Đổi mới phương thức hoạt động để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh

95 năm lớn mạnh cùng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn tỉnh Hòa Bình không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành nghề, thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong phát triển KT-XH của tỉnh. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh.

95 năm lớn mạnh cùng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn tỉnh Hòa Bình không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành nghề, thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong phát triển KT-XH của tỉnh. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh.

Đội ngũ công nhân lao động Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam Hòa Bình (khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn) tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh. Ảnh: P.V

Đội ngũ công nhân lao động Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam Hòa Bình (khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn) tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh. Ảnh: P.V

P.V: Xin đồng chí cho biết về sự lớn mạnh của Công đoàn Hòa Bình hiện nay và những đóng góp của hoạt động Công đoàn trong sự phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương: Toàn tỉnh hiện có gần 78.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó có 64.000 đoàn viên trực thuộc LĐLĐ tỉnh quản lý tại 1.060 công đoàn cơ sở (CĐCS). Trong đó, khu vực hành chính Nhà nước có 827 đơn vị; khu vực sản xuất- kinh doanh 233 đơn vị. Đội ngũ CNVCLĐ tăng nhanh về số lượng, chất lượng được nâng lên nhiều mặt và ngày một trẻ hóa; đồng thời phát huy vai trò nòng cốt trong tiếp thu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, là lực lượng đi đầu thúc đẩy phát triển KT-XH, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; doanh thu của DN đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định KT-XH, đóng góp trên 60% vào GRDP của tỉnh. Hàng năm các DN, hợp tác xã đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách của tỉnh. Các DN mới được thành lập đã chủ động huy động thêm nguồn vốn, mở rộng lĩnh vực kinh doanh, đóng góp ngày càng lớn vào phát triển KT-XH của tỉnh. Các dự án đầu tư đã bổ sung nguồn vốn quan trọng, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, góp phần cải thiện nguồn nhân lực, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

LĐLĐ tỉnh ban hành Kế hoạch số 46/KH-LĐLĐ, ngày 29/12/2023 về phát động phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước năm 2024 và chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) tới các cấp công đoàn. Nội dung phát động PTTĐ gắn với chủ đề hoạt động của năm "Đổi mới, sáng tạo, thi đua đưa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vào cuộc sống, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam”. Thông qua các PTTĐ đã có trên 3.200 sáng kiến của cán bộ, CNVCLĐ được ghi nhận ứng dụng vào thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh.

P.V: Thưa đồng chí, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tế hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh đứng trước những khó khăn, thách thức đặt ra. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái ít nhiều đã tác động đến thu nhập, đời sống của CNLĐ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động công đoàn tại các DN. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 4.000 DN với khoảng 34.000 CNLĐ. Các DN đều có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ; mới có 231 DN thành lập tổ chức công đoàn, chiếm khoảng 6% tổng số DN toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 174/231 DN có tổ chức công đoàn đã hoàn thành ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa chủ sử dụng lao động và người lao động (NLĐ).

Thực tiễn cho thấy, hiện nay, một số DN chủ yếu tập trung sản xuất - kinh doanh, chưa quan tâm hoạt động công đoàn tại đơn vị. Nhiều chủ DN chưa nắm bắt đầy đủ Luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản quy định của Nhà nước đối với NLĐ. Phần lớn DN chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể nên thiếu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay đó là tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ CĐCS có năng lực, kinh nghiệm và nhiệt tình trong công tác công đoàn. Tại các DN, đội ngũ cán bộ công đoàn phần lớn là kiêm nhiệm, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm công tác công đoàn. Do không được đào tạo chuyên sâu nên chưa phát huy được chức trách, nhiệm vụ là cầu nối giữa DN và người lao động. Ngoài ra, tình trạng thay đổi cán bộ công đoàn chủ chốt đã gây xáo trộn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động công đoàn tại các đơn vị.

P.V: Để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn yêu cầu quan trọng đặt ra đó là phải đổi mới phương thức hoạt động. Công đoàn Hòa Bình sẽ thực hiện việc đổi mới phương thức hoạt động như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ trong thời gian tới, các cấp Công đoàn Hòa Bình cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động và NLĐ về vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Thứ ba, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với đa dạng hoạt động thiết thực hướng về cơ sở; thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ CĐCS, nhất là cán bộ CĐCS khu vực sản xuất - kinh doanh.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong DN, đặc biệt đối với DN ngoài khu vực nhà nước.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh các PTTĐ yêu nước trong CNVCLĐ lập thành tích chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, trọng tâm là PTTĐ "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, "Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” và "Năng suất cao, chất lượng tốt”; PTTĐ "Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động” và phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”…

Phát huy những kết quả đã đạt được, Công đoàn tỉnh Hòa Bình quyết tâm vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đề ra. Xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

Đức Anh (Thực hiện)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/191630/doi-moi-phuong-thuc-hoat-dong-de-xay-dung-to-chuc-cong-doan-vung-manh.htm