Đổi mới, 'nâng chất' công tác thông tin, tuyên truyền lĩnh vực tài chính
Ngày 29/9/2023, Khối thi đua 2 – Đơn vị sự nghiệp Bộ Tài chính (Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Thời báo Tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Nhà Xuất bản Tài chính, Nhà nghỉ Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực tài chính.
Ông Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính; ông Phạm Thu Phong – Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam; ông Phạm Văn Hoành – Tổng biên tập Tạp chí Tài chính và ông Phan Ngọc Chính – Giám đốc Nhà xuất bản Tài chính chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có đại diện Đảng ủy Bộ Tài chính, Công đoàn Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ Tài chính, Viện Nghiên cứu Hải quan cùng các cán bộ, viên chức, phóng viên, biên tập viên của Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, các cơ quan báo chí ngành Tài chính.
Tuyên truyền kịp thời, hiệu quả cơ chế, chính sách tài chính
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Thu Phong – Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền của trong lĩnh vực tài chính đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra yêu cầu cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao hoạt động của các cơ quan báo chí nói chung và báo chí ngành Tài chính nói riêng.
Do đó, Hội thảo cần tập trung thảo luận, trao đổi đề ra những giải pháp để các cơ quan báo chí, xuất bản ngành Tài chính quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Ngành.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Nga – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, hằng năm, Viện đã tích cực, chủ động tuyên truyền, bám sát theo Kế hoạch tuyên truyền của Bộ, với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như trên các ấn phẩm xuất bản định kỳ của Viện; thông qua các bài viết trên các báo, tạp chí trong và ngoài ngành Tài chính; tổ chức, viết bài hội thảo...
Các nội dung tuyên truyền đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ…, tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực tài chính ngân sách và phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Đồng thời, kiến nghị giải pháp và định hướng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính như: Thuế tối thiểu toàn cầu; lạm phát và biện pháp kiểm soát lạm phát; phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ; mua sắm công xanh; giải pháp liên quan đến vấn đề nợ công hiệu quả và bền vững...
Đại điện Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Đậu Huy Sáu – Phó Tổng biên tập cho rằng, các cơ quan báo chí ngành Tài chính luôn nâng cao tính chủ động và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong công tác thông tin, tuyên truyền. Cơ quan báo chí đã kịp thời đăng tải đầy đủ các thông tin về cơ chế chính sách tài chính được dư luận xã hội quan tâm và các hoạt động của ngành Tài chính bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả..., góp phần đưa các chủ trương, quyết sách của Đảng, của Quốc hội, chính sách, pháp luật về tài chính ngân sách vào thực tiễn cuộc sống, cùng với toàn ngành Tài chính tham gia giải quyết những vấn đề phát sinh trong điều hành nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước.
Theo Phó Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Đậu Huy Sáu, để ứng phó với các thách thức trong bối cảnh Cách mạnh công nghiệp 4.0, hoạt động truyền thông của ngành Tài chính cần đổi mới về nội dung và hình thức để đạt hiệu quả tốt nhất, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi quan điểm, hành vi của công chúng khi tiếp cận các dịch vụ tài chính, từ đó góp phần giảm thiểu rủi ro đối với người dân và doanh nghiệp.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Đỗ Văn Hải – Phó Tổng biên tập Tạp chí Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính và nhiệm vụ chính trị được giao, trong thời gian qua, Tạp chí đã tổ chức xuất bản các ấn phẩm thường kỳ nhằm làm tốt công tác thông tin tuyên truyền lĩnh vực tài chính - ngân sách. Ra đời cách đây tròn 60 năm, Tạp chí Tài chính in tiếng Việt đã khẳng định vị thế là Tạp chí khoa học, chuyên về thông tin lý luận và nghiệp vụ kinh tế - tài chính Việt Nam và quốc tế.
Các số Tạp chí in phát hành đều nhận được sự đánh giá tích cực của đông đảo độc giả, được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các giảng viên, học viên... tham khảo, trích dẫn vào công trình nghiên cứu. Qua đó, góp phần lan tỏa, tuyên truyền cơ chế chính sách tài chính - kinh tế một cách sâu rộng trong xã hội.
Cùng với Tạp chí in, Tạp chí Tài chính điện tử đã đăng tải tin bài nhanh, kịp thời phản ánh các vấn đề thời sự kinh tế xã hội; tuyên truyền, phản biện các chủ trương, chính sách về lĩnh vực tài chính, góp phần tạo sự đồng thuận, nhanh chóng đưa các chính sách đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của Bộ Tài chính, thu hút được sự quan tâm của độc giả. Đặc biệt, nhằm phù hợp với xu thế phát triển của thời đại công nghệ số, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của độc giả, kịp thời tuyên truyền về các hoạt động của ngành Tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền về lĩnh vực tài chính, Tạp chí Tài chính điện tử đã không ngừng nâng cấp về công nghệ, cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức.
Về phía Nhà Xuất bản Tài chính, ông Phan Ngọc Chính – Giám đốc Nhà Xuất bản cho biết, Nhà Xuất bản đã bám sát các chương trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật của Ngành, Chính phủ, Quốc hội liên quan đến công tác tài chính để kịp thời xuất bản các ấn phẩm hệ thống hóa, chi tiết hóa, giải đáp nghiệp vụ nhằm giúp các đối tượng độc giả là người làm tài chính các cấp kịp thời nắm bắt được pháp luật mới về tài chính.
Nhà Xuất bản đã cho ra đời các xuất bản phẩm tốt về nội dung, không có sai sót, khẳng định vị trí của cơ quan xuất bản duy nhất của ngành Tài chính. Đồng thời, đã thực hiện số hóa hàng trăm ấn phẩm sách lịch sử - truyền thống, sách pháp luật - nghiệp vụ, phục vụ nhu cầu đọc, tra cứu thông tin, tư liệu, nghiệp vụ về tài chính của công chúng trên internet, phù hợp với xu thế xuất bản điện tử.
Đổi mới để đóng góp hiệu quả hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành
Theo ông Hoành Minh Tuấn – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh công tác chuyên môn, góp phần quan trọng giúp ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh truyền thông hiện đại, nhu cầu tiếp cận thông tin và phản biện thông tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và dư luận xã hội ngày càng cao, đòi hỏi thông tin tuyên truyền lĩnh vực tài chính cần tiếp tục được nâng cao để thích ứng và đóng góp hiệu quả hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ của ngành Tài chính.
Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất vai trò quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền trong hoạt động chung của ngành Tài chính. Các đại biểu đều cho rằng, trong giai đoạn tới, công tác thông tin tuyên truyền ngành Tài chính cần hướng tới các nội dung được dư luận quan tâm, các kiến thức chuyên sâu về kinh tế - tài chính. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông số, ứng dụng các xu hướng truyền thông hiện đại hướng đến cung cấp thông tin chính sách kịp thời, đầy đủ đến cộng đồng.
Đặc biệt, để đưa các chủ trương, chính sách của ngành Tài chính đến với công chúng, tạo sự đồng thuận trong dư luận, không chỉ có vai trò của các cơ quan báo chí mà cần phải tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong và ngoài Ngành Tài chính.
Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, Hội thảo đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra ban đầu, là một trong các hoạt động thi đua của Khối thi đua số 2 hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm xây dựng và phát triển của ngành Tài chính. Đây cũng là sự kiện đặt nền móng cho công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ nói chung và các đơn vị trong Khối thi đua số 2 nói riêng. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp những kết quả đạt được, những hạn chế vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo để báo cáo Bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tuyên truyền của Bộ Tài chính trong thời gian tới.