Đổi mới sáng tạo: Tạo động lực phát triển bền vững
Đổi mới sáng tạo vừa là động lực phát triển bền vững vừa là chìa khóa nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tại Bình Dương, những sáng kiến đổi mới đã tạo bước đột phá trong quản lý kinh tế, đồng thời hướng tới thực hiện hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.
Bình Dương tiên phong sử dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực giám sát và điều hành của cơ quan Nhà nước. Trong ảnh: Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương
Trụ cột trong chiến lược phát triển
Từ Đại hội lần thứ VI đến Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta đã xác định đổi mới sáng tạo (ĐMST) là trụ cột trong chiến lược phát triển đất nước. Thực tiễn cho thấy, quá trình này không chỉ nâng cao chất lượng sản xuất mà còn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của ĐMST càng được nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng.
Trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và ĐMST đến năm 2030, Chính phủ khẳng định đây là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Những định hướng này không chỉ giúp nâng cao đời sống nhân dân mà còn góp phần phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đưa đất nước vươn tầm quốc tế, hiện thực hóa khát vọng trở thành cường quốc năm châu.
ĐMST đóng vai trò then chốt trong mọi lĩnh vực xã hội, đặc biệt là trong quản lý nhà nước và là yếu tố thiết yếu để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của KHCN, ĐMST không chỉ cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước mà còn thúc đẩy hiện đại hóa và công nghiệp hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Việc ứng dụng các thành tựu KHCN vào xây dựng và thực thi chính sách giúp quản lý nhà nước hiệu quả hơn, giảm chi phí và thời gian, đồng thời tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm.
Đặc biệt, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Nghị quyết nhấn mạnh, phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhiều quyết định, chính sách đột phá
Khẳng định vai trò quan trọng của KHCN và ĐMST trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng điểm, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã quán triệt “tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao”; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là địa phương thông minh của vùng và cả nước.
Bình Dương đã và đang tiên phong trong việc sử dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực giám sát và điều hành của các cơ quan Nhà nước. Bình Dương đã áp dụng hệ thống quản lý thông tin điện tử và các công cụ phân tích dữ liệu tiên tiến, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đáng chú ý, Bình Dương đã đưa ra nhiều quyết định và chính sách mang tính đột phá, nhằm tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho sự phát triển của KHCN và ĐMST. Một trong những văn bản quan trọng là Quyết định số 742/ QĐ-UBND của UBND tỉnh về Chương trình ‘‘Phát triển KHCN và ĐMST phục vụ phát triển đô thị thông minh’’. Thông qua chương trình này, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, khẳng định vị thế quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế. Cụ thể, Thành phố thông minh - Vùng ĐMST Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh Top 1 ICF vào năm 2023. Năm 2021, Bình Dương được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình chọn là “Địa phương tiên phong trong hành trình xây dựng hệ sinh thái ĐMST quốc gia”…
Kết quả Chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023 của Bình Dương đứng vị trí thứ 8 cả nước là một minh chứng cho sự thành công của tỉnh trong việc thúc đẩy ĐMST. Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Bình Dương đang trở thành điểm đến của hệ sinh thái ĐMST cho doanh nghiệp và nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Bình Dương rất quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo. Các giải pháp và chính sách hỗ trợ được thể hiện qua Nghị quyết số 22/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Quyết định số 826/ QĐ-UBND của UBND tỉnh. Cùng với đó, Nghị quyết số 05- NQ/TU của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 937/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã giúp tạo ra cơ sở pháp lý và hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh. Việc quan tâm đến CĐS, kinh tế số, xã hội số không chỉ tạo nền tảng cho chính quyền điện tử và chính quyền số, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ĐMST của tỉnh. Nhờ đó, môi trường kinh doanh và sáng tạo tại Bình Dương được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến mới, từ đó nâng cao Chỉ số ĐMST của địa phương.
Bình Dương cũng đang góp phần thúc đẩy ĐMST và phát triển bền vững của cả nước, đồng hành cùng cả nước thực hiện sứ mệnh xây dựng một kỷ nguyên công nghiệp thông minh và hiện đại…