Đổi mới mô hình tăng trưởng cần đột phá từ khoa học công nghệ

Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam do Tạp chí Tài chính doanh nghiệp tổ chức vào ngày 7/8 với những ý kiến đáng chú ý về thay đổi mô hình tăng trưởng của nước ta đến từ ông PGS. TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đây là quan điểm mang tính định hướng chiến lược lâu dài của Đảng ta về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết này nhằm mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý và hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực và toàn nền kinh tế, đồng thời chuyển biến rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm 2024, với dự đoán tăng trưởng GDP cả năm có thể chạm mốc gần 7%, nhưng mô hình tăng trưởng hiện tại vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, và nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn

PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn

Do đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững toàn diện kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây nên những tác động xấu. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.

Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình tăng trưởng kinh tế thể hiện một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, dựa vào động lực nào và yếu tố nào là chính, cơ cấu có hiện đại hay không, chất lượng hay không chất lượng của tăng trưởng như thế nào. Việt Nam đang hướng tới mô hình tăng trưởng theo chất lượng, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng suất, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững và có chiều sâu.

Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt ở mức trung bình, dù trải qua nhiều biến động địa chính trị trên thế giới, đơn cử như trong dịch COVID-19 vừa qua. Một vài chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô cũng thể hiện tốt như biến động tỷ giá, cán cân thương mại, bội chi ngân sách đều trong tầm kiểm soát của Nhà nước.

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng theo chiều rộng với việc động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp từ vốn và người lao động giá rẻ vẫn chủ yếu, trong khi đóng góp của TFP (Năng suất các nhân tố tổng hợp) vẫn còn hạn chế. Một “điểm trừ” khác của mô hình tăng trưởng tại Việt Nam được các chuyên gia chỉ ra đó là đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, thể chế cho khoa học công nghệ và đổi mới còn bất cập, chưa đột phá, doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho R&D vẫn thấp... Các mô hình tăng trưởng xanh, dựa vào kinh tế tuần hoàn chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng bền vững của quốc gia.

Đóng góp của vốn vẫn chiếm chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam, theo ông Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Đóng góp của vốn vẫn chiếm chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam, theo ông Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, xung đột địa chính trị trên thế giới xảy ra thường xuyên hơn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các xu hướng phát triển kinh tế mới đang nổi lên, đem lại nhiều cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta. Đơn cử như, xu hướng công nghệ mới (Cách mạng 4.0), xanh và số đang nở rộ; toàn cầu háo và hội nhập vẫn tiếp tục được thúc đẩy; các cam kết quốc tế tạo điều kiện (Cam kết Net Zero); nguồn lực cho từ hợp tác quốc tế nhiều (JETP...); dân số đông (tài nguyên số), cơ cấu dân số trẻ, tiếp cận công nghệ tốt (71% người dân dùng internet)...

Bàn về giải pháp, theo ông Tuấn cần dựa nhiều vào các động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ, các mô hình kinh tế bền vững như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế có thể đột phá nhờ đổi mới sáng tạo, càng sáng tạo và quyết liệt thực thi bao nhiêu thì đổi lại, chất lượng tăng trưởng sẽ cao, nền kinh tế sẽ phát triển nhanh và bền vững bấy nhiêu.

Vị Phó giáo sư cũng nhấn mạnh, các chính sách sắp tới không những hướng tới nâng cao hiệu quả của vốn và chất lượng lao động mà còn cần đầu tư thay đổi công nghệ để thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Ông Tuấn cũng nêu ra các giải pháp để tiếp cận hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo. Tạo ra mối liên kết chủ thể trong hệ sinh thái đảm bảo các điều kiện của hệ sinh thái. Song với đó, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá... Sáng tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong huy động nguồn lực, đặc biệt đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước...

Hồng Quang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doi-moi-mo-hinh-tang-truong-can-dot-pha-tu-khoa-hoc-cong-nghe-154398.html