Đổi mới thi tuyển để có đội ngũ công chức giỏi

Công tác cán bộ luôn được Đảng ta xác định là 'cái gốc của mọi công việc', công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì thế, thi tuyển để chọn được những người có đủ năng lực, tâm huyết đảm trách công việc luôn là vấn đề rất được quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng cần đổi mới trong thi tuyển để chọn được những người thật sự có đức, có tài.

Công chức UBND quận Bình Thạnh hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký hồ sơ qua mạng. Ảnh: Thái Phương

Công chức UBND quận Bình Thạnh hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký hồ sơ qua mạng. Ảnh: Thái Phương

Lập ngân hàng câu hỏi

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có hiệu lực từ 1-7-2020, việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trừ một số trường hợp người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm.

Trong đó, chi tiết về việc thi tuyển công chức được nêu tại Nghị định 161/2018, thực hiện theo 2 vòng thi. Vòng thi đầu, thí sinh làm bài trắc nghiệm trên máy tính hoặc trên giấy. Ở vòng 2, các thí sinh thi môn nghiệp vụ chuyên ngành, theo hình thức phỏng vấn (trong 30 phút) hoặc thi viết (trong 180 phút). Vòng này nhằm kiểm tra kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Thực tế, trong thời gian qua một số cơ quan đơn vị đã chủ động thực hiện giải pháp tuyển chọn cán bộ, công chức mang tính cạnh tranh. Đó là việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, đã được thực hiện khoảng 3 năm nay. Đến nay, đã có 12/14 cơ quan Trung ương tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên). Ở các tỉnh, thành cũng có 17/22 địa phương tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng và có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên).

Từ những kết quả thí điểm, Bộ Nội vụ cho biết sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng. Trong đó, xác định tỷ lệ tối thiểu khoảng 50% vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển.

Đồng tình với cách làm này, nhưng nhiều ý kiến đề xuất chú trọng hơn đến công tác xây dựng đề thi, nhất là để thực hiện thi tuyển theo quy định mới. Tại hội thảo về công tác cải cách hành chính nhà nước do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ mới tổ chức, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng Đàm Minh Tuấn phân tích, hiện nay, để có 60 câu trắc nghiệm thì phải chuẩn bị 180 câu hỏi. Yêu cầu bảo mật từ khâu ra đề cũng được đặt ra nhưng việc này rất khó. Bởi người làm xong trước ra ngoài nói với người làm sau và vài người ghép lại thì có thể “lộ” ra hết 180 câu hỏi. Do đó, ông Tuấn đề nghị xây dựng ngân hàng câu hỏi (khoảng 1.000 câu), rồi công khai toàn bộ. Khi thi, trong vòng 10 - 15 phút, ai làm đúng nhiều câu là đạt.

Cải tiến, nâng cấp thành kỳ thi quốc gia

Xây dựng một ngân hàng đề thi - cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà Bộ Nội vụ nêu ra sau khi đánh giá thực trạng đội ngũ hiện nay. Theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay đông nhưng chưa mạnh, cơ cấu chưa hợp lý, một bộ phận có biểu hiện thoái hóa, biến chất, tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân. Để khắc phục, Bộ Nội vụ xác định chú trọng cải tiến về chế độ thi tuyển công chức, viên chức với nguyên tắc bình đẳng, công khai. Các đề thi phải phân loại được trình độ cùng với kiến thức chuyên môn, kỹ năng. Bộ Nội vụ cũng sẽ cố gắng xây dựng một ngân hàng đề thi chung cho cả nước.

Là người tâm huyết với đề tài này, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh, năng lực chuyên môn, khả năng điều hành và thành tích thực tế phải là chuẩn mực để lựa chọn cán bộ, công chức. Do đó, cần phải có những cải cách để khắc phục việc lựa chọn, đề bạt theo năng lực chính trị trong hành chính - công vụ.

Trước mắt, cần tổ chức thi tuyển quốc gia để lựa chọn những người thật sự tài giỏi vào công vụ. Trong đó, kinh nghiệm của các nước Đông Bắc Á là rất đáng tham khảo. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, một phương án hoàn toàn khả thi là hợp tác với tổ chức JICA (Nhật Bản) để học tập và tiếp nhận công nghệ thi tuyển công chức quốc gia. Đây là một kỳ thi hết sức khó khăn, chỉ có những người thực sự tài giỏi mới có thể thi đậu. Ở Nhật Bản, tỷ lệ thi đậu chỉ khoảng trên dưới 6%. Khi đã có chứng chỉ đậu kỳ thi quốc gia, các cơ quan công vụ ở Trung ương và địa phương mới tuyển dụng. Nếu nước ta tuyển dụng công chức theo cách này thì sau một thời gian sẽ có được một đội ngũ công chức thật sự tài giỏi.

MAI HOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/doi-moi-thi-tuyen-de-co-doi-ngu-cong-chuc-gioi-701179.html