Đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử trong trường THPT

Từ năm học 2022- 2023, môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong chương trình THPT. Trong khi đó, mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra dự kiến và đang được nghiên cứu, xin ý kiến các chuyên gia về việc sẽ đưa môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc khi xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Giờ học môn Lịch sử theo phương pháp mới tại Trường THPT Nho Quan A.

Giờ học môn Lịch sử theo phương pháp mới tại Trường THPT Nho Quan A.

Mặc dù mới là dự kiến, song nhiều nhà trường và học sinh tỏ ra khá đồng tình, cho rằng đây là cơ hội song cũng là thách thức đối với các thầy, cô giáo và các em học sinh nhằm trau dồi tình yêu lịch sử cho các thế hệ học sinh, theo lời nói của Bác Hồ "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Theo đại diện các nhà trường, hiện nay, cùng với nhiều môn học khác, môn Lịch sử đã và đang dần thu hút được sự quan tâm, yêu thích của học sinh. Để môn học này ngày càng hấp dẫn hơn, không trở thành môn học bắt buộc đầy "sợ hãi" của học sinh, ngoài đổi mới chương trình sách giáo khoa, cần sự đột phá trong phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Tại Trường THPT Nho Quan A, một tiết học Lịch sử của cô và trò nhà trường đã có nhiều thay đổi. Không còn là phương pháp dạy và học truyền thống theo kiểu cô viết trên bảng hoặc đọc trong sách giáo khoa, học sinh chỉ biết ghi chép lại bài, mà lớp học được chia thành nhiều nhóm nhỏ, cùng trao đổi, thảo luận, cử đại diện lên thuyết trình cho nội dung của nhóm mình. Phương pháp học này giúp học sinh cảm thấy môn Lịch sử với những dấu mốc thời gian, những con số, địa danh... không còn khô khan, khó hiểu, mà đã phát huy sự chủ động, tự tin và sức sáng tạo trong các em.

Em Hoàng Hà Tú Uyên, học sinh lớp 10N, Trường THPT Nho Quan A cho biết: Với phương pháp học được đổi mới như thế này, bắt buộc bạn nào cũng phải tư duy, đóng góp ý kiến, thảo luận đi đến thống nhất chung vấn đề để trình bày, báo cáo lại cho giáo viên. Phương pháp học này giúp chúng em hiểu bài và có kết quả học tập tốt hơn. Cùng với đó, có sự hỗ trợ của Internet, các công cụ hỗ trợ như máy tính, màn hình ti vi, máy chiếu, giáo viên còn sử dụng những clip liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử để trình chiếu, từ đó giúp chúng em có thể dễ nhớ, dễ hiểu hơn về nội dung bài học.

Cô giáo Đinh Thị Phương, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Nho Quan A cho biết: Lịch sử là môn học có nhiều sự kiện mốc thời gian. Trong khi nội dung, hình ảnh trong sách giáo khoa chưa thực sự bắt mắt và không thể hiện được nhiều kiến thức cần truyền đạt. Nên trong quá trình giảng dạy, tùy vào nội dung bài học, giáo viên khai thác nguồn học liệu, thông tin trên mạng từ những nguồn chính thống để kết hợp truyền đạt bằng hình ảnh qua sử dụng video, phim tài liệu, có điều kiện hơn là tổ chức đi học tập, trải nghiệm thực tế, qua đó tạo hứng thú học tập cho các em... Cùng với đó, mỗi giáo viên bộ môn cũng cần tự nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Giờ học Lịch sử theo hình thức trao đổi nhóm tại Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa môn Lịch sử là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2025, tức là năm mà các em học sinh hiện đang học lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng, có khá nhiều học sinh và giáo viên ủng hộ. Nhưng cho rằng, cần đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng nhiều đến hình thức trực quan sinh động và trải nghiệm thực tế, để môn học bớt khô khan, cứng nhắc và học sinh không bị nhàm chán.

Cô giáo Lê Thị Khánh, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình cho biết: Giảng dạy môn Lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi được tập huấn để thay đổi phương pháp truyền đạt. Trong đó tăng cường các hoạt động nhóm theo nhiều hình thức: nhóm nhỏ, nhóm lớn, theo cặp đôi...để các em trình bày ý tưởng, nhận định của mình, hiểu bài để nhớ chứ không học thuộc máy móc. Sau một thời gian dạy học theo phương pháp mới cho thấy sự thoải mái cho học sinh khi tiếp thu kiến thức, hướng học sinh vào những hoạt động cụ thể để phát huy năng lực, sự tự chủ của các em... Theo quan điểm của tôi, môn Lịch sử rất cần thiết, ít nhiều giúp các em trân trọng những giá trị mà ông cha để lại.

Em Đinh Thị Thu Phương, học sinh lớp 10C, Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình cho biết: Em thấy rằng việc đưa môn Lịch sử trở thành một môn học bắt buộc cũng có những cái tốt mặc dù chắc chắn sẽ có những khó khăn bước đầu. Trong đó cần thiết hơn cả là phương pháp truyền đạt để em và các bạn không cảm thấy "sợ" môn học. Hiện các thầy, cô giáo đã giảng dạy theo phương pháp mới, không cần nhớ y nguyên những gì sách giáo khoa đề cập, mà chỉ cần hiểu bản chất vấn đề. Khi hiểu rồi thì có thể diễn đạt lại theo ý mình, như vậy sẽ không tạo áp lực cho học sinh.

Từ năm học 2022-2023, học sinh vào lớp 10 được học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Cùng với đó là các môn học lựa chọn theo 3 nhóm: Nhóm Khoa học xã hội, gồm 3 môn là Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý; nhóm Khoa học tự nhiên, gồm các môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học và nhóm Công nghệ và nghệ thuật, gồm các môn như Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Hiện nay, môn Lịch sử đã trở thành môn bắt buộc trong chương trình GDPT mới và dự kiến đưa thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vào năm 2025. Tuy nhiên, theo nhiều người, thay vì các ý kiến tranh cãi nên đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc hay lựa chọn, ngành Giáo dục cần đổi mới về nội dung, hình thức trong sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, chương trình học tập..., để môn học này hấp dẫn hơn, giúp học sinh tự giác, hào hứng trong học tập, không để trở thành "gánh nặng" khi học và đối phó trong thi cử.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doi-moi-phuong-phap-day-va-hoc-mon-lich-su-trong-truong/d20230305165519255.htm