Đổi mới ở Quan Sơn
Đường lên Quan Sơn hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Chẳng còn cảm giác 'ổ voi', 'ổ trâu', khúc quanh tay áo như xưa. Đoàn các nhà văn Thanh Hóa háo hức vượt nắng, gió, 'tây tiến' tới miền biên viễn ấy để vui mừng chứng kiến đời sống nông thôn nơi đây đang đổi mới, được hòa mình trong tiếng nhạc rừng du dương của những cánh rừng luồng bao la, chiêm ngắm một 'thiên đường' rực rỡ trong lòng động Bo Cúng, nghe người dân kể chuyện tình Pha Dùa, lễ hội Mường Xia và ngẩn ngơ trước một đồi lá hoa kỳ ảo dưới nắng chiều soi bóng xuống dòng sông Luồng, sông Lò nước trong văn vắt mà chỉ Quan Sơn mới riêng có.
Trường mầm non Mường Mìn (Quan Sơn).
Chị Hà Thị Mai, Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Sơn giới thiệu chúng tôi tới gặp anh Lê Thế Anh, Chánh Văn phòng Huyện ủy Quan Sơn. Tại đây, chúng tôi được biết những thông tin ban đầu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Năm 2018 là năm toàn bộ 24/24 chỉ tiêu đề ra của huyện đã hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tính riêng quý I năm 2019, thực hiện nghị quyết của đảng bộ huyện, bà con nhân dân toàn huyện đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân là 4.506 ha. Tổng đàn gia súc trên 50.000 con, gia cầm phát triển ổn định trên 100.000 con. Công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR được chỉ đạo thực hiện tốt nên không có vụ cháy rừng nào xảy ra, đã bảo vệ được 50.550 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh được 821,9 ha; tập huấn tuyên truyền BVR và PCCCR với 72 lớp và 1.945 lượt người tham gia; trồng cây phân tán được 8.960 cây. Xây dựng nông thôn mới (NTM) thường xuyên được quan tâm, với 15 bản và 1 xã đăng ký về đích đạt chuẩn NTM trong năm 2019. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt trên 64,330 tỷ đồng… Các mặt y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được đảm bảo; công tác dạy và học luôn được chú trọng, nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở các cấp học.
Chúng tôi tới bản Ngàm, xã Sơn Điện, trong cái nắng mùa hè bỏng rát bởi những cơn gió Lào thổi sàn sạt trên những thảm luồng xanh mướt. Bản Ngàm hiện ra trước mắt chúng tôi xinh đẹp với 75 hộ gia đình của 370 nhân khẩu. Anh Lương Văn Duẩn, một trưởng bản trẻ trung và năng động, rất được bà con ở đây quý mến, ra đón chúng tôi và giới thiệu với chủ căn nhà sàn số 26. Căn nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của hộ gia đình anh Lò Văn Toán. Thấy tôi dừng lại lâu hơn để nhìn vào tấm biển xanh đề tên chủ hộ số nhà 26 gắn ở chân cầu thang. Anh Toán giải thích, đây là biển gắn cho những hộ gia đình đủ điều kiện làm du lịch sinh thái. Nhà anh là một trong 20 hộ gia đình của bản Ngàm được xã Sơn Điện cho gắn biển để đón khách du lịch. Căn nhà sàn năm gian, hai chái và nhiều cửa sổ trổ ra trước sân với những vạt hoa tử đàm tim tím, hút mắt người nhìn. Ở giữa các gian có vách ngăn như những căn buồng riêng biệt có đầy đủ chăn, đệm, màn gấp gọn gàng, sạch sẽ. Đặc biệt là sóng điện thoại, sóng wifi đầy ngập. Chả thế mà nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã loay hoay “tự sướng” một kiểu oai vệ như chủ nhà ngồi bên cửa sổ, với đôi mắt đeo kính dày cộp nhìn lên đỉnh núi xa xăm như có vẻ nhớ thằng cháu ngoại đang tu nghiệp ở nước ngoài. Thế rồi ông chấm một nhát, hình ông đã bắn lên trời mây, ông cười khà khà khoe: “Thằng cháu ngoại thấy ông rồi, thích thật,… Hắn mong ông già rồi nên giữ gìn sức khỏe, chớ có mạo hiểm với rừng thiêng, nước độc… Cái thằng… chưa được đi thực tế huyện Quan Sơn nhiều như ông nên hắn chả biết chi. Chốc nữa tớ phải ra tắm ở cái vòi có nóng lạnh, giặt nhờ ở cái máy giặt của nhà chủ rồi ra suối đi bè, bắt cá, chụp hình, cho hắn biết rừng thiêng, nước độc, giờ nông thôn mới miền núi oách ra sao…khà …khà. Có mà lại mê tít thò lò nơi này ấy chứ…”.
Trưa! Giấc ngủ giữa rừng trên căn nhà sàn tưởng khiến ai cũng khó ngủ, nhưng có vẻ chỉ tôi và ông chủ nhà còn thức, bởi tôi đã nghe tiếng khèn ông chủ cất lên ngoài gian hành lang. Tôi rón rén bước ra. Ông dừng tiếng khèn, rót từ trong ống luồng cháy sém ra cho tôi một cốc nước lam: “Chị mời nước, uống nước lam rất mát và thơm”. Tôi tặng gia đình ông một tập thơ, ông rất thích rồi đọc cho tôi nghe mấy câu thơ ông sáng tác ngợi ca bản mình:
“Ai về Sơn Điện quê tôi
Luồng xanh phủ khắp núi đồi mến yêu
Con sông cá lượn rất nhiều
Tiếng khèn, Khua Luống phiêu diêu cõi lòng
Bản Ngàm chín nhớ mười mong
Ai về ăn bát cơm lam thì về… ”.
Qua câu chuyện, tôi được biết: Anh Toán sinh năm 1958, anh vốn là giáo viên dạy lớp 2, anh mới được về hưu năm 2018. Tuy nhiên, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ trên trường, năm 2003, anh cùng gia đình nhận quản lý và trồng 12 ha luồng, 5 sào lúa, 1.000 mét vuông ao thả cá. Vừa qua, anh còn hiến hơn 600 mét đất cho bản làm nhà văn hóa bản Ngàm. Nhờ vào khai tác cây luồng mà gia đình anh sắm được cả xe ô tô chở vật tư luồng, nứa, có 4 máy tuốt tăm, tổng trị giá đầu tư sản xuất tới 500 triệu đồng. Gia đình anh tạo việc làm cho 10 nhân công có thu nhập mỗi ngày từ 250.000 đồng - 300.000 đồng trong việc lên rừng khai thác luồng, vầu, vận chuyển xuống nơi tập kết, hoặc chế biến thành nan thanh bán cho đầu nậu thu mua từ tỉnh Hà Tây tới. Trừ đi tất cả các chi phí, mỗi năm gia đình anh để ra lãi ròng trên 100 triệu đồng. Bản của anh có hơn mười hộ có diện tích rừng lớn. Dân trong bản kinh tế đều khá, nhờ có cây luồng nên họ không thiếu việc làm.
Bữa cơm tối do chủ nhà nấu với các món ẩm thực độc đáo của vùng miền gồm cá suối nướng với lá rừng, chấm chẻo sả; thịt lợn nướng nóng giòn chấm muối dầm hạt mắc khẻn, thịt gà rang sả, canh đắng, rau má, rau bồ công anh, măng đọt quấn với lá đu đủ chấm muối vừng vừa ngọt, vừa đắng rất hấp dẫn. Đặc biệt món canh xương nấu với ruột chuối ăn rất mát.
Khi con gà rừng gáy le ke té một hồi là đồng hồ chỉ 5 giờ sáng của ngày hôm sau. Chúng tôi chuẩn bị lên đường tới xã Sơn Thủy để dâng hương tri ân tướng quân Tư Mã Hai Đào và thăm động Bo Cúng. Chúng tôi được anh Lương Văn Đào, cán bộ văn hóa xã Sơn Điện và anh Hoàng Văn Diệp, cán bộ văn hóa xã Sơn Thủy đồng hành cùng. Đoàn chúng tôi dừng lại ở chân núi Pha Dùa chụp ảnh lưu niệm rồi tới dâng hương đền thờ tướng quan Tư Mã Hai Đào, chợt nhớ câu thơ dân gian từng ca ngợi chiến công đánh giặc và khí phách của ông:
“Hai Đào nhảy lên lưng voi ngà vàng
Cờ phất tung chỉ vàng rực rỡ
Súng uy hiếp, giáo gươm lấp lánh như sao
Dao quắm, câu liêm cán dài tăm tắp…”.
Động Bo Cúng nằm trên địa bàn bản Chanh, con suối Xịa nằm vắt ngang qua cửa động, nước trong leo lẻo, càng tôn thêm vẻ đẹp thơ mộng cho nơi đây. Bên phải cạnh lối vào động có hai hòn đá tròn, màu vàng gạch cua nằm cạnh nhau tựa hòn chồng, hòn vợ rất hữu tình. Trời bên ngoài nóng bao nhiêu, bước vào cửa động chẳng khác nào bước vào cái tủ đá khổng lồ. Ai cũng òa lên, đây chính là chốn thiên đường còn nguyên nét hoang sơ mà tạo hóa ngàn trùng năm trước biển tiến, biển lui tạo tác nên. Chúng ta không thể so sánh vẻ đẹp nơi đây với một hang động khác bởi mỗi nơi một vẻ. Động Bo Cúng với chiều dài hơn một km và lòng động rộng có chỗ tới trên ba mươi mét, chia làm ba khoang rõ ràng. Trong trí tưởng tượng của tôi khi nhìn ngắm các nhũ đá thấy hiện lên chỗ này có đàn tiên cô đang tắm, chỗ kia lũ voi đang chúc vòi uống nước. Nơi thì con đại bàng hóa hổ đang gào thét bởi hình dạng đổi thay với những núi vàng, núi bạc hiện ra trước mắt...
Tới huyện Quan Sơn mà không lên thăm các chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, giáp Lào, là điều đáng tiếc. Cuối cùng thì đoàn chúng tôi cũng có mặt, được Đại úy Lê Ngọc Đông, Chính trị viên phó và Thiếu tá Hà Văn Minh, đồn phó Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo đưa đi thăm cột mốc biên giới. Đứng giữa nắng tràn và gió lộng, nhìn quay về đất mẹ mới thấy quê hương ta đẹp biết nhường nào. Non xanh thanh bình ấy có công đóng góp không nhỏ của các chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Đoàn chúng tôi đã tặng sách cho các chiến sỹ và nói lời chia tay lưu luyến với họ trước khi xuống chợ Na Mèo để được hòa mình trong không khí buổi chợ vùng cao.
Trên đường trở về thành phố, đoàn chúng tôi thu vào tâm trí mình từng vùng đất, ngọn núi, dòng sông, từng gương mặt, giọng nói của người Quan Sơn với bao cánh rừng luồng, vầu, trùng điệp bên con sông Luồng, sông Lò ngày đêm thao thiết chảy. Những thửa ruộng bậc thang bên nếp nhà sàn bình yên với dải khói lam chiều, những ngôi trường cao tầng khang trang nép mình dưới tràng lá xanh, và đâu đó thấp thoáng bóng những cô gái mặc váy thổ cẩm địu con xuống chợ đã đọng lại tâm trí chúng tôi trong chuyến công tác lần này thật sâu đậm. Chúng tôi tin, với những tiềm năng, thế mạnh về lâm, nông, thủy sản và con đường phát triển du lịch sinh thái đang rộng mở, huyện Quan Sơn tiếp tục sẽ tiến xa hơn nữa trong thời gian tới, là địa chỉ để du khách gần xa tới đây mà dụng hưởng những nét văn hóa nguyên sơ, cảnh đẹp của thiên nhiên và một miền khua luống đắm say trong lễ hội Mường Xia lộng lẫy mỗi độ xuân về.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/doi-moi-o-quan-son/102552.htm