Đổi mới trong dạy và học môn Ngữ văn

Năm học mới chưa bắt đầu nhưng câu chuyện dạy và học môn Ngữ văn đã thu hút sự chú ý.

Năm học mới chưa bắt đầu nhưng câu chuyện dạy và học môn Ngữ văn đã thu hút sự chú ý.

Sự chú ý này đến từ công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Theo đó, với môn Ngữ Văn: các trường THCS và THPT cần tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ. Thực ra đây không phải là quy định mới. Từ 3 năm nay, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc kiểm tra đánh giá cũng phải đổi mới. Dù vậy, với học sinh và giáo viên, sự đổi mới này cũng đã tạo ra những lo lắng khi mới bắt đầu thực hiện.

Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước thềm năm học mới nêu rõ: "Đối với môn Ngữ Văn: tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".

Không chỉ học sinh thấy khó, chính giáo viên cũng cảm thấy áp lực. Trước đây, giáo viên chỉ việc lấy các bài có sẵn trong sách giáo khoa, an toàn về mọi mặt. Giờ đây, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc thẩm định các đoạn trích hay văn bản đưa vào đề kiểm tra. Việc này cần người giáo viên thứ nhất là phải có tinh thần đổi mới, thứ hai là phải có năng lực để chọn được ngữ liệu đầu tiên là phải đúng, sau đó mới là hay, không quá dễ dãi cũng không quá đánh đố học sinh.

Tránh sử dụng ngữ liệu vào đề kiểm tra Ngữ văn

Trong một thời gian dài, việc học Văn ở một số nơi đã xảy ra tình trạng học theo khuân mẫu, lối mòn, học vẹt, học thuộc lòng, học chỉ để lấy điểm. Yêu cầu mới về việc tránh sử dụng những đoạn văn, đoạn thơ đã được học trong sách giáo khoa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cả giáo viên và học sinh được thực sự phát triển năng lực bản thân mình.

Đổi mới thì ban đầu sẽ khó, sẽ vất vả, sẽ thách thức. Và có thể, có cả những cách hiểu chưa đúng về yêu cầu mới của Bộ.

Trên thực tế thì việc tránh sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa trong kiểm tra môn Ngữ Văn đã được thực hiện 3 năm đối với bậc Trung học cơ sở và 2 năm với bậc Trung học phổ thông. Ở nhiều trường học, thầy cô đã cùng vượt khó để tìm ra những cách làm hay, làm tốt. Và kết quả cho thấy, cả giáo viên và học sinh đã thực sự phát triển năng lực bản thân chứ không chỉ học vẹt, học thuộc lòng, học vì điểm số như trước kia.

Khi đưa vào một tác phẩm mới, để học sinh không bị bỡ ngỡ, giáo viên đã cẩn thận chú thích những từ, những khái niệm mà học sinh có thể chưa biết. Một quy trình của từng giáo viên và của cả tổ chuyên môn trong lựa chọn tác giả, tác phẩm được xây dựng. Nhờ vậy, giáo viên không sợ sai mà nhà trường vẫn có được những đề văn hay, được học sinh yêu thích.

Thay vì chỉ quanh quẩn trong những tác phẩm của sách giáo khoa như trước kia, học sinh đã được mở rộng vốn đọc. Thay vì chỉ học thuộc một tác phẩm để lấy điểm, học sinh đã có được kỹ năng để thích ứng với những tác phẩm, quan điểm mới.

Yêu cầu mới về kiểm tra môn Ngữ văn cũng cho thấy năng lực của người giáo viên. Nếu không đủ tự tin để lấy những ngữ liệu mới vào bài kiểm tra, thì khó thực hiện được nhiệm vụ phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Giáo viên thay đổi, học sinh sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ giáo dục.

Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo VTV.VN

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/192057/doi-moi-tr111ng-day-va-hoc-mon-ngu-van.htm