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu. Sản phẩm sau khi thu hoạch được các lái buôn thu mua với giá ổn định, các hộ nuôi không còn lo đầu ra sản phẩm… Các HVND nuôi thủy sản xen ghép ở Giang Hải có thu nhập bình quân từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/năm.

Chủ tịch HND Phú Lộc - bà Đặng Hoàng Ái Thụy thông tin, sau 5 năm thực hiện chủ trương của Trung ương HND Việt Nam, trên địa bàn huyện Phú Lộc đã thành lập 69 tổ hội nghề nghiệp, 1 chi hội nghề nghiệp. Để chi, tổ hội hoạt động có hiệu quả, các cấp HND trên địa bàn huyện Phú Lộc có nhiều giải pháp định hướng, hỗ trợ tổ hội xây dựng quy chế hoạt động cụ thể trên tinh thần tự nguyện của các thành viên. Qua hoạt động có một số mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp đã ổn định sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả thiết thực. Điển hình như tổ hội nuôi cá chình, tổ hội nuôi cá lóc đầu nhím ở Vinh Mỹ, tổ hội trồng cau cao sản ở Xuân Lộc, tổ hội trồng tràm nguyên liệu ở Lộc Thủy, tổ hội nuôi thủy sản xen ghép ở Giang Hải, tổ hội nuôi cá lồng ở Vinh Hiền và tổ hội sản xuất lúa hữu cơ ở Lộc Sơn.

Hỗ trợ, gỡ khó kịp thời để phát triển

Kết quả hoạt động của các tổ hội nghề nghiệp cho thấy, việc thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp, sản xuất tập trung đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức, phát huy sự sáng tạo và nội lực của HVND. Từ đó giúp HVND có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, giảm thiểu chi phí dịch vụ đầu vào con giống, cây trồng, thức ăn chăn nuôi… nhằm có được giá thành cạnh tranh, ổn định đầu ra sản phẩm, giúp hội viên yên tâm SXKD, tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, theo bà Đặng Hoàng Ái Thụy thì vẫn còn những tồn tại trong xây dựng và hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp. Đó là mô hình chi, tổ hội gắn với tổ hợp tác, hợp tác xã trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương chưa nhiều, sức lan tỏa để nhân rộng mô hình chưa cao. Việc sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, xây dựng và duy trì được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán khó. Kinh phí hỗ trợ cho các chi, tổ hội không có…

Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, thời gian tới, các cấp HND huyện Phú Lộc tập trung tuyên truyền, vận động HVND nhận thức và hiểu rõ, con đường tất yếu của các hộ nông dân là liên kết, hợp tác với nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, có lựa chọn và định hướng đầu tư phát triển sản xuất, tham gia các mô hình liên kết trên địa bàn do tổ chức HND xây dựng.

Bài, ảnh: Thế Nga

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/doi-moi-mo-hinh-chi-to-hoi-nghe-nghiep-145867.html