Đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại về nhân quyền

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở trong nước và tại các cơ chế nhân quyền quốc tế, nổi bật là việc Việt Nam trúng cử và đóng góp quan trọng tại cơ chế Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có sự đổi mới về cả nội dung và phương pháp, đặc biệt khi vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang gia tăng trên trường quốc tế.

Đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thu Hằng

Đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thu Hằng

Thông tin còn chậm, thiếu chủ động

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở trong nước, đồng thời, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, qua đó, đảm bảo quyền con người phù hợp với các chuẩn mực quốc tế được công nhận rộng rãi. Cùng với đó, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt, thể hiện ở sự xuất hiện rộng rãi các thông tin tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin, bao gồm cả mạng xã hội.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 250 cơ quan báo chí đối ngoại và hơn 80 website bằng tiếng nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Theo thống kê của Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), tổng số tin, bài về quyền con người từ ngày 1/1 đến 1/12/2024 trên báo tiếng Việt là hơn 15.000 tin bài từ 519 nguồn báo; trên báo tiếng Anh là hơn 1.200 tin, bài từ 118 nguồn báo. Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông tiêu biểu có sự tham gia của truyền thông xã hội như: Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Chiến dịch “Hướng về lá cờ Tổ quốc”; “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam”... đã tạo hiệu ứng lan tỏa rất sâu rộng trong xã hội.

Cục Thông tin đối ngoại cho biết, thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người được truyền thông trên cả hai phương diện gồm: truyền thông dòng chính và truyền thông xã hội (chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội). Do tính chất xuyên biên giới, đa kênh, truyền thông xã hội có tính lan tỏa mạnh mẽ, tiếp cận nhanh chóng tới đối tượng mục tiêu, trong đó, đa phần là người trẻ, hiệu quả thông tin đối nội và đối ngoại tỏ ra vượt trội. Riêng trong truyền thông đối ngoại về quyền con người, thông tin từ các tổ chức, cá nhân mang các yếu tố trải nghiệm cá nhân nên có độ tin cậy, tính khách quan và thuyết phục, minh họa hiệu quả, sinh động hơn cho thực tiễn thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền Chính phủ cho rằng, với sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác nhân quyền từ Trung ương đến địa phương, công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền cũng được tăng cường, đẩy mạnh, với sự vào cuộc của tất cả các ban, bộ, ngành, địa phương, đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách, thành tựu của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người; đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, qua đó, tranh thủ sự ủng hộ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền hiện vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục. Tại Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới” do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền Chính phủ phối hợp với Báo Thế giới và Việt Nam vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo nhân quyền Chính phủ Đỗ Hùng Việt cho biết, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, cần phải thẳng thắn nhìn nhận và cùng nhau tìm ra biện pháp khắc phục như: Chỉ chú trọng công tác đấu tranh, phản bác; chưa thực sự làm tốt việc lan tỏa thông tin đến với chính giới và công dân các nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; công tác thông tin các vấn đề liên quan đến quyền con người còn chậm, bị động trước thông tin của báo chí nước ngoài, mạng xã hội và các tác động khách quan đến từ tình hình quốc tế và khu vực...

Cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp công tác thông tin đối ngoại

Thực tế là dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về thúc đẩy quyền con người, nhưng các thế lực thù địch ngày càng gia tăng sử dụng các phương tiện truyền thông như các kênh báo đài Việt ngữ ở hải ngoại, các kênh truyền thông xã hội để lan truyền thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu cáo tình hình nhân quyền của Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được học hành. Ảnh: Thu Hằng

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được học hành. Ảnh: Thu Hằng

Trước tình hình mới, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng, cần có những “cách làm mới”, vừa sáng tạo, vừa có sự nhạy bén về đối ngoại, vừa thường xuyên, không ngùng nghỉ để thế giới hiểu hơn về Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài trong lĩnh vực truyền thông đối ngoại nhằm đấu tranh và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, qua đó, thúc đẩy hình ảnh quốc gia, nâng cao nhận thức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và xây dựng một môi trường đối thoại công bằng trên các diễn đàn quốc tế.

Theo ông Nguyễn Vũ Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, để đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong thời gian tới, cần tăng cường truyền thông về các nội dung pháp luật, thể chế, vai trò của các cơ quan trong tăng cường khả năng tiếp cận pháp lý và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, bên cạnh việc truyền thông về các nỗ lực, thành tựu của công tác thông tin đối ngoại, phản ánh các quan điểm, chủ trương của Đảng, triển khai của các cơ quan liên quan, cần chú ý thể hiện rõ hơn sự tham gia của người dân trong truyền thông về các nỗ lực, thành tựu của công tác thông tin đối ngoại về quyền con người.

Trong khi đó, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại đánh giá, các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị vẫn triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, cần quán triệt sâu sắc công tác thông tin đối ngoại và công tác nhân quyền là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng. Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, bảo đảm đấu tranh nhân quyền là một thể thống nhất, trong đó, giữ vững ổn định bên trong là nền tảng để đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực nhân quyền. Đồng thời tiếp tục nâng cao tính chủ động trong công tác định hướng thông tin, định hướng dư luận về nhân quyền, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền về quyền con người.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-moi-sang-tao-nang-cao-hieu-qua-thong-tin-doi-ngoai-ve-nhan-quyen-post484862.html