Đổi mới trong việc thu hút nhân tài

Sở Nội vụ vừa có báo cáo gửi UBND thành phố quá trình thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về việc triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Đây là chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực trẻ và giỏi về làm việc tại các cơ quan nhà nước, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Tuy nhiên, kết quả báo cáo khiến không ít người bất ngờ. Qua 5 năm, kể từ năm 2018, các cơ quan hành chính ở thành phố chưa thu hút, tuyển dụng được trường hợp sinh viên nào tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về làm việc.

Theo Sở Nội vụ thành phố, các đối tượng thu hút, tuyển dụng theo Nghị định là những trường hợp có trình độ, kết quả học tập xuất sắc và số lượng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được thu hút là rất ít. Ngoài ra, nhiều sinh viên khi có kết quả tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, giỏi cũng có rất nhiều cơ hội nhận được học bổng trong nước và nước ngoài để tiếp tục con đường học vấn. Một nguyên nhân khác, đó là quy định về chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập của các cơ quan hành chính ở thành phố thấp hơn so với các đơn vị tư nhân nên nhiều sinh viên sau khi làm việc một thời gian đã quyết định “nhảy việc”.

Không chỉ thực hiện thu hút nhân tài theo chủ trương chung của cả nước mà từ năm 2014, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5715/QĐ-UBND ngày 21/11/2014 với chủ trương trải thảm đỏ mời nhân tài về làm việc. Quyết định này đã giúp thành phố thu hút 19 nhà khoa học về làm việc trên nhiều lĩnh vực. Đến năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 4/7/2019 của UBND thành phố với nhiều chính sách thay đổi, không hài hòa so với chương trình thử nghiệm trước đó nên phần lớn các chuyên gia đã nghỉ việc. Đến năm 2022, Quyết định số 17 cũng hết hạn, chờ thành phố nghiên cứu xây dựng chính sách mới trong dự thảo nghị quyết thay thế.

Thực tế cho thấy, còn nhiều bất cập trong việc thu hút nhân tài, khiến các ứng viên không “mặn mà” về làm việc. Đơn cử, Nghị định số 140 triển khai áp dụng cho cả nước cho nên có nhiều điểm không phù hợp đối với một số đô thị có mức sinh hoạt, chi phí rất lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Để người trẻ, giỏi tìm đến các cơ quan hành chính nhà nước và cống hiến, thành phố rất cần quyền tự quyết so với “khung” chung quy định về thu hút nhân tài áp dụng cho cả nước.

Đó là, thành phố được quyết định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Khi đã tuyển được rồi, phương án “giữ” và đào tạo cũng cần được các cơ quan chức năng tính đến, bởi đã từng có nhiều trường hợp “vỡ mộng” khi chính sách ban đầu rất tốt nhưng theo thời gian, các ứng viên không có nhiều “đất” để cống hiến, thể hiện đã tác động đến tâm tư, suy nghĩ trong quá trình làm việc.

Để tạo môi trường và nguồn nhân lực giỏi, các cơ quan cũng cần thay đổi quan điểm về sử dụng người lao động trong các cơ quan nhà nước. Cần nhìn nhận nguồn nhân lực này là lao động thị trường, có sự cạnh tranh và không gian để người lao động phát huy hết các tiềm năng, tố chất thay vì rập khuôn trong việc quản lý bằng những cách thức lạc hậu, tạo áp lực lên người lao động.

XUÂN PHÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-moi-trong-viec-thu-hut-nhan-tai-post738131.html