Đổi mới sáng tạo - yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế bền vững
Nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, ngày 19.4, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi trao đổi với một số cơ quan truyền thông báo chí về các vấn đề liên quan Đổi mới sáng tạo.
Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần thay đổi phương thức hội nhập sao cho phù hợp với yêu cầu, tình hình mới. Để cạnh tranh được giữa xu thế này, nhất thiết phải đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây sẽ là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để thúc đẩy nâng cao năng suất, giúp doanh nghiệp đón đầu công nghệ mới, đưa cuộc cách mạng công nghiệp thành cơ hội đổi mới cho doanh nghiệp khi việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa các quá trình kinh doanh còn yếu ở hầu hết doanh nghiệp hiện nay.
Thông tin đến các vấn đề mà phóng viên quan tâm, đại diện lãnh đạo TĐC và các chuyên gia cho biết: Việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên ĐMST và đổi mới công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên ĐMST và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Nhấn mạnh về Bộ tiêu chuẩn ISO 56000, đại diện TĐC cho biết: Trên phạm vi thế giới, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) - Ban kỹ thuật ISO/TC 279 đã xây dựng Bộ Tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý ĐMST. Một số tiêu chuẩn đã ban hành liên quan đến quản lý đổi mới như thuật ngữ, công cụ và phương pháp. Các tiêu chuẩn này nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống. Các tiêu chuẩn này được bao gồm: Cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới, và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới một cách có hệ thống... Bộ tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới.
Cũng tại buổi trao đổi, đại diện TĐC và các chuyên gia cho hay: Hoạt động hợp tác quốc tế về ĐMST có nhiều kết quả nổi bật. Trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), các nước thảo luận và nghiên cứu các giải pháp để tăng năng suất, trong đó có đi tắt đón đầu thông minh qua ĐMST, cải cách mô hình quản lý đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới. APO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tổng thể phát triển năng suất dựa trên ĐMST được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và ĐMST giai đoạn 2021 - 2030. Kế hoạch này cũng góp phần đưa năng suất vào các chương trình phát triển quốc gia, tăng cường vai trò của năng suất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nền kinh tế thành viên APO. Kế hoạch sẽ đề xuất các hành động cần phải được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng năng lực hấp thụ vốn con người, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông và hạ tầng logistic, bố trí và phân bổ các nguồn lực.
Từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid đã hạn chế và cản trở nhiều hoạt động hợp tác tuy nhiên các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm triển khai thác đẩy ĐMST của các nền kinh tế thành viên thông qua hội thảo trực tuyến, nghiên cứu, tọa đàm vẫn được APO triển khai mạnh mẽ, thu hút đông đảo đối tượng theo dõi và tham gia, đề xuất các ý tưởng mang tính đột phá cho giai đoạn sắp tới. APO cũng là tổ chức các hội thảo về ĐMST trong các ngành, lĩnh vực như như nông nghiệp, công nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng: Tăng cường năng cơ sở hạ tầng chất lượng chính là một trong các yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng và thúc đẩy ĐMST bởi công tác tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực mới như như IoT, blockchain, thương mại số, thương mại điện tử, in 3D, sản xuất thông minh sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động này.
Để thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về ĐMST, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng kêu gọi các chuyên gia từ cơ quan Chính phủ, Bộ ngành liên quan, hiệp hội, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng tiêu chuẩn quốc tế thuộc các Ủy ban kỹ thuật của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế liên quan đến tự động hóa, thương mại số, thương mại điện tử, sản xuất thông minh, ĐMST để nắm bắt những xu thế mới nhất hiện nay và tư vấn cho Chính phủ về ĐMST…