Đổi mới sáng tạo trong bảo vệ môi trường
Nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa một số quy định của Luật Thủ đô 2012 nhưng đã sửa đổi, bổ sung về chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Hà Nội – vùng hạn chế phát thải
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định HĐND thành phố Hà Nội quy định, vùng phát thải thấp và các biện pháp cần thiết kèm theo để bảo đảm phát triển bền vững.
Việc hình thành các quy định về điều kiện thực hiện vùng phát thải thấp nhằm thực thi có hiệu quả hơn quy định đối với từng phân vùng môi trường tại Điều 23 Luật BVMT 2020 và các Điều 22 và 23 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08/2022/NĐ-CP) về Vùng bảo vệ nghiêm ngặt và Vùng hạn chế phát thải.
Trong đó, theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm khu vực nội thành, nội thị của những đô thị đặc biệt (trong đó có Thủ đô Hà Nội) là Vùng bảo vệ nghiêm ngặt và khu vực vùng đệm của Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là Vùng hạn chế phát thải. Yêu cầu về BVMT theo các phân vùng môi trường trên là phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải quy định giá trị giới hạn cho phép của những chất ô nhiễm phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.
Để hoàn thành các mục mục tiêu trên, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tăng cường, bổ sung nhiều biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ có mức độ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông có mức độ phát thải thấp (như đường sắt đô thị, xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch, có mức độ phát thải thấp…);
Biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện gây ô nhiễm di chuyển trong một số khu vực của Hà Nội (như khu nội đô lịch sử); Biện pháp sử dụng, áp dụng các trang thiết bị, máy móc, nguyên liệu sạch, năng lượng tái tạo…
Tập xử lý các nguồn phát sinh ô nhiễm
Dự thảo Luât Thủ đô (sửa đổi) đã tăng cường và bổ sung nhiều quy định nhằm BVMT, trong đó nhấn mạnh các biện pháp xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, việc di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị trung tâm được quy định tại Luật Thủ đô 2012 tiếp tục được quy định chi tiết và cụ thể tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như biện pháp, lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế… không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô và di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài, sử dụng quá tải hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi đô thị trung tâm.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải”.
Ngoài ra, để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sử đổi) đã xác định cần phải có sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô như theo quy định tại Điều 48 của Dự thảo. Đồng thời tiếp tục khẳng định Hà Nội sẽ có các biện pháp mạnh hơn để có thể giảm phát thải nhựa, như quy định hạn chế sử dụng bao gói nilon, nhựa khi mua hàng. Những biện pháp mạnh có thể sẽ tác động được vào ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc giảm phát thải nhựa trên địa bàn Thủ đô…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-moi-sang-tao-trong-bao-ve-moi-truong.html