Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước
Bộ Tài chính rà soát, tổng kết thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới.
Đó là chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 161/NQ-CP ban hành ngày 29/10/2020 về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nức (DNNN).
Trong gần một năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các DN và người dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, khẩn trương, kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành quy định tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có DN nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.
Với các chỉ đạo quyết liệt đó và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, DN, công tác sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực.
Để nâng cao hiệu quả, đổi mới hoạt động của DNNN, tại Nghị quyết số 161/NQ-CP Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của DNNN.
Cụ thể, Bộ Tài chính rà soát, tổng kết thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại DNNN giai đoạn tới; Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao ban hành các quy định sửa đổi bổ sung Luật Phá sản liên quan đến DNNN; Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động của DNNN; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát, sửa đổi Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH; Bộ Nội vụ: Thực hiện tách người quản lý DNNN khỏi chế độ công chức, viên chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch...
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương cần phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn là đầu tầu cho phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển bền vững, đồng bộ; thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, tạo cơ sở phát triển mô hình tổ chức lãnh thổ, tổ chức sản xuất kinh doanh mới; hình thành các cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên thông.
Các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm bất cập làm cản trở DN phát triển; phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy; xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới...
Đối với DNNN, Chính phủ yêu cầu các DN trong các lĩnh vực điện lực, lương thực, viễn thông, quốc phòng, an ninh và một số DN phúc lợi phục vụ nhân dân, Nhà nước phải nắm cổ phần. Tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Ðảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình cơ cấu lại DNNN; quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong DNNN khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với đó, cần nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phẩn hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.