Đổi mới sáng tạo phù hợp với từng tỉnh, thành
Trong báo cáo Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam tiếp tục được WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập.
Từ năm 2017, Chính phủ đã sử dụng GII do WIPO công bố để kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan.
Nhiều tiến bộ
Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập niên qua. “Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất”, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy đánh giá.
Trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một phần không thể tách rời. TPHCM đã và đang thực hiện “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2025”, qua đó tổ chức thực hiện nhiều dự án khác như: Hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống thu thập và cung cấp thông tin KH-CN phục vụ nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; Hình thành không gian hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống huấn luyện trực tuyến về năng suất, chất lượng, đổi mới sáng tạo…
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết, năm 2022 là năm có nhiều thành tựu nổi bật của cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TPHCM. Các sự kiện của cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TPHCM cũng diễn ra hết sức sôi động. TPHCM lần đầu tiên xếp hạng 111/1.000 thành phố năng động, sáng tạo nhất toàn cầu nên hy vọng TPHCM có thể tiến đến gần tốp 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu trong thời gian tới.
Triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương
Tuy nhiên, cũng qua thực tế cho thấy các địa phương còn lúng túng trong cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia. Một trong những lý do là chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia song nhiều số liệu thống kê tương tự không có ở cấp địa phương, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, có sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế - xã hội, về định hướng phát triển... nên các địa phương cần có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo dành riêng cho địa phương phù hợp với bối cảnh, đặc điểm riêng của địa phương mình. Vì vậy, thời gian qua, Bộ KH-CN đã phối hợp với WIPO và các cơ quan liên quan xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và đã tổ chức triển khai thử nghiệm tại 20 tỉnh, thành phố ở 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập khác nhau, cơ cấu kinh tế khác nhau, để đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả thử nghiệm cho thấy bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích dù còn một vài chỉ số cần được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh và mục tiêu.
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm thành công bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương nói trên, Bộ KH-CN đã kiến nghị Chính phủ cho phép chính thức triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. Đánh giá về điều này, Bộ KH-CN cho rằng các UBND các tỉnh, thành phố cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chủ lực dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doi-moi-sang-tao-phu-hop-voi-tung-tinh-thanh-post676787.html