Đổi mới sáng tạo để bứt phá, khẳng định thương hiệu

Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết hiện nay để doanh nghiệp bứt phá, khẳng định thương hiệu.

Các đại biểu cùng nhau khởi động Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025.

Các đại biểu cùng nhau khởi động Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025.

Sáng 16/4, Bộ Công Thương tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025 và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dự và chỉ đạo buổi lễ.

Bước tiến khẳng định thương hiệu

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thương hiệu quốc gia là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết.

Trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng. Theo Brand Finance, năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới – tăng 1 bậc so với năm 2023. “Đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà chúng ta đã kiên định theo đuổi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai, đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất ở cấp quốc gia. Chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trải qua hơn 20 năm, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới...

Theo ông Chiến, đổi mới, sáng tạo là xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những biến động sâu rộng, đổi mới và sáng tạo đã trở thành yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh và tạo ra những giá trị khác biệt thì Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Cần có tinh thần "luôn biết sợ"

Trong khuôn khổ diễn đàn, trao đổi tại phiên tọa đàm “Đổi mới sáng tạo - Động lực bứt phá thương hiệu quốc gia Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, nền kinh tế phát triển thì vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn là rất quan trọng. Khi chuyển nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế số, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần tính đến trọng số cho chỉ tiêu đổi mới sáng tạo cao hơn nữa.

Theo ông Phú, đổi mới sáng tạo không phải là chương trình làm từng đợt mà là "gen" của doanh nghiệp, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; luôn luôn cải tiến, thay đổi để hiệu quả hơn nữa. Trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng cao, vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn, do đó, đổi mới sáng tạo phải là quá trình liên tục để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Ông Phú cho biết, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường phối hợp, trao đổi dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu để đẩy trọng số này cao hơn nữa, phù hợp vói chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới. Trong đó, cần nghiên cứu để gắn chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ ngành gắn với Chương trình thương hiệu quốc gia nói chung và những doanh nghiệp thương hiệu quốc gia nói riêng.

Cũng nhấn mạnh về vai trò của đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Việt An - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo, Cục Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, nếu không đổi mới, doanh nghiệp sẽ tụt hậu. Theo ông, vấn đề đổi mới sáng tạo đã có sự nỗ lực, quyết liệt từ Trung ương. Cơ quan quản lý đã có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như phân loại doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ và doanh nghiệp nhỏ hơn. Từ đó, xác định doanh nghiệp cần gì để có sự hỗ trợ khác nhau. Ví dụ hỗ trợ về tài chính cho dn lớn; hỗ trợ về đào tạo nâng cao năng lực cho nhỏ và vừa...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hồng Quang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA chia sẻ, MISA đã xác định tầm nhìn khác biệt trong chiến lược kinh doanh. Theo đó, Công ty đã nghiên cứu các giải pháp công nghệ phục vụ không chỉ các doanh nghiệp lớn mà còn cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Quang, vấn đề năng lực vận hành cũng rất quan trọng với doanh nghiệp khi đổi mới để khẳng định thương hiệu. Vấn đề mấu chốt được ông Quang chia sẻ là tinh thần "luôn biết sợ, sỡ lỗi thời", do đó, khi có công nghệ mới, Công ty sẽ kịp thời ứng dụng.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng các đại biểu đã khởi động Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2025 từ ngày 15 đến ngày 21/4/2025, với nhiều hoạt động ý nghĩa trên phạm vi toàn quốc.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/doi-moi-sang-tao-de-but-pha-khang-dinh-thuong-hieu.html