Đổi mới quản lý lễ hội: Đề cao vai trò tự quản của cộng đồng
Mặc dù lượng khách tham dự các lễ hội tháng Giêng khá lớn, nhưng ghi nhận tại nhiều điểm đến đã không còn xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy, tranh cướp… như những mùa lễ hội trước đây.
Tại các di tích, nơi thờ tự cũng không còn xuất hiện cảnh nhét tiền lẻ lên tượng. Hình ảnh người dân đốt vàng mã, khói hương bốc lên nghi ngút tại cơ sở tín ngưỡng cũng giảm đáng kể.
Giảm bớt phản cảm
Năm nay, lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến. Trong đó, lễ hội chùa Hương có nhiều đổi mới khiến việc mua vé tiện lợi hơn và không bị ùn tắc thuyền đò. Lễ hội Đống Đa, lễ hội đền Sóc, lễ hội Hai Bà Trưng... đều diễn ra an toàn, văn minh, tạo sự yên tâm cho người dân đi lễ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, các lễ hội cơ bản diễn ra an toàn, văn minh, lành mạnh, ý thức người tham gia đã nâng cao, đặc biệt chú trọng về thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng, thu hút lượng lớn khách tham dự. Đáng chú ý, so với nhiều năm trước, những hình ảnh, hiện tượng phản cảm, xấu xí, gây bức xúc trong dư luận đến nay đã cơ bản được đẩy lùi. Nhiều nét mới, tích cực được ghi nhận. Điển hình như việc áp dụng hình thức bán vé điện tử đã tạo nên diện mạo văn minh, chuyên nghiệp, gia tăng sự minh bạch, công khai trong quản lý nguồn thu tại di tích tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức).
Tỉnh Nam Định có hơn 300 lễ hội truyền thống. Trong số này có 100 lễ hội được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự. Trong đó, Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) diễn ra từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hàng năm là một trong những lễ hội lớn của tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng Ban quản lý Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp cho biết, năm nay, công tác đảm bảo an ninh trật tự, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được chú trọng. Công tác tổ chức đối với lễ hội trọng điểm này luôn được đề cao các yếu tố trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự.
Hay như tỉnh Bắc Ninh, hàng năm cũng diễn ra hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ, phần lớn tập trung vào dịp đầu năm. Để bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự trong mùa lễ hội 2024, Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh đã ban hành hướng dẫn, đề nghị các cấp, ngành, địa phương phối hợp chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội an toàn, văn minh. Trong đó chú trọng đa dạng hóa các hình thức truyền thông về di tích, ý nghĩa, giá trị đặc sắc của lễ hội.
GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nhìn chung, lễ hội năm nay đã trật tự hơn, văn minh hơn. Công tác quản lý ngày càng tốt hơn. Cộng đồng, người dân nâng cao ý thức tham gia lễ hội.
Vẫn còn những hạt sạn
Theo đại diện Sở VHTT Hà Nội, mùa lễ hội năm 2024, trên địa bàn thành phố mặc dù đã có những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức nhưng tại một số lễ hội vẫn còn xảy ra những bất cập, hạn chế. Một số lễ hội còn có hiện tượng bảng, biển quảng cáo, loa đài mở công suất lớn. Vẫn còn các trò chơi cờ bạc, xem bói, giải quẻ ở một số lễ hội… Điển hình như tại Lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) vẫn còn tình trạng người dân chen lấn khi nhận lộc…
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi mục tiêu thương mại được ưu tiên hàng đầu, không chỉ tạo nên sự phản cảm về tâm lý mà còn bào mòn các giá trị văn hóa, tinh thần của lễ hội truyền thống. Khi tham gia các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra. Cùng với đó, đẩy mạnh vai trò tự quản của cộng đồng. Phát huy hơn nữa ý thức, trách nhiệm của các Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý các di tích để kịp thời xử lý, điều chỉnh những lệch lạc, biến tướng trong lễ hội.
Ngoài các biện pháp giáo dục và quản lý hành chính, cần sử dụng cả các chế tài pháp luật xử lý nghiêm vi phạm, nhất là những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, lễ hội để trục lợi, buôn thần, bán thánh trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Theo TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Việc thực hiện quy chế quản lý lễ hội vẫn còn một số hiện tượng cần nghiên cứu kỹ hơn như vai trò của chính quyền đối với việc tổ chức, bởi nếu chính quyền vô tình làm thay việc của cộng đồng thì sẽ dẫn đến thiếu tính chủ động của cộng đồng. Trước kia lễ hội là của toàn dân, người dân đến lễ hội thường chủ động các hoạt động, thì ngày nay người dân đến lễ hội lại chỉ đi xem hội, không còn chủ động tham gia vào lễ hội. Vì thế người dân bị thụ động, đó là điều rất đáng quan tâm. Quá nhiều cải biên, cải tiến làm cho lễ hội bị loãng, mất tính độc lập.