Đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập đối với học viên ở Học viện Chính trị

Diễn tập chỉ huy-cơ quan cấp trung, sư đoàn bộ binh đối với học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch ở Học viện Chính trị có vị trí rất quan trọng trong hệ thống đào tạo cán bộ chính trị binh chủng hợp thành. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các khoa giáo viên, hệ học viên triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng diễn tập, thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho quân đội.

Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự của Quân đội, nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Học viện Chính trị là đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch, giảng viên khoa học xã hội nhân văn; đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đối tượng. Diễn tập chỉ huy-cơ quan cấp trung, sư đoàn bộ binh cho học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình đào tạo, nhằm nâng cao năng lực vận dụng nguyên tắc, lý luận vào lãnh đạo, điều hành, chỉ huy tác chiến, kết hợp rèn luyện thể lực, sức khỏe cho cán bộ, giảng viên, học viên. Thông qua diễn tập, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng.

Nhận thức rõ điều đó, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Chính trị luôn quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 29/NQ-TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 1569-NQ/QUTW, ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”; Quyết định số 505/QĐ-TM của Bộ Tổng Tham mưu ban hành kèm theo Quy định về diễn tập cho học viên trong nhà trường Quân đội. Từ đó Học viện nghiên cứu điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, cương vị, chức trách, sát thực tế công tác, huấn luyện chiến đấu của các cơ quan, đơn vị. Cuối mỗi khóa học, Học viện đều tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan cấp trung, sư đoàn bộ binh.

 Thiếu tướng Phạm Đức Lâm, Phó giám đốc Học viện Chính trị chỉ đạo diễn tập cho học viên trong năm học 2022-2023. Ảnh: TUYÊN HUẤN

Thiếu tướng Phạm Đức Lâm, Phó giám đốc Học viện Chính trị chỉ đạo diễn tập cho học viên trong năm học 2022-2023. Ảnh: TUYÊN HUẤN

Trên cơ sở nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên và kế hoạch diễn tập chỉ huy-cơ quan cấp trung, sư đoàn bộ binh được Giám đốc Học viện Chính trị phê duyệt, các cơ quan, khoa giáo viên, hệ học viên tích cực chuẩn bị nội dung, lực lượng, phương tiện, thao trường diễn tập; chủ động huấn luyện và tổ chức diễn tập cho học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch, giúp người học nâng cao năng lực tư duy và khả năng tổ chức, điều hành tác chiến của người chỉ huy và cơ quan, góp phần quan trọng thực hiện phương châm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với công tác giáo dục, đào tạo trong quân đội được xác định trong Chỉ lệnh số 971/CT-TM ngày 4-12-2020 của Tổng Tham mưu trưởng về công tác quân sự, quốc phòng: "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị".

Trong giai đoạn cách mạng mới, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, yêu cầu huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch đặt ra ngày càng cao. Do đó, việc tổ chức huấn luyện, diễn tập sát thực tế công tác, huấn luyện chiến đấu ở các cơ quan, đơn vị là vấn đề hết sức cần thiết. Để nâng cao chất lượng diễn tập chỉ huy cơ quan cấp trung, sư đoàn bộ binh cho học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Một là, các cơ quan, khoa giáo viên, hệ học viên tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân đội, Học viện về diễn tập chỉ huy-cơ quan cấp trung, sư đoàn bộ binh; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam về công tác huấn luyện, nhất là Nghị quyết số 1569-NQ/QUTW, ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, nhất là trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cơ quan, khoa, hệ đối với công tác huấn luyện, diễn tập. Xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên trong thời bình, cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu cũng như thực hiện mục tiêu đào tạo - nhiệm vụ chính trị trung tâm của Học viện Chính trị. Để đạt được hiệu quả, quá trình triển khai các cơ quan, khoa, hệ chú trọng công tác giáo dục, quán triệt với duy trì, thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp sẵn sàng chiến đấu, tăng cường huấn luyện, luyện tập theo các phương án đã được phê duyệt. Nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, tạo động lực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Lãnh đạo Học viện Chính trị theo dõi học viên diễn tập cuối khóa năm học 2022-2023. Ảnh: TUYÊN HUẤN

Lãnh đạo Học viện Chính trị theo dõi học viên diễn tập cuối khóa năm học 2022-2023. Ảnh: TUYÊN HUẤN

Hai là, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên. Thực hiện nội dung này, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng về mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ diễn tập; chỉ đạo các bộ phận rà soát, xác định những nội dung trọng tâm, khâu yếu để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thiết thực, hiệu quả, bảo đảm công tác chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, cụ thể. Trong đó, học viện luôn coi trọng việc lựa chọn cán bộ, giảng viên tham gia diễn tập, thành lập Ban chỉ đạo diễn tập, các khung đạo diễn, các tổ giúp việc; tiến hành xây dựng kế hoạch điều hành diễn tập, xây dựng tưởng định, đầu bài, đáp án...

Theo chức năng, nhiệm vụ, các khoa chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, chú trọng bồi dưỡng, củng cố lý luận, phương pháp tổ chức diễn tập cho các khung đạo diễn (cán bộ, giảng viên), khung diễn (học viên). Học viện yêu cầu đạo diễn phải nắm chắc quy trình, ý định diễn tập, kế hoạch điều hành, các vấn đề huấn luyện trong diễn tập; phương pháp đạo diễn của người tập, dự kiến các tình huống và cách xử lý theo từng nhiệm vụ chiến đấu trong các hình thức chiến thuật…

Để diễn tập đạt kết quả cao, Học viện chủ động tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện bổ sung cho học viên những nội dung quan trọng, như: Công tác tham mưu, tác chiến tổ chức hành, trú quân dã ngoại, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, trong xây dựng tưởng định chiến thuật, Học viện chú trọng việc thiết kế, lựa chọn các tình huống diễn tập sát với thực tế chiến đấu và cập nhật những vấn đề mới về nghệ thuật quân sự và cách đánh của trung, sư đoàn bộ binh trong tác chiến tiến công, phòng ngự, phù hợp với trình độ của cán bộ, giảng viên, học viên. Trong điều kiện khó khăn về bảo đảm thao trường, Học viện chủ động liên hệ với cấp ủy, chính quyền, địa phương và các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc phối hợp, hiệp đồng để lựa chọn các cung đường cơ động, các khu vực tập trung, tập kết lực lượng. Đến nay, Học viện đã xây dựng được hệ thống văn kiện đồng bộ, với đầu bài tưởng định ở tất cả các hình thức chiến thuật, bảo đảm nội dung diễn tập hằng năm luôn đổi mới, sáng tạo, không bị trùng lặp ở các khóa học.

Ba là, tăng cường ứng dụng các trang thiết bị, phương tiện hiện đại vào diễn tập. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng là một trong những biện pháp cơ bản đưa huấn luyện sát thực tế chiến đấu, góp phần đẩy nhanh quá trình ra quyết định, phù hợp với điều kiện tác chiến hiện đại. Đây là yêu cầu không thể thiếu trong chiến tranh công nghệ cao, nhất là trong điều kiện Cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Vì thế, Học viện luôn coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào quá trình chuẩn bị và thực hành diễn tập, giúp Ban chỉ đạo theo dõi, truyền thông tin xuống các khung tập chính xác, kịp thời, hiệu quả. Thông qua kết nối mạng máy tính nội bộ trong sở chỉ huy diễn tập và hệ thống cầu truyền hình, Ban chỉ đạo trực tiếp điều hành bộ phận phát đáy, tượng trưng tạo giả và các khung tập; nắm chắc diễn biến tình hình và ý định của khung tập trong từng tình huống, để từ đó có những chỉ đạo kịp thời, chính xác.

Trong điều kiện hiện tại, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng cần tập trung vào: Xây dựng hệ thống thu thập và xử lý tác chiến; đánh giá phân loại thông tin, kết luận tình hình các mặt và lưu trữ thông tin phục vụ cho người chỉ huy hạ quyết tâm chiến đấu; từng bước ứng dụng lập phương án tác chiến trên bản đồ kỹ thuật số và sa bàn ảo 3D, nghiên cứu địa hình theo bản đồ 3D, viết vẽ bản đồ trên máy tính; xây dựng phần mềm ứng dụng cho chỉ huy, hiệp đồng, phối hợp và trao đổi dữ liệu trên mạng LAN giữa trung tâm xử lý tin, người chỉ huy với các cơ quan và biện pháp duy trì trong điều kiện địch áp dụng chiến tranh công nghệ cao.

Bốn là, làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, phương pháp diễn tập phù hợp với điều kiện tác chiến mới. Thường xuyên tổng kết thực tiễn diễn tập các cấp để kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh lý luận cho phù hợp với tình hình thực tiễn huấn luyện của Học viện. Mặt khác, đó cũng là cơ sở khoa học và thực tiễn phong phú để củng cố niềm tin của học viên vào nguyên tắc lý luận được trang bị. Vì vậy, trong nghiên cứu tổng kết, rút kinh nghiệm, cần có thái độ khách quan, khoa học và nghiêm túc đối với những ưu điểm, khuyết điểm trong tổ chức diễn tập. Từ đó, kịp thời rút ra kinh nghiệm cho tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo, tổ nội dung và đạo diễn trong những lần diễn tập tiếp theo. Theo đó, Học viện tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ tổ chức huấn luyện, tham gia đạo diễn và chỉ huy diễn tập; chú trọng bồi dưỡng phương pháp, tác phong huấn luyện đội ngũ chiến thuật, công tác tham mưu huấn luyện, trình độ chỉ huy trong điều kiện dã ngoại và thực hành chỉ huy diễn tập chiến thuật theo từng đề mục đảm nhiệm. Mục tiêu mà Học viện đề ra là mỗi cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện, thực hành chỉ huy diễn tập phải “chắc lý thuyết, giỏi thực hành, chỉ huy linh hoạt, sát thực tế chiến đấu’’.

Đại tá, ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU - Chủ nhiệm Bộ môn Quân sự địa phương, Khoa chiến thuật, chiến dịch, Học viện Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/doi-moi-nang-cao-chat-luong-dien-tap-doi-voi-hoc-vien-o-hoc-vien-chinh-tri-753934