Đổi mới tổ chức sản xuất ở nông thôn

Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Thanh Ba đã chú trọng xây dựng và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chuyển dần từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang kinh tế trang trại, Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp... theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Sản phẩm chè búp tím của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba tham gia chương trình giới thiệu, trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại TP Việt Trì.

Sản phẩm chè búp tím của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba tham gia chương trình giới thiệu, trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại TP Việt Trì.

Hiện nay, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện bước đầu có sự phát triển, lĩnh vực ngành nghề từng bước được mở rộng theo hướng đa ngành, đa dạng các loại hình hoạt động. Toàn huyện hiện có có 40 HTX đang hoạt động, trong đó có 31 HTX nông nghiệp. Để đẩy mạnh phát triển, nhiều mô hình HTX kiểu mới có cách làm sáng tạo trong tổ chức sản xuất, lựa chọn sản phẩm chủ lực thế mạnh; trực tiếp đầu tư xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên kết với các doanh nghiệp, tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ theo hợp đồng. Đặc biệt, thông qua sử dụng mạng xã hội để tăng cường quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, dịch vụ, huy động mọi nguồn lực để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 120 triệu đồng/ha. Nhờ hoạt động của các HTX, doanh nghiệp đa dạng với nhiều lĩnh vực đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, là tiền đề cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ... Cùng với đó, để nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, huyện có các cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tập trung phát triển các loại cây, con có lợi thế của địa phương như: Lúa chất lượng cao, chè, rau, gỗ nguyên liệu rừng trồng, bò thịt, gà thịt... và một số nông sản hàng hóa khác có hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Năm 2018, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT, xã Vân Lĩnh được thành lập. Với quyết tâm lan tỏa thương hiệu chè Đất Tổ không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài, Công ty đã liên kết với nông dân để từng bước chuẩn hóa đầu vào sản phẩm chè xanh; tăng cường đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại. Hiện, Công ty tìm khách hàng qua các đoàn xúc tiến thương mại, triển lãm nước ngoài. Sản lượng xuất khẩu bình quân 1.500.-1700 tấn thành phẩm/năm. Doanh thu bình quân khoảng 40-50 tỷ đồng, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương. Bà Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty cho biết: “Cùng với mở rộng quy mô sản xuất, nhanh nhạy tiếp cận khoa học công nghệ; tham gia giới thiệu, trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP..., Công ty sẽ hướng tới sản xuất hàng hóa ngày càng chuyên nghiệp hơn, kênh thương mại sẽ được các đại lý tiếp tục mở rộng”.

Cùng với sản phẩm chè, đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình như: Trồng bưởi chất lượng cao tại xã Đông Thành; trồng chuối tây xuất khẩu tại xã Đỗ Sơn, Hoàng Cương; liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô cánh đồng mẫu lớn tại các xã Lương Lỗ, Đỗ Xuyên, Đông Thành, Đỗ Sơn, Sơn Cương; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đỗ Xuyên; trồng hoa tại xã Năng Yên, Đại An... Cùng với đó, huyện khuyến khích phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn; chú trọng công tác đào tạo nghề, truyền nghề; tăng cường quản lý, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động huy động vốn và cho vay trên địa bàn, tạo cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện xây dựng và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân huyện Thanh Ba trong sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm; các công trình thủy lợi, hồ đập, giao thông nội đồng... đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh của người dân và phòng, chống thiên tai. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; quan tâm việc dồn đổi ruộng đất tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường nông sản hàng hóa để ngày càng nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/doi-moi-to-chuc-san-xuat-o-nong-thon-226853.htm