Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong du lịch
Đổi mới sáng tạo là một quy luật tất yếu để phát triển ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Trong lĩnh vực du lịch, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp luôn tồn tại song hành và gắn bó một cách máu thịt, góp phần vào công cuộc phát triển bứt phá của ngành Du lịch tỉnh nhà.

Cắm trại trong rừng trên cao nguyên Vân Hòa. Ảnh: TRẦN QUỚI
Để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, trải nghiệm du lịch, những người làm du lịch phải luôn đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ĐMST&KN) để theo kịp với thị hiếu, nhu cầu của xã hội hiện tại, thậm chí đi trước để định hướng, dẫn dắt xu hướng.
Phá bỏ rào cản, tạo điều kiện phát triển du lịch
Du lịch được xác định là lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển. Đối với Phú Yên, ngành Du lịch cũng được xác định đầu tư trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030.
Tuy nhiên, thực tế bức tranh phát triển du lịch của tỉnh nhà còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch còn thiếu và yếu; sản phẩm du lịch chưa phong phú đa dạng.
Các ngành nghề, dịch vụ phụ trợ liên quan đến du lịch còn hạn chế. Doanh nghiệp du lịch ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ chưa đủ sức để làm bật dậy ngành Du lịch, đột phá để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Để có một nền kinh tế du lịch phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần rất nhiều giải pháp căn cơ mang tính chiến lược của Nhà nước, như kêu gọi thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt, chiến dịch giới thiệu, quảng bá, marketing…
Trong đó, việc nâng cao nhận thức, kiến thức, ĐMST và khát vọng khởi nghiệp, làm giàu từ du lịch của người dân, doanh nghiệp, nhất là các bạn trẻ là một trong những điều cần thiết, quan trọng, để tạo nên một phong trào mạnh mẽ.
Vấn đề đặt ra là ĐMST&KN như thế nào cho hiệu quả trong bối cảnh, thực trạng du lịch Phú Yên hiện nay. Câu chuyện ĐMST&KN không chỉ nói lý thuyết và đứng độc lập, mà phải được xem xét trong các quan hệ có liên quan, trong đó đặc biệt là chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước, của từng địa phương; công tác quản lý quy hoạch của địa phương; chính sách thu hút, hỗ trợ khởi nghiệp…

Nghệ nhân Trần Thị Chiêng (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) phát triển nghề làm gốm truyền thống thành sản phẩm du lịch. Ảnh: TRẦN QUỚI
Tận dụng lợi thế địa phương
Phú Yên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Về vị trí địa lý, Phú Yên là tỉnh ven biển nằm ở trung tâm khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có vị trí chiến lược rất quan trọng cả về QP-AN và phát triển KT-XH, đặc biệt là cầu nối giữa vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên và xa hơn là kết nối với Lào, Campuchia trong phát triển du lịch.
Phú Yên có nhiều tiềm năng, tài nguyên tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch, với nhiều loại hình và sản phẩm, trong đó thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp, du lịch sinh thái và đa dạng sinh học, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn…
Những năm gần đây, du lịch Phú Yên đã có bước phát triển đáng kể trên tất cả các mặt. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, ĐMST phát triển du lịch đạt được nhiều kết quả khích lệ, như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường, đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững.
Các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã được gắn mã QR nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch tra cứu thông tin về các điểm di tích. Các doanh nghiệp, cơ sở du lịch ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng sản phẩm du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo; trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch; trong công tác điều hành; trong kinh doanh du lịch (tham gia hội nghị, hội thảo trực tuyến; bán sản phẩm du lịch qua mạng; e-marketing…).
Các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang ứng dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước; sử dụng năng lượng sạch, tái tạo (năng lượng mặt trời…); nghiên cứu sử dụng công nghệ tiên tiến xử lý rác thải trong hoạt động du lịch; tăng cường sử dụng, tái chế các chất thải để có thể tiếp tục sử dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Xây dựng và tạo ra các sản phẩm du lịch phùhợp, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong bối cảnh hậu COVID-19. Các cửa hàng đặc sản, quà tặng phát triển mạnh việc bán hàng online. Nhiều sản phẩm nông nghiệp OCOP được đầu tư phát triển chất lượng và thương hiệu gắn với du lịch tạo nên sản phẩm quà tặng cho du khách được đánh giá cao.
Giải pháp đột phá cho du lịch Phú Yên
Có thể thấy, Phú Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là cần nhìn nhận thực tế những hạn chế, bất cập, từ đó chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước cần có sự đồng hành, khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp và thực hiện đúng các quy định pháp luật.
ĐMST&KN trong du lịch như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Khởi nghiệp trong du lịch là việc xây dựng các doanh nghiệp dựa trên những ý tưởng mới, nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ, các phương pháp tiếp cận bền vững và tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa. Các mô hình khởi nghiệp này tận dụng các lợi thế công nghệ và khả năng kết nối để phát triển những dịch vụ độc đáo và sáng tạo.
Các yếu tố ĐMST cho phép du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch theo cách mới mẻ hơn, từ các chuyến tham quan thực tế ảo đến hành trình được cá nhân hóa thông qua trí tuệ nhân tạo. Du lịch hiện đại không chỉ đơn thuần là khám phá điểm đến mà còn là trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và các hoạt động ngoài trời.
Những mô hình du lịch bền vững, du lịch chăm sóc sức khỏe, hay du lịch cộng đồng là minh chứng cho khả năng đáp ứng nhu cầu mới của du khách thông qua ĐMST. Tối ưu hóa nguồn lực và quản lý hiệu quả ĐMST giúp ngành Du lịch khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ, từ đó tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tỉnh và ngành Du lịch cần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch thông qua việc xây dựng các không gian khởi nghiệp chuyên biệt cho du lịch với sự tham gia của các tổ chức, trường đại học và chính quyền địa phương sẽ giúp tạo điều kiện cho các startup gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng và nhận được hỗ trợ về mặt kiến thức, tài chính. Đây là môi trường lý tưởng cho các ý tưởng ĐMST và khởi nghiệp phát triển.
Đồng thời thúc đẩy các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các giải pháp khoa học công nghệ trong du lịch để cá nhân hóa và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, như các ứng dụng dẫn đường tự động hoặc các tour tham quan ảo. Xây dựng nền tảng số hóa, tạo điều kiện cho khách hàng tìm kiếm thông tin và đặt chỗ dễ dàng.
ĐMST&KN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành Du lịch, giúp tối ưu hóa nguồn lực, đáp ứng nhu cầu khách hàng và tạo ra những trải nghiệm khác biệt, giá trị bền vững cho khách hàng, từ đó thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/326185/doi-moi-sang-tao-va-khoi-nghiep-trong-du-lich.html