Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp chiều 20-11. Ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh phiên họp chiều 20-11. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 20-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Trưởng ban Soạn thảo trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Dự thảo Luật gồm 3 điều, trong đó Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát (gồm 51 khoản); Điều 2 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan (gồm 2 khoản); Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành của Luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Trưởng ban Soạn thảo trình bày Tờ trình. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Trưởng ban Soạn thảo trình bày Tờ trình. Ảnh: quochoi.vn

Mục đích của việc sửa đổi là tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật.

Đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TƯ.

Cùng với đó là bảo đảm tính toàn diện, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; sửa đổi các quy định làm phát sinh khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát.

Bổ sung các quy định mới, hoàn thiện các quy định đã có nhưng chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể và luật hóa các quy định, hướng dẫn trong các văn bản dưới luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được tổ chức thi hành ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là cần thiết, phù hợp, có hiệu quả.

Về những vấn đề còn ý kiến khác, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, tại khoản 1 dự thảo Luật dự kiến bổ sung nguyên tắc trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là phải “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” (tại Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND). Việc bổ sung nguyên tắc nêu trên để thể chế hóa yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ XIII của Đảng và thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường chiều 20-11. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường chiều 20-11. Ảnh: quochoi.vn

Về cách thức quy định, có hai loại ý kiến khác nhau, có ý kiến nhất trí với việc quy định nguyên tắc nêu trên tại một khoản riêng của Điều 3, có ý kiến đề nghị ghép vào khoản 2 của Điều 3. Theo đó, dự thảo Luật xây dựng 2 phương án. Trong đó, phương án 1 bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 3 như sau: “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”.

Phương án 2 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau: “Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát với những lý do được nêu tại Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát), quá trình thảo luận trong Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc việc quy định nội dung này là một nguyên tắc của hoạt động giám sát.

Bởi nguyên tắc của hoạt động giám sát phải là những tư tưởng chủ đạo, yêu cầu cơ bản có tính định hướng, chi phối, xuyên suốt các hoạt động giám sát mà mọi chủ thể phải tuân theo khi tiến hành hoạt động giám sát. Nội dung mới bổ sung thực chất là một trong những mục tiêu hướng đến của hoạt động giám sát, thường gắn với kết quả của hoạt động giám sát và không phải tất cả các hoạt động giám sát đều đáp ứng mục tiêu này.

Quy định nội dung này như một nguyên tắc tại Điều 3 là không đồng bộ với các nguyên tắc khác đang được quy định tại Điều này cũng như chưa phù hợp với nội hàm của khái niệm giám sát được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật hiện hành.

“Trường hợp bổ sung nội dung nêu trên là một nguyên tắc của hoạt động giám sát thì trong các quy định có liên quan của Luật cũng cần bổ sung làm rõ phương thức thực hiện, bảo đảm áp dụng khả thi…”, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Loại ý kiến thứ hai tán thành việc bổ sung nguyên tắc mới như đề xuất trong dự thảo Luật để thể hiện mối quan hệ giữa hoạt động giám sát với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Đồng thời, bảo đảm cụ thể hóa yêu cầu, kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện nội dung và thể hiện nguyên tắc này tại Điều 3 của dự thảo Luật như một nguyên tắc độc lập.

Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề sau đây: Về phạm vi sửa đổi, bổ sung; về 4 vấn đề còn có ý kiến khác nhau nêu tại Mục VI của Tờ trình số 1011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Mục II Báo cáo thẩm tra đầy đủ của Ủy ban Pháp luật; về một số nội dung cụ thể nêu tại Mục III Báo cáo thẩm tra và các vấn đề khác mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doi-moi-nang-cao-chat-luong-hieu-luc-hieu-qua-hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi-va-hdnd-685063.html